Ở Nhật Bản, ngoài dạy kiến thức và văn hóa ra thì người ta còn rất chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng sống của học sinh. Từ tiểu học đến cấp ba, học sinh đều được học “môn gia đình”.
Học về các mối quan hệ
Trong môn học này, học sinh sẽ hiểu được mối quan hệ giữa sự trưởng thành của bản thân với gia đình, dòng họ. Đồng thời nhận thức được sự quan trọng của cuộc sống gia đình cũng như trách nhiệm của bản thân. Các em sẽ hiểu được rằng mỗi gia đình đều phải đi làm thì mới có thể nuôi sống chính mình và người thân cũng như biết cách chia sẻ công việc trong nhà và sử dụng thời gian hiệu quả để giúp đỡ người thân. Ngoài ra, mỗi khi đến ngày lễ cha mẹ hay sinh nhật, lũ trẻ sẽ tự tay làm những món quà nhỏ để tặng họ.
Ngoài ra, những kiến thức liên quan đến mối quan hệ với hàng xóm cũng được đưa vào giảng dạy. Tức là, ngay từ nhỏ, học sinh phải biết sống vui vẻ cùng cộng đồng và hòa hợp với hàng xóm.
Học về lối sống đúng đắn
Theo các nhà giáo dục, môn học gia đình được đánh giá là rất thực tế đối với học sinh dù ở bất cứ cấp học nào. Ví dụ, các em sẽ biết tầm quan trọng của ăn uống khoa học, tập cách sử dụng tiền bạc, mua sắm có kế hoạch, cách chọn đồ…
Đặc biệt, sau khi học, hầu hết các em đều có thể trở thành “chuyên gia dinh dưỡng” của gia đình. Tất cả các kiến thức liên quan đến dinh dưỡng của thực phẩm, những loại thực phẩm nào nên kết hợp với nhau; kiến thức nấu ăn cơ bản, phân lượng, trình tự khi chế biến nguyên liệu, những kiến thức như rửa, cắt, nêm nếm, luộc, xào, chiên … và cả những kiến thức an toàn và vệ sinh khi sử dụng dụng cụ làm bếp đều được giảng dạy từ cơ bản đến chi tiết cho các em.
Đa số phụ huynh Nhật Bản chia sẻ, các con sau khi học cách làm món ăn các nước sẽ về nhà làm cho cha mẹ nếm thử. Sau khi tham quan và học tập ở các cửa hàng, các con cũng sẽ phân biệt những thứ nào không nên mua nhiều để tránh gây lãng phí.
Cuối cùng, trẻ sẽ học về cách ăn mặc (tác dụng của quần áo, cách mặc áo thường ngày, cách giữ gìn quần áo, đơm nút áo…) và cách sinh hoạt hằng ngày (dọn dẹp nhà ở, làm ra những sản phẩm có ích trong gia đình như vải, đồ gỗ, đồ gốm…). Nhiều đứa trẻ con biết cách mua vải về tự may tạp dề, quần áo hoặc sửa thủ công những đồ hư hỏng.
Học về cách sống chủ động
Vào kì nghỉ, các em sẽ tự lên thời gian biểu và kế hoạch học tập, làm việc, vui chơi… như thế nào để phù hợp với bản thân. Thông thường trong các gia đình Nhật Bản, cha mẹ không cần giao việc cho các con mà những đứa trẻ sẽ tự nhận trách nhiệm phù hợp với bản thân và thực hiện chúng. Nhìn chung, các công việc nhỏ như bỏ rác, gấp và phơi quần áo, quét nhà, rửa bát sẽ do các con làm, phụ huynh Nhật hoàn toàn có thể yên tâm đi làm.
Sau kỳ nghỉ, cha mẹ viết nhận xét về các con rồi gửi cho giáo viên. Hành động này rất khách quan, giống như một giám khảo chấm thi cho thí sinh chứ không hề bao che, giấu giếm.
Cũng bởi đã được rèn luyện cách sống chủ động từ nhỏ nên sinh viên Nhật có thể sống độc lập từ đại học, tự mình vay tiền trả học phí, tự mình đi làm trả khoản vay, thậm chí là kết hôn, mua nhà cũng đều tự lo, không dựa vào cha mẹ.
Trong khi ở 1 số quốc gia Châu Á khác, cha mẹ thường bảo bọc con cái một cách thái quá, nhiều khi chỉ quan tâm đến thành tích học tập của con cái mà bỏ quên việc giáo dục cách sống, ăn mặc, đi đứng, nói năng ngay từ nhỏ thì người Nhật lại đặc biệt chú trọng đến những khía cạnh này. Đây có lẽ là một trong thành công lớn nhất của nền giáo dục Nhật Bản.
Hải Dương