NEET (Not in Education, Employment, or Training) là một thuật ngữ chỉ một bộ phận trẻ không lao động hay tham gia bất kỳ hoạt động giáo dục hoặc đào tạo nào. Họ là những người không có thu nhập kinh tế, không tham gia vào hoạt động cộng đồng và hoàn toàn sống “ký sinh” vào cha mẹ.
NEET là một vấn đề xã hội mang tính toàn thế giới.
Ở Mỹ, NEET là những đứa trẻ Boomerang, sau khi tốt nghiệp lại trở về ngôi nhà và tiếp tục sống dưới sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ để duy trì cuộc sống.
Tại Pháp, đó là những cô cậu Kangaroo, đến tuổi trưởng thành vẫn được gia đình bảo bọc.
Còn ở Việt Nam và Trung Quốc, đó là những đứa trẻ “to xác” nhưng không có bất cứ kỹ năng sinh tồn nào. Chúng không biết cách tìm việc làm, không biết cách hợp tác với người khác, càng không biết nên đầu tư tuổi trẻ và sức lao động của mình vào đâu.
Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí cả những người có học vị cao hơn là thạc sĩ, tiến sĩ đã và đang gia nhập cộng đồng NEET. Họ không những không tìm được việc làm, mà còn mang theo khoản nợ từ thời sinh viên về quê và “sống bám” vào cha mẹ. Ở gia đình, họ được sống cuộc sống vô ưu vô lo, không cần phải nỗ lực hay cố gắng, không phải chịu áp lực của xã hội… thật dễ dàng để lựa chọn!
Nguyên nhân hầu hết là do những người trẻ có trình độ học vấn cao này thường có lý tưởng quá cao cho công việc. Tuy nhiên, khi đối mặt với áp lực trong công việc và gặp thất bại, họ tự khiến mình thành “quả dâu tây” – hấp dẫn nhưng dễ tổn thương, bóng bẩy nhưng lại dễ méo mó. Cuối cùng, họ dập nát chỉ vì những áp lực nhỏ.
Và thay vì học được điều gì đó để làm tốt hơn ở lần sau, họ chon cách tránh né. Họ thu mình, giữ khoảng cách với xã hội họ và cuối cùng trở về nhà trong vòng tay của cha mẹ.
Nếu nói rằng những người trẻ ấy thất bại là bởi sự bảo bọc quá đà của cha mẹ thì cũng đúng, nhưng chưa đủ; bởi lẽ ai cũng có cuộc đời của riêng mình, ai cũng có thể lựa chọn tương lai cho riêng mình. Cứ cho là bố mẹ quá yêu thương, chiều chuộng bạn, cứ cho là họ luôn sẵn sàng giang tay chào đón bạn, như vậy thì đã sao? Bạn vẫn được quyền có “cá tính” của riêng mình cơ mà!
Điều đáng làm nhất của tuổi trẻ chính là chủ động đi tìm cơ hội.
Nếu như trong 10 lần đi tìm cơ hội, bạn thất bại đến 9 lần, có thể lần thứ 10 cũng không thành công, nhưng mình phải đi tìm cơ hội thứ 11. Đừng quá xem trọng được mất, bạn còn quá trẻ và bạn chẳng có gì để mất cả. Người có trí tuệ sẽ xem trọng giá trị. Bạn càng tạo ra nhiều giá trị, càng khiến mình trở thành người có giá trị thì cuộc đời bạn sẽ càng thành công.
Nếu bạn cái gì cũng ngại, điều gì cũng sợ, không dám thử, không dám ra khỏi vòng tay của cha mẹ, bạn sẽ mãi mãi chỉ là bé khoẻ bé ngoan, mãi mãi là loài sinh vật “ký sinh” trên cha mẹ già mà thôi!
Nếu bạn đã được ăn học tử tế, tốt nghiệp đại học này, có học vị kia, biết rung động với Chân-Thiện-Mỹ thì hãy bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân và làm một điều gì đó ý nghĩa cho cuộc đời đi, một việc nhỏ thôi cũng được. “Think great, start small” – Không chịu bắt đầu làm mà chỉ ngồi đó nghĩ thì chỉ là tốn thời gian mà thôi!
Còn nếu không may mắn được học hành như con nhà người ta, bạn vẫn có thể bắt đầu từ những công việc lao động phổ thông. Bạn còn trẻ, còn sức lực và thời gian, có rất nhiều cơ hội dành cho bạn. Tâm bạn rộng đến đâu, vũ đài lớn đến đó!
Đừng cứ mãi rón rén, đừng cam chịu làm thân “tầm gửi” nữa!
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió
Vì lời hứa ghi trong tim mình
Vẫn bước đi…”
Trần Phong