Lễ cưới thật sự là một sự kiện đặc biệt trong đời người, với mỗi vùng miền khác nhau, lễ cưới lại mang hình thức văn hóa khác nhau. Đối với một đất nước rộng lớn có nhiều dân tộc cùng chung sống như Trung Quốc, thì lễ cưới ở mỗi từng dân tộc cũng thể hiện một hình thức văn hóa truyền thống hấp dẫn và thiêng liêng theo những cách độc đáo khác nhau.

Ngày nay, nhiều cặp đôi cho rằng không cần chi tiêu tốn kém cho một lễ cưới, thậm chí cho rằng cũng chẳng cần đến một lễ cưới như một hình thức để làm gì, có thể họ đã không biết được mục đích sâu xa và nét đẹp văn hóa đáng trân trọng của một lễ cưới. Tuy vậy, thật đáng ngạc nhiên khi người dân ở nhiều dân tộc Trung Quốc vẫn giữ được các nghi thức hôn nhân cổ xưa của họ. Hãy cùng xem một số đám cưới truyền thống khác nhau từ các dân tộc Trung Quốc.

Dân tộc Thái

(Ảnh: Asiaculturaltravel)

Đối với dân tộc Thái, khi người đàn ông và người phụ nữ kết hôn, phong tục “ở rể” sẽ được thực hiện. Điều đó có nghĩa là người chồng sẽ về sống cùng với gia đình vợ mình. Vì lý do đặc biệt đó, lễ cưới luôn được tổ chức tại gia đình cô dâu.

Người Thái là tín đồ Phật giáo, vì vậy theo truyền thống, cặp vợ chồng phải đến một ngôi chùa để cầu nguyện, trước tiên là để cầu xin Thần Phật chứng giám cho sự gắn kết hôn nhân của hai người, sau là mong ước một cuộc sống hạnh phúc, bình yên bên nhau. Ở gia đình, họ sẽ đặt một tấm thảm trước cửa nhà trong khi các nhà sư tụng kinh cầu phúc cho cặp vợ chồng mới. Sau khi tụng kinh, nhà sư sẽ đặt một dải lụa màu sắc trên cổ tay của các cặp vợ chồng mới cưới như minh chứng cho sự kết hợp của cặp đôi.

Dân tộc Mông Cổ

(Ảnh dẫn qua Yaqin blog)

Đám cưới của người Mông Cổ cũng giàu nghi thức truyền thống và được tổ chức theo nhiều giai đoạn. Ngay trước đám cưới, một số nghi thức truyền thống quan trọng cần được thực hiện. Hôn nhân của người Mông Cổ được sắp xếp thông qua mai mối. Những món quà được trao tặng trước đám cưới và một bữa tiệc đính hôn được tổ chức, sau đó mới là đám cưới.

Sau buổi lễ đầu tiên, hai vợ chồng trở về nhà chú rể (một chiếc lều tròn gọi là yurt) trong một chiếc xe ngựa và đi vòng quanh nhà ba lần. Sau đó, cặp vợ chồng đi qua hai đống củi đang cháy để nhận lời chúc phúc từ vị Thần lửa Vulcan, đại diện cho sự thuần khiết của tình yêu và một cuộc sống thịnh vượng.

(Ảnh: Pinterest)

Sau đó, cả hai vợ chồng sẽ đến đáp lễ cha mẹ, người thân và bạn bè, đánh dấu sự khởi đầu cho buổi lễ chúc mừng kéo dài đến hai ba ngày. Đám cưới được xem là hoàn thành vào lúc buổi lễ kết thúc.

Dân tộc Mãn Châu

Đám cưới của người Mãn Châu rất phong phú gồm cả phong tục của người Hán và người Mãn Châu. Đầu tiên, cha mẹ hai bên sẽ tiến hành việc làm quen với nhau để đi đến quyết định rằng họ muốn hình thành mối quan hệ gần gũi hơn thông qua việc trở thành sui gia. Khi hai gia đình còn xa lạ với nhau, họ có thể gặp gỡ qua người mai mối.

Việc xem tử vi đóng một vai trò thiết yếu trong những cuộc hôn nhân, vì ngày sinh của cặp vợ chồng phải hòa hợp với nhau được xem là điều quan trọng. Vì thế, hai gia đình sẽ trao đổi tên họ và các việc lịch sử gia đình.

Truyền thống phía Đông Nam vùng Mãn Châu lại khác, cô dâu sẽ rời khỏi nhà vào trước ngày đám cưới để đến ở với một gia đình khác. Vào ngày cưới, anh trai cô dâu sẽ đưa cô lên xe ngựa đến nhà chú rể, khi đến giữa đoạn đường, cô dâu sẽ được đón đi bởi một cỗ xe do chú rể gửi đến.

Khi đến nhà chú rể, cặp đôi sẽ hướng về phía Bắc để cúng bái theo truyền thống địa phương. Cô dâu sẽ cầm gạo và một chiếc nồi chứa tiền trong khi họ cúng vái Trời Đất. Sau đó, cô sẽ bước qua ngưỡng cửa, mang roi ngựa và lò than, đại diện cho sự bình an và thịnh vượng cho tương lai của họ.

Vào sáng ngày thứ ba, cặp vợ chồng sẽ bái lạy tổ tiên, cha mẹ và người lớn tuổi trong gia đình. Bảy ngày sau, cặp đôi sẽ trở về nhà cô dâu và sống cùng bố mẹ trong một tháng, được gọi là “sống trên mặt trăng”. Điều này biểu thị sự hoàn thành của đám cưới.

Hàn Quốc

Thật thú vị khi nhìn vào một đám cưới Hàn Quốc, vì văn hóa Hàn Quốc sớm bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc từ những ngày đầu phát triển. Theo quan niệm của người dân nơi đây, nếu cặp vợ chồng nào không làm đủ các bước cưới hỏi theo truyền thống, họ sẽ khó có được hạnh phúc. Các nghi thức lễ cưới phong phú cho thấy người dân ưa chuộng hạnh phúc bền lâu. Đám cưới truyền thống của Hàn Quốc khá phức tạp, gồm hai giai đoạn chính.

(Ảnh: LEIGH + BECCA)

Lễ cưới thường được tổ chức hai lần, một lần tại nhà cô dâu và một lần nữa tại nhà của chú rể. Lễ cưới tại nhà cô dâu, nhà gái đặt sẵn bàn thờ và những lễ vật để thờ cúng. Chú rể mang theo một con chim nhạn có màu sắc sặc sỡ tiến lên trước bàn thờ và đặt con nhạn lên đó, sau đó cặp đôi quỳ vái. Nghi lễ này chúc phúc cho chú rể và cô dâu cùng yêu thương, kính trọng nhau và không bao giờ chia lìa giống như những con chim nhạn. Chú rể sẽ ở nhà cô dâu trong ba ngày rồi trở về nhà.

Sau đó, cô dâu sẽ chọn một ngày tốt để đến nhà chú rể, và một bữa tiệc cưới sẽ diễn ra. Cô dâu sẽ gặp gia đình chú rể vào ngày hôm sau, đánh dấu sự hoàn thành của lễ cưới. Ly hôn là điều hiếm khi xảy ra và người Hàn Quốc thường già đi cùng nhau.

(Ảnh: LEIGH + BECCA)

Tại sao một đám cưới theo văn hóa truyền thống lại có nghi thức phong phú và trang trọng đến như thế? Bởi vì người xưa cho rằng đó là sự đánh dấu cho hành trình khám phá ra thứ hạnh phúc đích thực của tâm hồn. Thông qua hôn nhân, chúng ta hiểu về tình yêu, sự chân thành, tôn trọng, sự hy sinh và nâng đỡ lẫn nhau, học cách chấp nhận và bao dung cho những thiếu sót của nhau.

Ngày nay, lễ cưới được nhiều người nhìn nhận theo nhiều ý nghĩa khác nhau: có người xem đó như một buổi tiệc để kỷ niệm sự kiện hôn nhân, có người xem đây là dịp để người phụ nữ có cơ hội phô trương vẻ đẹp nhất của mình trước bè bạn và người thân. Tuy vậy, có một mục đích thật sự cho lễ cưới mà nhiều cặp đội thực hiện nhưng không phải ai cũng hiểu rõ, đó là cơ hội để hai người yêu nhau thực hiện lời hứa trước Đấng Tối Cao của mình, trước gia tộc tổ tiên, trước các nhân chứng là khách mời, và là lúc họ trao lời thề chung thủy dành cho nhau. Những lời hứa này tạo nên nền tảng cốt lõi cho cuộc hôn nhân của họ.

Vào buổi lễ cưới, dù bạn tuyên bố lời thề trước Chúa theo nghi thức phương Tây, hay bạn ngầm hiểu lời thề khi cúng bái trước Thần Phật và tổ tiên theo nghi thức phương Đông, thì không ai có thể nghi ngờ về ý nghĩa của lời thề nguyện ấy, vì đó là lời cam kết cho một mối quan hệ thiêng liêng, là đức tin cao cả vào sự chứng giám và ban phước lành từ Đấng Tối Cao, và là lời nhắc nhở cho những vị khách đã quên lời hứa của chính mình.

Tâm An