Sự cố kinh doanh tai tiếng nhất thời gian gần đây có lẽ phải kể đến câu chuyện “hàng lụa Việt cao cấp made in China” của thương hiệu nổi tiếng Khaisilk. Đáng buồn hơn là, đây không phải hiện tượng cá biệt trong văn hoá kinh doanh ở Việt Nam.
Mọi chuyện bắt đầu xuất phát từ ngày 17/10, khi một công ty tố cáo lô hàng khăn lụa mua tặng khách từ thương hiệu Khaisilk, có một sản phẩm vừa gắn mác “made in Việt Nam”, vừa gắn mác “made in China”. Những sản phẩm còn lại chỉ có mác Khaisilk nhưng vẫn có vết cắt của một phần mác khác còn sót lại.
Vài ngày sau, lại thêm người dùng tố cáo cũng gặp tình trạng tương tự khi mua khăn tại cửa hàng 113 Hàng Gai, Hà Nội.
Người mua hoang mang, không biết mình đang sử dụng chiếc khăn lụa cao cấp có nguồn gốc từ đâu? Hàng chục năm qua, người ta vẫn mặc định thứ tơ lụa mà Khaisilk bán là thứ tơ lụa 100% thuần Việt. Và họ có rất nhiều điều để củng cố niềm tin ấy – cửa hàng số 113 to nhất nhì phố Hàng Gai vốn là con phố hàng trăm năm qua bán tơ lụa truyền thống và ông Khải được sinh ra trong một gia đình làm nghề thêu ở chính phố này. Rất nhiều chính khách như Thủ tướng Nhật Bản Katayama, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, rồi đếnThủ tướng Úc, Tổng thư ký Liên Hợp quốc… cũng đã từng lựa chọn sản phẩm của Khaisilk.
Những người mua hàng để dùng chắc hẳn tự hào vì được dùng sản phẩm thuần Việt. Còn những người mua để làm quà tặng, nhất là những vị khách ngoại quốc mua hàng của Khaisilk hẳn là có suy nghĩ gửi gắm chút tình yêu hồn Việt, muốn mang theo mình kỉ niệm của đất Việt khi ghé thăm nơi này.
Sự thực, đã rất nhiều người tôn vinh Khaisilk như một hình mẫu của việc đưa nghề thủ công vượt ra khỏi tầm sản xuất thủ công truyền thống, và thực sự danh tiếng Khaisilk đã vượt ra khỏi phố Hàng Gai từ lâu. Thế nhưng, tình yêu và lòng tin đã trao cho Khaisilk có lẽ đã hoàn toàn sụp đổ sau khủng hoảng “made in China”.
Tuy rằng ông chủ thương hiệu Khaisilk nổi tiếng gắn liền với slogan “Tôn vinh lụa tơ tằm Việt Nam” – Hoàng Khải đã chính thức lên tiếng, thừa nhận Khaisilk bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc từ những năm 1990, và gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng, nhưng, có lẽ đã quá muộn màng. Rồi từ đây, người ta sẽ phải nhìn không chỉ tơ lụa, mà còn là hàng nghìn sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam bằng con mắt nghi ngờ, dò xét. Đây hẳn là những mất mát không gì đánh đổi được.
Và sự cố chiếc khăn hai nhãn mác của Khaisilk không còn là riêng câu chuyện của ông Hoàng Khải. Nhiều người trong nghề lật lại câu chuyện, tại sao Việt Nam chỉ có vài ba nhà xưởng thô sơ dệt lụa, hầu như không có mấy nhà máy sản xuất lụa với công nghệ cao, vậy thì vô số những chiếc khăn lụa được dán nhãn cao cấp “thuần Việt” của không ít thương hiệu trên thị trường là từ đâu mà ra?
Chuyện các sản phẩm Việt nhưng có xuất xứ Trung Quốc có lẽ không còn hiếm trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam. Ngay tại một số làng gốm nổi tiếng trong nước, sản phẩm thủ công được bày bán ít ỏi bên những sản phẩm Trung Quốc bắt mắt với màu sắc rực rỡ. Những làng tre, làng cói với chiếu cói được rao là dệt tay hoàn toàn, nhưng trong một góc nhỏ, vẫn in nơi xuất xứ Trung Quốc.
Rồi cả nông sản Việt, vẫn xảy ra chuyện rau củ, người ta mua hàng bên kia biên giới về, áo lên một lớp bùn đỏ, giả danh nông sản Việt, đem về bán với giá cao dành cho nông sản sạch…
Câu chuyện hàng Trung Quốc khoác áo Việt là cả một chuyện dài và tồn tại nhiều vấn đề của nền sản xuất trong nước. Khó lòng ngăn thương lái sử dụng những “chiêu trò” kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” như thế, bởi, trong khi hàng Việt thủ công chất lượng tốt và an toàn, nhưng mẫu mã và giá cả khó mà cạnh tranh được với hàng Trung Quốc.
Hàng lụa Việt, được dệt ra từ tơ tằm thật, gốm Việt được nung từ cao lanh, làm tay kì công nhưng kĩ thuật chưa sắc sảo, in màu lên chưa nổi bật, giá thành lại không thấp, làm sao cạnh tranh với hàng Trung Quốc vừa đẹp lộng lẫy, bắt mắt, lại rẻ hơn nhiều. Nhập hàng về rồi dán nhãn Việt và bán, đó hẳn là một bài toán dễ sinh lời nhất cho các thương lái.
Tất nhiên, câu chuyện ấy bắt nguồn cũng từ tư duy “mỳ ăn liền” của những người kinh doanh trong nước. Họ thích lựa chọn con đường tắt để làm giàu. Thay vì chọn học hỏi, đầu tư kĩ thuật nghiêm túc, tuân thủ quy chuẩn chất lượng, cải tiến năng suất để định hình và làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh thì họ lại chăm chăm đi nhập hàng bên ngoài, dán nhãn lại rồi đánh lừa người tiêu dùng của mình. Những doanh nghiệp ấy đang góp phần bào mòn niềm tin của những người đã tin tưởng và lựa chọn họ.
Các cụ ta có câu:
Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng.
Danh tiếng 30 năm của Khaisilk là một thứ “bảo bối” mà bất kì doanh nghiệp nào cũng thèm muốn và ao ước. Nhưng rồi, họ đã đánh mất nó chỉ trong phút chốc, không phải là thiệt hại về tài chính mà chính sự tổn thương về niềm tin của người tiêu dùng mới là bài học đau đớn nhất mà công ty đang đối mặt. Có lẽ đây cũng là một lời cảnh tỉnh cho những ai còn đang mang suy nghĩ “ăn xổi”. Thành công phải dựa vào uy tín chứ không phải những “chiêu trò”.
Hiểu Minh