Ngày nay, du lịch không chỉ là một thú vui, mà còn là nhu cầu của cuộc sống. Tuy vậy, không phải ai cũng biết tìm cho mình những địa điểm du lịch hấp dẫn, cũng như những vùng đất mới mẻ.

Bài viết sẽ đưa đến cho bạn 10 cuốn sách nổi tiếng nhất trên thế giới viết về du lịch. Chúng không chỉ gợi ý cho bạn những điểm đến tuyệt vời, mà còn chia sẻ với độc giả những trải nghiệm cá nhân của chính những người tham gia cuộc hành trình đó – tác giả của cuốn sách.

10. Du ngoạn qua những sa mạc đẹp như tranh vẽ (“Through Painted Deserts”) của Donald Miller

Donald Miller là một tín đồ Cơ Đốc giáo, nhưng điều đầu tiên người ta nghĩ đến ông là một nhà văn. Ông không thích thuyết giáo, không thích những điều cứng nhắc, gò bó. Những câu hỏi của ông về đức tin của bản thân, về lý do ông tồn tại, ông là ai và sẽ là ai gợi nhớ tới những cuốn sách du lịch của những nhà văn thuộc phong trào Beat generation – một phong trào văn học khởi nguồn bởi một nhóm tác giả với những tác phẩm khai thác và ảnh hưởng tới văn hóa và chính trị nước Mỹ thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Những chuyến du ngoạn của Miller vô cùng tuyệt vời. Ông trải nghiệm những khoảnh khắc đẹp đẽ và trên những nẻo đường ông đi không bao giờ thiếu vắng âm nhạc. Ông thừa nhận rằng trong mỗi chuyến hành trình ấy, những giây phút bối rối và sợ hãi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và chúng đã góp phần làm nên điều thú vị cho những chuyến đi của ông.

9. Chú bò thần thánh: Một chuyến phiêu lưu của người Ấn Độ (“Holy Cow – An Indian Adventure”) của Sarah MacDonald

Nếu lật những trang đầu của cuốn sách, bạn sẽ thấy nó tương đối khó đọc và khó tiếp thụ bởi vì ngay sau chương đầu tiên, tác giả đã nêu ra rất nhiều điều như quan điểm từ phương Tây, những tiếng than khóc vì đói nghèo và bần cùng, thậm chí cả những sự khinh miệt tồn tại trong cuộc sống mà bạn có thể chẳng bao giờ đọc trong những cuốn sách du lịch. Tuy nhiên, phần còn lại sẽ khiến tâm trạng của bạn phấn chấn và vui vẻ bởi vì giống như cuốn “Du ngoạn qua những sa mạc đẹp như tranh vẽ”, “Chú bò thần thánh” cũng là trải nghiệm của chính tác giả.

Sarah đã gợi mở việc du lịch xuyên khắp Ấn Độ và thực hành trải nghiệm tất cả những niềm tin tôn giáo khác nhau. Cô ấy trở thành một người theo thuyết hữu thần. Cô tin vào Thần, tin rằng các vị Thần thật sự tồn tại. Cô khiêm tốn học hỏi để trở nên hạnh phúc, học để trưởng thành, và học để biết rằng mỗi nền văn hóa đều những điều đặc biệt và thú vị, có thể thỏa mãn tất cả những tâm hồn tò mò, ưa khám phá.

8. Về với thiên nhiên hoang dã (“Into the Wild”) của John Krakauer

Cuốn sách kể về một chàng thanh niên có tên là Christopher MacCandless với cuộc hành trình xuyên quốc gia, với hai mốc thời gian kể đan xen nhau. Một là khi anh bị mắc kẹt tại một vùng đất hẻo lánh xa xôi ở Alaska, hai là chuyến hành trình hai năm của anh qua nhiều vùng đất trước khi đến Alaska. Cuốn sách vô cùng ấn tượng với những đoạn John viết về cuộc sống tuyệt vời của Christopher: đó là sự cô lập với thế giới bên ngoài, vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã và một cuộc sống an nhàn.

Cuốn sách này đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, được đề cử hai giải Quả cầu vàng và hai giải Oscar.

7. Chuyến hành trình dưới sao đêm (“Dark Star Safari”) của Paul Theroux

Tựa đề đầy đủ của tiểu thuyết này là Chuyến hành trình dưới sao đêm: Đường bộ từ Cairo đến Capetown. Pau Theroux đã chứng tỏ mình là một cây bút tài năng thông qua tác phẩm này khi những kỹ năng quan sát, sự dí dỏm hài hước của ông được bộc lộ một cách trọn vẹn.

Paul dẫn dắt độc giả đi xuyên suốt Châu Phi trong chiếc xe buýt cà tàng chật ních, trên chiếc xuồng độc mộc, đoàn hộ tống có vũ trang, bến phà, và xe lửa mà bất cứ ai đã từng đọc một lần đều khó có thể quên được. Có những khoảnh khắc tuyệt đẹp, nhưng cũng có nhiều giây phút đau khổ và nguy hiểm. Đây là lời tường thuật về Châu Phi chân thực hơn cả những thước phim tài liệu bạn đã từng xem.

6. Những quốc lộ màu xanh da trời: Một hành trình trên nước Mỹ (“Blue highways: A journey into America”) của William Least Heat-Moon

Đây là một cuốn tự truyện của Heat-Moon viết vào năm 1978 về chuyến hành trình của mình. Sau khi chia tay vợ và mất việc, Heat Moon quyết định đi du lịch đường bộ kéo dài quanh nước Mỹ. Cuộc du ngoạn của ông gắn liền với “Những quốc lộ màu xanh da trời”, một khái niệm đề cập đến những con đường nhỏ bé kết nối với nhau ở những vùng nông thôn nước Mỹ, chúng vốn được vẽ bằng màu xanh da trời trong tập bản đồ Rand McNally cổ xưa.

Heat-Moon trang bị cho mình một chiếc xe tải và bắt đầu chuyến du lịch tìm kiếm tâm hồn nước Mỹ trong ba tháng. Quyển sách ghi chép lại 13,000 dặm đường (khoảng 20.921 km) mà ông đã đi qua, những người mà ông đã gặp trên đường, quá trình ông khám phá nền văn hóa địa phương của người Mỹ. Đây thực sự là báu vật cho những tâm hồn muốn trải nghiệm những điều giản dị nhưng lại vô cùng mới mẻ.

5. Lục địa đã mất ( “The Lost Continent”) của Bill Bryson

Nhà văn lỗi lạc Bill Bryson có rất nhiều tác phẩm xuất sắc và “Lục địa đã mất” là một trong số đó. Cuốn sách mô tả chuyến hành trình của Bryson khắp nước Mỹ, không chỉ đến thăm một số nơi quen thuộc như Hẻm núi lớn Grand Canyon mà còn khám phá những con đường làng và tìm kiếm sự thân quen gợi nhớ lại ký ức về quê nhà của ông. 

4. Đam mê du lịch: Chuyện kể về những chuyến hành trình và những điều lãng mạn (“Wanderlust: Real-Life Tales of Adventures and Romance”) của Pico Iyer

Là một trong những tác phẩm viết về du lịch xuất sắc nhất, tuyển tập này được đề tên của tác giả Pico Iyer. Thực tế, Pico là người biên tập và những câu chuyện trong cuốn sách này nằm trong chuyên mục “Đam mê du lịch” (Wanderlust) của trang web Salon.com. Cuốn sách là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả, vì thế người đọc sẽ có cơ hội được thưởng thức những trải nghiệm du lịch phong phú bằng những giọng văn khác nhau.

3. Dạo quanh nước Mỹ (“A Walk across America”) của Peter Jenkins

Đây là 1 trong những tác phẩm cổ điển về văn học du lịch đương đại, khi Peter Jenkins hồi tưởng về chuyến đi trong những năm 1973 đến 1975 từ New York đến New Orleans. Đối với nhiều độc giả, đây là cuốn sách hiếm hoi viết về du lịch cuốn hút và níu giữ họ lâu đến thế.

Được biết đến như là một tác giả viết về du lịch, người sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, bao gồm cả Alaska và Trung Quốc để có những trải nghiệm thực tế chân thật nhất, Peter Jenkins nói: “Tôi bắt đầu tìm kiếm chính mình và đất nước tôi và đã tìm thấy cả hai.”

2. Du lịch với Charlie (“Travels with Charley”) của John Steinbeck

Đây là một tiểu thuyết giúp John Steinbeck giành giải Novel về văn học. “Du lịch với Charlie” được viết dưới dạng một câu chuyện kể trong đó tác giả viết về những nơi ông đã đến, những khó khăn chướng ngại ông chưa từng đương đầu và cả việc ông nhận ra rằng những nơi và những con người bạn đã từng ghi nhớ sẽ rơi vào quên lãng một khi bạn về với cát bụi.

Con trai của John Steinbeck cho biết lý do chuyến đi của ông là vì ông biết mình sắp chết và muốn nhìn ngắm nước Mỹ một lần cuối cùng. Đây thực sự là một câu chuyện tuyệt vời về du lịch, gia đình, những điều đã qua, về tuổi già và về nước Mỹ.

1. Phía sau Phật giáo (“The Dharma Bums”) của Jack Kerouac

Phong trào Beat generation thực sự đã mang đến những câu chuyện về những chuyến hành trình vô cùng xuất sắc, và Jack Kerouac là bậc thầy của giọng văn mạnh mẽ, xúc động, say mê.

Mặc dù “Trên các nẻo đường” (On the road) đề cập nhiều nhất đến những câu chuyện du lịch của Kerouac nhưng “Phía sau Phật giáo” (The Dharma Bums) lại là một cuốn sách hay hơn. Chứa đầy những nhân vật, những câu chuyện thú vị, hấp dẫn, phong cách ngôn ngữ và lời thoại xúc động, đam mê và đầy sức mạnh đã giúp những nhà văn thuộc phong trào Beat generation trở nên nổi tiếng. Cuốn sách của Kerouac vô cùng khác biệt và xứng đáng đứng ở vị trí số 1.

Theo Listverse

Phương Lâm biên dịch

Xem thêm: