Ngày nay, rác thải đang là vấn nạn của không ít quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, có một thiên đường du lịch trên bãi rác độc đáo và vô cùng thú vị đang thu hút hàng triệu khách du lịch đến với nơi đây.
Hòn đảo chôn rác nhân tạo Semakau Landfill là bãi chôn rác duy nhất hiện nay của Singapore. Ban đầu, đảo có diện tích 70ha, với đường bờ biển dài hơn 3km. Tuy nhiên, sau kế hoạch biến nơi đây thành bãi rác duy nhất Singapore, hình dạng và kích thước của hòn đảo đã bị thay đổi.
Khu vực bãi rác có diện tích 350ha với công suất chôn lấp là 63 triệu m3. Tính trung bình với khoảng 12,5 triệu đôla Sing mỗi năm (khoảng 155 tỷ VND), được dự kiến có tuổi thọ khoảng 30 năm. Tuy nhiên, nếu người dân có thể tái chế rác và giảm lượng chất thải thì bãi rác có thể kéo dài đến 46 năm.
Thật ra bãi rác Semakau Landfill không hoàn toàn là nhân tạo. Ban đầu, đó chỉ là hai hòn đảo thiên nhiên nhỏ xíu gọi là Pulau Semakau và Pulau Sakeng nằm gần nhau. Đây được xem là trường hợp đầu tiên trên thế giới (khi bắt đầu hoạt động mười năm trước) tạo ra một bãi chôn rác nằm hoàn toàn giữa biển khơi.
Mỗi ngày, trung bình Singapore thải ra khoảng 16.000 tấn rác. Rác sẽ được phân loại và thu gom ngay tại nguồn (nhà dân, nhà máy, xí nghiệp…). Sau đó, sẽ có khoảng 9.000 tấn (56%) được chuyển về các nhà máy để tái chế và khoảng 41% còn lại (7.000 tấn) được đưa đến bốn nhà máy thiêu rác lớn ở Ulu Pandan, Tuas, Tuas Nam và Senoko. Sau khi đốt xong, bùn và tro sẽ được đưa đến trạm trung chuyển tại Tuas, và được đưa lên sà lan để chuyển đến Semakau.
Ngay khi cập bến đảo rác Semakau Landfill, các xà lan chứa tro rác được đưa vào bên trong nhà trung chuyển có mái che. Đội xe sẽ xúc tro rác đổ đầy các xe tải rồi đưa thẳng đến các ô trống trên đảo rác.
Ngoài ra, nhiệt năng sinh ra trong khi đốt rác cũng được dùng để chạy máy phát điện, đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của cả nước.
Một con đường trải nhựa rộng 10m dọc theo bờ kè cung cấp lối vào tất cả khu vực của bãi chôn lấp. Các xe chở tro rác đến các hố với sức chứa hơn 28 triệu m3 . Mỗi hố được bao phủ bởi một lớp đất, khi hố đầy sẽ có độ cao bằng với bề mặt xung quanh. Sau đó, cây cỏ được trồng bên trên để tạo nên cảnh quan xanh mát cho đảo.
Đảo Semakau còn được nhiều người biết đến như một khu sinh thái đa dạng với hơn 700 loài động thực vật khác nhau. Nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có những loài đang có nguy cơ bị đe dọa như diệc xám, cá heo trắng Trung Quốc… cũng được tìm thấy ở đây. Chính quyền còn cho trồng một quần thể rừng đước rộng 136 nghìn m2 để bù lại số cây đước tự nhiên bị ảnh hưởng khi xây dựng hòn đảo nhân tạo. Loài thực vật này còn đóng vai trò như thước đo chất lượng nước. Nếu nước bị nhiễm độc, cây sẽ kém xanh tươi.
Chính phủ Singapore cũng đã cho đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ du lịch như khu ngư trường nuôi cá, khu ngắm chim, khu dã ngoại…
Tháng 7/2005, chính phủ nước này đã cho phép mở cửa khu vực phía Tây đảo rác Semakau Landfill, mỗi ngày đón hàng trăm du khách đến tìm hiểu sinh cảnh biển, ngắm chim, ngắm sao đêm, câu cá thể thao… Đặc biệt, từ năm 2006, Semakau đã có thiết bị phát điện bằng năng lượng gió và mặt trời đủ cung cấp năng lượng chiếu sáng cho các buổi cắm trại đêm và máy tính xách tay.
Có thể, bạn vẫn nghĩ bãi rác sẽ là nơi thật bẩn thỉu và bốc mùi hôi thối. Nhưng nếu đến với Semakau bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ của mình, bởi nơi đây là một khu du lịch tuyệt đẹp. Và mô hình lý tưởng này đang được các quốc gia trên thế giới nhân rộng.
Phạm Hoàng