Hoàng đế Khang Hy là một trong số ít đế vương nổi tiếng hiếu học trong lịch sử. Từ khi ông 5 tuổi đã bắt đầu vào thư phòng, cả đời cần mẫn học tập, không ngại nóng rét. Sau khi Khang Hy lên ngôi, bận rộn trăm công ngàn việc, thế nhưng chưa từng quên việc học tập.
1. Hoàng đế Khang Hy cả đời cần mẫn hiếu học, chưa từng khinh suất ngày nào
Khi hoàng đế Khang Hy tuổi thiếu niên, tổ mẫu của ông là Hiếu Trang thái hậu nhìn thấy ông đọc sách đến quên ăn uống bèn khuyên nhủ: “Người khác học tập là vì công danh, cháu vốn dĩ không cần công danh, tại sao lại chịu khó đọc sách như vậy?”.
Sau khi Khang Hy lên ngôi, bận rộn trăm công ngàn việc, thế nhưng chưa từng quên việc học tập. Ông nói: “Trước khi bận rộn công vụ trong ngày, canh năm đã thức giấc đọc sách, buổi chiều sau khi xử lý xong mọi việc, có thời gian nhàn rỗi sẽ mài giũa lại những bài có độ khó đã đọc qua”. Thậm chí trong lúc đi tuần phía Nam, ông cũng mang theo sách lên thuyền, vừa đi vừa đọc.
Trong “Đình huấn cách ngôn”, Khang Hy có nói: “Mọi việc đều có thể phân biệt giàu nghèo già trẻ, chỉ có duy nhất học hành là không. Mỗi một quyển sách đều có lợi ích của nó, đọc một quyển có lợi một quyển, học một ngày có lợi một ngày. Vì vậy mà phu tử mới đọc sách đến quên ăn quên ngủ, tựa như học cũng không kịp vậy”.
Hoàng đế Khang Hy cũng vô cùng thích thư pháp, “mỗi ngày viết hơn ngàn chữ, chưa từng bị gián đoạn qua”. Cả đời của ông viết hơn vạn chữ thư pháp, “Phàm là bút tích, chạm khắc trên đá nổi danh do người xưa để lại, không có cái nào là không tỉ mỉ nghiên cứu mô phỏng. Tích trữ cho đến nay cũng đã hơn ba mươi năm, vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu” (Thanh Thánh Tổ thực lục).
Hoàng đế Khang Hy không những có học thức uyên bác, hơn nữa còn khiêm tốn nghe ý kiến của người khác. Khi thị sát công trình trị lý Hoàng Hà, ông rất tỉ mỉ nghe người địa phương báo cáo tình hình, học hỏi tri thức thủy lợi. Ông không những cẩn thận học hỏi, còn dùng những kiến thức đã học được áp dụng vào thực tiễn. Ở Phong Trạch Viên, Trung Nam Hải ông cho mở mang ruộng đất tiến hành trồng trọt lúa nước và rau quả. ông cho giữ lại hạt giống tốt tiếp tục nuôi trồng, cuối cùng hình thành những hạt lúa màu đỏ chín sớm được mệnh danh là “ngự đạo mễ” (vua của loài gạo). Hoàng đế Khang Hy ngồi thuyền đi về phía nam cũng chính là do ông thiết kế và giám sát trong suốt quá trình chế tạo. Ông còn dùng triết lý trong sách áp dụng vào trị quốc, kỷ luật nghiêm ngặt. Cũng nhờ những tố chất này mà ông trở thành minh quân một thời, đặt ra nền móng cơ sở cho nhà Thanh.
Hoàng đế Khang Hy tiếp nhận văn hóa Trung Hoa đa dân tộc, cũng tiếp nhận văn hóa Phương Tây. Một mặt thừa hưởng nền văn hóa truyền thống ưu tú, mặt khác dũng cảm tiếp nhận kỹ thuật mới, nhờ đó mà đạt được thành tựu văn hóa cao nhất vào thời điểm đó.
2. Hoàng đế Khang Hy mang trong lòng hoài bão mở mang và hoằng dương văn hóa Trung Hoa
Phụ thân của hoàng đế Khang Hy là người Mãn Châu, tổ mẫu là người Mông Cổ còn mẹ là người Hán. Thời thơ ấu ông đã nhận được sự giáo huấn sâu sắc của tổ mẫu, lại được học tiếng Mông Cổ từ Tô Ma Lạt Cô (Tô Mặc Nhĩ, thị nữ của Hiếu Trang hoàng hậu), theo sư phụ người Mãn Châu học kỵ xạ, tiếp nhận giáo dục Nho gia của sư phụ người Hán.
Quân Thanh tràn qua quan ải vào năm 1644, đến năm 1669 Khang Hy nắm quyền chấp chính (lên ngôi năm 1661). Do đó khi Khang Hy nắm quyền chấp chính thì triều đình nhà Thanh thống trị Trung Nguyên mới có 25 năm. Vào giai đoạn ổn định chính quyền, sẽ thúc đẩy văn hóa Mãn tộc, hay là kế thừa văn hóa Trung Hoa? Đây chính là vấn đề cần phải lựa chọn bày ra trước mặt ông. Sự thật chứng minh, Khang Hy không những kính trọng và tôn sùng văn hóa Trung Hoa, hơn nữa khi tại vị, ông đã lưu trữ và biên tập vô số sử sách, để lại di sản văn hóa quý giá cho hậu thế, hoằng dương văn hóa Trung Hoa.
Năm 1684, trong lúc đi tuần phía Nam, hoàng đế Khang Hy có ngang qua Khúc Phụ, ông đã đặc biệt vào bái tế miếu Khổng Tử, dùng đại lễ “tam bái cửu khấu” (ba lạy chín khấu), còn những hoàng đế trước đây nhiều nhất chỉ dùng lễ “tam bái lục khấu”. Ông tán dương Khổng Tử: “Ngưỡng duy tiên sư, đắc mâu nguyên hóa, thánh tập đại thành. Khai vạn thế chi văn, thụ bách vương chi nghi phạm; vĩnh ngôn quang liệt, võng bất khâm sùng”. (Tạm dịch: Từ lâu đã ngưỡng mộ duy nhất tiên sư, người đã khai sáng giáo dục, dung hòa đầy đủ trí tuệ và công đức. Mở ra nền văn minh cho vạn thế, các bậc quân vương đều phải noi theo tấm gương của ngài; lời dạy của ngài vĩnh viễn không tan biến và sáng mãi theo thời gian, làm sao có thể không khâm phục và tôn sùng.)
Hoàng đế Khang Hy coi trọng sử sách, hạ lệnh biên soạn “Khang Hy tự điển”, “Cổ kim đồ thư tập thành”, “Toàn Đường thi” và “Hoàng dư toàn lãm đồ”. Những quyển sách này đều do Khang Hy tự mình chủ trì biên soạn.
Trong đó, “Khang Hy tự điển” gồm có 47.035 chữ, vượt qua số chữ của các tự điển trước đó. Cho đến năm 1915, “Trung Hoa đại tự điển” xuất bản, số chữ mới vượt qua “Khang Hy tự điển”. Mỗi một từ trong “Khang Hy tự điển” đều bao gồm phát âm, nghĩa từ và câu ví dụ. Trong số câu ví dụ tận lực lựa chọn các câu đã có từ sớm, vì vậy mà có giá trị học thuật cao. Bộ tự điển này đã dành hết 6 năm để soạn xong, hoàng đế Khang Hy tự mình đề tên “Khang Hy tự điển”.
Khang Hy yêu thích thơ Đường, khi xuất hành ông thường mang theo tập thơ Đường bên mình để đọc. Ông đặc biệt phái Tào Dần (tổ phụ của Tào Tuyết Cần) biên soạn “toàn Đường thi”. Không những bao gồm những tập thơ trước đây, còn sưu tập nhiều bia văn. “Toàn Đường thi” được biên soạn trong vòng một năm, có hơn 48.900 bài thơ và hơn 2.200 tác giả.
Hoàng đế Khang Hy phái tam hoàng tử Dận Chỉ và Trần Mộng Lôi cùng biên soạn “Cổ kim đồ thư tập thành”, trước sau mất hết 50 năm mới soạn thành. Bộ sách này bao gồm 6 loại lịch tượng, phương dư, minh luân, bác vật, lý học, kinh tế, tổng cộng gồm 10.000 quyển, phân thành 5.000 sách (ngày xưa ghép thẻ tre viết chữ gọi là sách), đạt đến một tỷ chữ và được lưu truyền nguyên vẹn cho đến ngày nay. Lương Chương Cự của nhà Thành đã bình luận về “Cổ kim đồ thư tập thành” như thế này: “Là một bộ sách có thể dùng trong mọi thời đại, hỗn hợp kinh sử, thiên văn địa lý và nhiều ký hiệu hình ảnh. Với đầy đủ sông núi cây cỏ và đại dương bí ẩn, quả thật là một điển tịch có tầm nhìn xa rộng”.
Hoàng đế Khang Hy còn lưu truyền cho hậu thế “Ngự chế văn tập”, “Tam tập”, “Ngự chế thi tập”, “Kỷ hạ cách vật biên”… ngoài ra còn có 1.147 bài thi từ. Ông dành cả đời hoằng dương văn hóa Trung Hoa, để lại cho hậu thế vô số di sản văn hóa quý giá.
3. Có hứng thú nồng hậu với khoa học Phương Tây
Hoàng đế Khang Hy rất có hứng thú với Tây học. Lý do tại sao ông học tập chăm chỉ Tây học là vì có liên quan đến kinh nghiệm cá nhân của mình. Khi ông kế vị không lâu, chủ quản của Khâm Thiên Giám – Dương Quang Tiên và giáo sĩ Phương Tây- Ferdinand Verbiest phát sinh tranh luận về lịch pháp. Bởi vì bàn luận trên triều không có kết quả, Khang Hy bèn lệnh cho Lục Bộ Cửu Khanh đến đài quan sát Đông Thành quan sát nguyệt tượng, rồi lệnh cho các quan đại thần đến Ngọ Môn của Tử Cấm Thành quan sát bóng mặt trời. Cuối cùng ông phát hiện tính toán của Ferdinand Verbiest tương đối phù hợp với những gì đã quan sát thấy. Trong quá trình trắc nghiệm, đại thần của Lục Bộ Cửu Khanh đều không hiểu. Khi hoàng đế Khang Hy hồi tưởng lại việc này đã nói: “Trong Cửu Khanh không một ai biết lịch pháp. Trẫm tự nghĩ cũng thấy bản thân mình thiếu kiến thức về mặt này, như vậy sao có thể được? Vì vậy bản thân Trẫm mới cố gắng học tập”.
Sau đó hoàng đế Khang Hy lệnh cho Ferdinand Verbiest nhậm chức chủ quản của Khâm Thiên Giám. Hơn nữa còn ủng hộ ông trong việc sản xuất hơn 50 dụng cụ khoa học. Một trong những dụng cụ khoa học này vẫn còn được đặt ở đài quan sát cổ ở Đông Thành.
Bên cạnh hoàng đế Khang Hy có vài vị giáo sư Tây phương, trong đó chỉ có hai người Pháp là Trương Thành và Joachim Bouvet là dịch “Hình học Euclid” thành tiếng Mãn và giải thích với hoàng đế Khang Hy. Những nội dung này đối với số học thời đại đó là một nội dung vô cùng cao thâm.
Khang Hy 4 giờ sáng đã thức dậy, trước khi giáo sư Tây phương đến ông đã làm xong một phần bài tập, chuẩn bị xong nội dung hôm nay phải học, đợi giáo sư đến liền nêu ra vấn đề. Trong “Trung Quốc Khang Hy hoàng đế truyện”, Joachim Bouvet có viết: “Hoàng đế Khang Hy vô cùng có hứng thú học hỏi khoa học phương Tây. Mỗi ngày ông đều dành ra mấy tiếng đồng hồ để trao đổi cùng chúng tôi”. Bản thảo đại số năm đó Khang Hy học tập cho đến ngày hôm nay vẫn còn lưu giữ.
Khang Hy cũng tự mình tạo ra dụng cụ khoa học, ông áp dụng nguyên lý “Hình học Euclid”, tự thân đo lường địa lý, ví dụ như độ cao của núi, kích thước của ao hồ. Ông tự mình định vị, điều chỉnh các loại dụng cụ, tính toán con số chính xác, sau đó ông lại cho người khác đo lường khoảng cách. Khi ông nhìn thấy con số mình tính ra phù hợp với con số đã được đo lường thì vô cùng vui vẻ.
Hoàng đế Khang Hy lập ra Mông Dưỡng Trai trong thành Xuân Viên, là một tổ chức dành riêng cho toán học, nơi đây được giáo sĩ Tây phương xưng là “Viện khoa học Trung Quốc”. Mông Dưỡng Trai đã biên soạn ra bốn bộ sách “Sổ Lý Tinh Uẩn”, “Lịch tượng khảo thành”, “Luật lữ chánh nghĩa”, “Luật lịch uyên nguyên”.
Vào thời điểm đó vì thiếu một tấm bản đồ chi tiết và chính xác nên đã gây ra sự bất tiện cho việc trị lý sông Hoàng Hà và khả năng chống xâm lược. Nên Khang Hy mới có ý nghĩ vẽ lại một tấm bản đồ toàn quốc. Trong quá trình vẽ “Hoàng dư toàn lãm đồ”, đã dùng cách vẽ truyền thống của Trung Quốc, cũng tiếp thu nghệ thuật hội họa của Tây phương. Toàn bộ quá trình hoàn thành bản đồ mất hơn 30 năm, đầu tiên phân tỉnh vẽ, cuối cùng kết hợp thành tấm bản đồ toàn quốc. Thời kỳ đầu hội họa được thực nghiệm với một phạm vi nhỏ ở ngoại ô Bắc Kinh, sau khi xác nhận rằng phương pháp này có hiệu quả, ông mới phái người gửi đến các tỉnh khác nhau để thực hiện.
Sau khi tấm bản đồ được hoàn thành, Khang Hy gọi tất cả quan thần đến. Ông nói, tất cả các tỉnh do họ quản lý đều có trên bản đồ, nếu như mọi người cảm thấy không phù hợp với khu vực địa phương của mình xin mời chỉ ra. Cuộc khảo sát địa lý này đối với Trung Quốc và cả thế giới đều có cống hiến vô cùng to lớn.
Năm 2003, Lâu đài Versailles của Pháp tổ chức “Triển lãm Khang Hy Đại Đế”, triển lãm bộ sưu tập dụng cụ khoa học Tây phương vào thời kỳ Khang Hy đến từ Bảo tàng Cung điện Quốc gia. Những dụng cụ này cho đến ngày nay vẫn còn hoạt động bình thường, vô cùng bắt mắt. Những vật phẩm triễn lãm chủ yếu gồm có:
1, Máy tính tay quay
Được chế tạo vào thời kỳ Khang Hy, thông qua bánh răng bên trong mà có thể tính toán cộng, trừ, nhân và chia.
2, Dụng cụ đo lường bằng đồng mạ vàng: Ngoài các tính toán khác nhau như nhân, chia, và bình phương, quy tắc tỷ lệ của Khang Hy cũng thêm các tính toán khác nhau như chia và sin.
3, Thước đo góc Khang Hy: Trên thước có khắc bốn chữ “Khang Hy ngự chế”.
4, Mô hình hình học mặt phẳng và lập thể: Được tinh chế từ gỗ Nam, là dụng cụ dạy học được chế tạo ra cho hoàng đế Khang Hy học hình học.
5, Plotter hay máy vẽ: Được dựa vào Plotter của Tây phương mà chế tạo ra vào thời Khang Hy, dùng cho hội họa ngoài trời.
6, Ngự chế giản bình địa bình hợp bích (một loại dụng cụ đo lường): Tiện cho Khang Hy mang theo khi đi ra ngoài, có công dụng đo lường, được Nội Vụ Phủ chế tạo.
Cho dù thời gian trôi qua không bao giờ trở lại nữa, nhưng những huy hoàng trong quá khứ cũng như tấm gương ham học hỏi của hoàng đế Khang Hy vẫn còn nguyên vẹn ngay trước mắt chúng ta.
Theo epochtimes.com
Khải Phong biên dịch