Theo thống kê của chính phủ Nhật, năm 2014, trên đất nước này có tổng cộng 250 nghìn người tự sát, tức là trung bình, cứ mỗi ngày ở Nhật lại có 70 người tự tìm đến cái chết, con số này đã gây chấn động vì cao hơn hẳn ở các nước phát triển khác trên thế giới.

Xót xa một văn hóa mang tên tự tử

Dẫu là một đất nước có nền kinh tế vượt trội cùng với nhiều kĩ thuật công nghệ tiên tiến so với các nước châu Á khác, Nhật Bản vẫn đối mặt với một vấn đề nhức nhối: tỉ lệ tự tử cao nhất trong các nước G7, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Trái với hình ảnh của thế hệ trẻ đầy sức sống và vui tươi, tại Nhật Bản, người ta có thể ngủ gục tại bất cứ đâu.

Trái với hình ảnh của thế hệ trẻ đầy sức sống và vui tươi, tại Nhật Bản, người ta có thể ngủ gục tại bất cứ đâu, văn phòng làm việc, nhà ga tàu điện ngầm. Tình trạng làm việc đến kiệt sức cộng với áp lực nặng nề từ xã hội đã khiến những người trẻ Nhật Bản mắc kẹt giữa áp lực công việc và cuộc sống và không thể tìm được kết nối, chia sẻ nào từ những người khác. Cuối cùng, họ ngày càng trở nên lạc lõng và cô đơn.

Căn phòng của Shoku Uibori, 43 tuổi, là một hikikomori trong suốt bảy năm qua. “Anh ta là một doanh nhân và có một công ty riêng của mình, nhưng sau đó công ty phá sản và anh tự nhốt mình trong phòng cả ngày để đọc sách, đôi khi đi ra ngoài vào ban đêm để mua đồ ăn và các nhu yếu phẩm tại các cửa hàng tiện lợi.” (Ảnh: Maika Elan)

Dù ở trong độ tuổi rất trẻ, nhưng không ít người đã lựa chọn cuộc sống tự khép kín mình, không tham gia vào các hoạt động xã hội, thậm chí không ra khỏi phòng suốt nhiều năm liền (được gọi là hikikomori). Chỉ riêng tại Tokyo, ước tính có khoảng từ 280.000 đến 700.000 hikikomori. Họ sống phụ thuộc vào trợ cấp của cha mẹ dù đã trưởng thành. Họ là những con người mất tự tin vào cuộc sống, họ cho rằng mình là kẻ thất bại, họ không dám dối diện với  với sự kỳ vọng của gia đình, xã hội, và họ cảm thấy an toàn khi tự khóa chặt mình sau cánh cửa phòng khép kín.

Fuminori Akoa, 29 tuổi, đã ở trong căn phòng này suốt một năm. “Anh ấy là một người tuyệt vời có thể làm được những điều phi thường, nhưng anh không bao giờ làm hết sức mình. Anh ấy thường xuyên thay đổi sở thích và mục tiêu phấn đấu, cũng như chúng đang dần biến mất.” (Ảnh: Maika Elan)
Riki Cook, 30 tuổi, có cha là người Mỹ và mẹ là người Nhật. Gia đình của anh sống chủ yếu ở Hawaii nhưng anh lại sống một mình ở Nhật Bản. “Riki luôn cố gắng để nổi bật, nhưng lại sợ mắc phải sai lầm”  (Ảnh: Maika Elan)

Sự cô đơn và bất lực của những hikikomori càng lên đến đỉnh điểm khi những cộng đồng mạng tổ chức tự tử theo nhóm bắt đầu xuất hiện Những người này chọn chân núi Fuji, rừng tự sát là địa điểm để kết liễu mạng sống của mình. Thậm chí, một cuốn sách mang tên “Sổ tay tự tử toàn tập”, của tác giả Wataru Tsurumi đã viết: “Tự tử là một phần văn hóa Nhật Bản”. 

Khu rừng được gọi là Rừng tự sát tại Nhật Bản sau nhiều vụ tự tử được phát hiện tại đây. (Ảnh: GREY SPIDERUM)

Đau lòng thế hệ già cùng những cái chết cô độc

Trong khi giới trẻ Nhật Bản cảm thấy mất kết nối trong chính thời đại của mình, thế hệ đi trước lại mang một mối lo âu khác: cái chết cô độc – kodokushi.

Với cơ cấu dân số già, phần lớn người già Nhật Bản sống tại các căn hộ riêng hoặc căn hộ chung cư dành cho người già vì số lượng các trung tâm dưỡng lão không đáp ứng được nhu cầu. Thời đại của mình đã qua, đa số bạn bè đã không còn, con cái  đã tự lập, có gia đình riêng và ít khi liên lạc, các ông cụ bà cụ ở đất nước mặt trời mọc đang phải đối mặt với một nỗi sợ không tưởng: chết đi mà không ai hay biết.

Tòa nhà chung cư Tokiwadaira tại Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng vì những cái chết cô đơn của người già sinh sống nơi đây. (Ảnh: GREY SPIDERUM)

Trường hợp điển hình của “cái chết cô độc” là khi thi thể của một người đàn ông 69 tuổi nằm trên sàn nhà suốt 3 năm mà không hề có ai biết. Tiền thuê nhà và điện nước được trừ tự động hàng tháng từ tài khoản ngân hàng của ông. Cuối cùng đến năm 2000, số tiền tiết kiệm của ông khánh kiệt và cảnh sát phát hiện ra thi thể gần bếp đã bị giòi và bọ đục khoét.

“Kể cả khi khắc tên tôi lên bia mộ, cũng sẽ không có một ai đến thăm viếng tôi”, cụ ông chua xót nói.(Ảnh: GREY SPIDERUM)

Một tờ tạp chí nổi tiếng đưa tin “1 tuần có khoảng 4.000 cái chết cô đơn” đã khiến cả nước Nhật bàng hoàng nhận ra sự cô đơn đến tột cùng của một thế hệ. Vào năm 1987, đã có 788 đàn ông chết một mình ở Nhật. Đến năm 2006, con số đã lên đến 2.362 và thời gian trung bình để phát hiện ra thi thể cho nam giới là 12 ngày và nữ giới là 6,5 ngày.

Đối diện với cái chết có lẽ ai cũng phải sợ hãi, nhưng phải trải qua cái chết một mình và cô độc đến vậy còn là một điều đáng sợ hơn nhiều. 

Tại sao ở Nhật Bản tình trạng cô đơn lại đáng sợ đến vậy?

Nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn đến mức gần như khủng hoảng trong xã hội Nhật Bản không chỉ đến từ áp lực quá nặng nề của cuộc sống hiện đại mà một phần còn đến từ nền văn hóa.

Nhiều người không hiểu tại sao người Nhật lại luôn cực đoan tới mức nhận hết trách nhiệm về mình chứ không để người khác bị liên lụy. Kỳ thực, tinh thần trách nhiệm của người Nhật lớn đến nỗi họ thà một mình chịu tội còn hơn là phải gây phiền phức cho người khác. Tính cách hướng nội của họ tất nhiên có chỗ tốt nhưng cũng dẫn đến những hệ quả khó lường. Sự đè nén những điều tiêu cực, kiềm chế cảm xúc của mình rất dễ khiến người ta trầm cảm. Cho tới khi không thể chịu nổi, họ sẽ tìm cách tự hủy hoại bản thân để giải thoát cho chính mình.

Vấn nạn tự tử ở Nhật cũng bắt nguồn từ tinh thần “võ sĩ đạo” đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước ở đất nước này. (Ảnh: trithuctre)

Vấn nạn tự tử ở Nhật cũng bắt nguồn từ tinh thần “võ sĩ đạo” đã tồn tại từ hàng ngàn năm ở đất nước này. Đối với người Nhật, lúc lâm trận mà bị chết dưới tay kẻ thù là một sự sỉ nhục, vì vậy họ thà tự kết liễu đời mình để giữ gìn thanh danh và tinh thần quả cảm hơn người. Truyền thống ấy đã ăn sâu vào máu thịt người Nhật, nhưng dần đã bị biến đổi theo thời gian, khiến cho người Nhật bị ngộ nhận rằng tự tìm đến cái chết là một hành động dũng cảm và cao thượng. Chính nền văn hóa “sợ nhục” của nhân dân xứ sở Mặt trời mọc đã đẩy nhiều người đến bờ vực thẳm, bởi vì họ không thể sống tiếp với một vết nhơ trong đời, không chịu nổi ánh mắt của người khác dành cho mình nên chấp nhận giã từ cõi đời thay vì gột rửa tội lỗi.

Đối với người Nhật, tự sát chỉ đơn giản là một cách “gánh vác trách nhiệm” với những người ở lại. (Ảnh: trithuctre)

Ngoài ra, yếu tố tâm linh cũng ảnh hưởng đến tình trạng tự tử đáng báo động ở Nhật. Đối với những người theo đạo Hồi hoặc đạo Thiên chúa giáo, tự tử là một hành động tội lỗi và bị những con chiên ngoan đạo cực lực phản đối. Thế nhưng, đối với người Nhật, tuy họ thờ cúng rất nhiều vị thần nhưng đa số lại không theo một tôn giáo cụ thể nào, vì vậy, tự sát trong mắt họ không phải là tội mà chỉ đơn giản là một cách “gánh vác trách nhiệm” với những người ở lại. Đây được đánh giá là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bi kịch đau thương trong xã hội Nhật Bản hiện đại.

Hiểu Minh