Không thể nào thay đổi được ngày hôm qua, nhưng ngày hôm nay chúng ta vẫn còn có cơ hội. Hãy nắm tay nhau giữ lại tình yêu cho gia đình và những đứa con, thay đổi mình để các con yên tâm khôn lớn, trưởng thành.
Trong thời buổi xã hội hiện nay, khi ngày càng có nhiều gia đình mà các ông bố bà mẹ đều rất bận rộn, công việc xoáy họ vào dòng đời hối hả để rồi quên đi một điều quan trọng là vun đắp gia đình hạnh phúc. Một ngày, họ nhận ra mình đã sai thì có lẽ tất cả đã trở thành quá muộn.
Áp lực công việc có lẽ là lý do đầu tiên khiến chúng ta thường xuyên cáu giận trước mặt chồng hay vợ, thay bằng việc cùng chia sẻ tháo gỡ những khúc mắc và khó khăn thì chúng ta lại vô tình đâm vào đối phương những vết thương khó có thể chữa lành. Nguy hiểm hơn, khi chúng ta không kìm nén được cảm xúc mà sẵn sàng trút giận lên những đứa con của mình.
Nếu những cảm xúc tiêu cực không được loại bỏ, nó sẽ ngấm ngầm “phát triển” bên trong chúng ta như một “căn bệnh” và có thể dẫn đến chứng trầm cảm. Những cảm xúc tiêu cực này còn được biểu hiện qua hành vi tiêu cực, khiến không khí trong gia đình trở nên nặng nề, căng thẳng; làm cho những người trong cuộc cảm thấy sầu khổ và gây tổn thương đến những người xung quanh.
Kết quả sẽ trở nên xấu hơn khi “căn bệnh” này bùng phát, lúc vợ chồng không thể tự giải quyết được vấn đề, thì những trận đòn vô cớ dồn dập đổ lên đầu con cái để trút giận.
Mới đây, một học sinh trung học ở Việt Nam chia sẻ, em cảm thấy mình như một “công cụ” để cha trả thù mẹ. Cha đã nói dối về mẹ để em chịu đến sống cùng cha. Sau đó, em phát hiện cha giữ em chỉ nhằm trả thù mẹ, vì hiểu mẹ sẽ rất đau khổ khi biết em bị hành hạ.
Đó cũng là lời giải cho việc cha thường kiếm cớ đánh đập em. Trả thù vợ cũ bằng cách hành hạ con có thể không phổ biến bằng việc đưa ra những nhận xét xấu về chồng hay vợ. Họ đã quên là những lời hằn thù đó cũng gây tổn thương, đau đớn cho con cái khi chúng buộc phải nghe và chứng kiến.
Có câu chuyện kể về một gia đình, khi người vợ thao thao bất tuyệt nói xấu chồng. Hai đứa con một đứa 8 tuổi, một đứa 10 tuổi, chúng nhìn mẹ một cách ngạc nhiên. Gương mặt nhỏ bé nhăn nhúm của chúng biểu lộ một nỗi đau đớn, nỗi buồn sâu thẳm. Chúng ngồi bất động, hoang mang, lo lắng không biết đó có phải là người mẹ mà chúng tin yêu, đang nói về người cha mà chúng cũng vô cùng kính trọng hay không?
Nguyên nhân của những lần xung đột “không đội trời chung”
Nhiều người thời nay không hiểu tại sao việc ly hôn trở thành “căn bệnh thời đại”, họ cho rằng mỗi thời mỗi khác, hoàn cảnh sống thay đổi nên con người cũng thay đổi theo. Giữa vợ chồng với nhau, nếu là anh đối với tôi không tốt, tôi cũng đối xử không tốt với anh. Thậm chí, còn tệ bạc hơn chứ không chịu thua kém, với cách lấy ác chế ác, lấy oán chế hận như thế chỉ khiến đôi bên cùng bị thương tổn.
Xã hội hiện đại nảy sinh rất nhiều vấn đề như ly hôn, ngoại tình, chồng đánh vợ, vợ đánh con cái, con cái không vâng lời cha mẹ, chồng dùng bạo lực để dạy vợ, cha mẹ dùng đòn roi để dạy dỗ con cái,…
Đa số các cặp vợ chồng khi gặp mẫu thuẫn đến mức đỉnh điểm, đều không nghĩ đến việc buông bỏ cái tôi cá nhân của mình xuống mà nghĩ cho tương lai của con cái và hạnh phúc của gia đình. Họ đều nghĩ “không ai khổ bằng tôi, tôi là khổ nhất”, “anh không hiểu cho tôi”, “cô ta sao mà quá quắt”, ... Nhưng tất cả đều không quay lại thử nghĩ xem vì sao chồng mình như vậy, vì sao vợ mình thế kia; chỉ nhất mực kể cái khổ của bản thân mình trước. Đó chẳng phải là lòng ích kỷ sao, họ có thật sự vì con cái mình mà buông cái tôi ích kỷ đó xuống?
Nếu thật sự có thể nghĩ cho con cái, biết nghĩ cho đối phương có lẽ cơ sự đã không trở nên như thế này. Nếu mỗi ông bố bà mẹ khi gặp vấn đề, mâu thuẫn đều có thể đặt mình vào vị trí của đối phương, có thể buông bỏ cái tôi cá nhân được cắm rễ sâu trong tư tưởng của họ thì có lẽ câu chuyện đã đi theo hướng khác.
Vì sao người thời xưa không có những hiện tượng loạn luân như thế này? Bởi vì, con người lúc đó biết lấy “Đức” làm trọng. Người chồng nhờ có đức mới biết cách thương yêu và tôn trọng vợ, người vợ nhờ có đức mới biết khuyên bảo và phụ đỡ chồng, cha mẹ nhờ có đức mới biết cách dạy dỗ con cái. Bởi chỉ có đức mới có thể cảm hóa nhân tâm và khiến người ta tâm phục khẩu phục.
Khi đứng trước mâu thuẫn, nếu có thể không quản đối phương đúng hay sai mà bản thân là người sẵn sàng nhường nhịn trước, nhẫn nại một chút, bình tâm tĩnh khí, dùng thiện tâm nhìn nhận vấn đề cho rõ ràng thì ít nhất sẽ có thêm một khoảng hòa hoãn, không khiến mâu thuẫn gay gắt hơn, thậm chí vấn đề sẽ được giải quyết.
Người xưa nói: “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Hai con người xa lạ không quen biết có thể được đi chung đường với nhau, đó đều là nhân duyên. Thật không dễ dàng gì có được mái ấm hạnh phúc này, tại sao không trân quý mà dễ dàng buông xuôi. “Khi muốn buông hãy nghĩ lại vì sao ta bắt đầu”?
Gia Viên – Hồng Tâm
Xem thêm: