Khổng Minh Gia Cát Lượng đã từng dạy con rằng: “Hành vi của người quân tử là phải yên tĩnh mà tu thân, cần kiệm để bồi dưỡng đức, nếu không sống đạm bạc thì không thể đạt được những gì cao xa. Người quân tử khi học là phải tĩnh lặng, rồi mới có trí tuệ thực sự để học hỏi, không học thì không có tài năng rộng lớn, không có chí hướng thì cũng không thể thành tài được”.
Tại sao phải tiết kiệm?
“Góp gió thành bão”, “tích tiểu thành đại” là những câu nói lên tầm quan trọng của việc tiết kiệm trong đời sống. Cha mẹ nên bồi dưỡng cho trẻ thói quen tiết kiệm, điều đó cũng thể hiện được sự trân trọng đối với công sức lao động của cha mẹ, cũng có lợi cho việc nâng cao khả năng sinh hoạt độc lập cho trẻ.
Đa số các gia đình ngày nay đều ít con, đời sống đầy đủ và tiện nghi hơn trước rất nhiều, bởi vậy con cái cũng được cha mẹ chiều chuộng hết mực. Có thể nói rằng, trẻ muốn gì thì sẽ có nấy, cha mẹ nào cũng đều muốn dành cho con những thứ tốt nhất, đẹp nhất. Kết quả là rất nhiều trẻ hình thành thói quen chi tiêu xa xỉ, không biết tiết kiệm, lãng phí ngày càng nhiều. Chúng sẽ cho rằng, người khác có gì thì mình cũng phải có cái đó, bất kể nó đắt đỏ ra sao, miễn là không được thua người khác. Một khi phát hiện đồ ăn không hợp khẩu vị, đồ chơi không đúng ý, liền nghĩ ngay đến việc mua đồ chơi mới và vứt đồ cũ đi một cách không thương tiếc.
Những hành vi này của trẻ khiến rất nhiều cha mẹ lo lắng. Cha mẹ có lẽ không thiếu tiền để mua đồ chơi, nhưng những đồng tiền kiếm được cũng rất khó khăn, huống hồ nhiều gia đình thu nhập không cao, cha mẹ khi chi tiêu cho mình thì tính toán chi li, nhưng sẵn lòng trả chi phí cao cho nhu cầu của trẻ. Bởi nhiều bậc cha mẹ cho rằng, mình đã nghèo thì không thể để cho con mình nghèo. Tuy nhiên, nếu trẻ luôn được nuông chiều như vậy thì trong tương lai, năng lực đối nhân xử thế của trẻ sẽ bị hạn chế.
Thói quen lãng phí, xa xỉ không đơn giản chỉ là vấn đề lãng phí tiền, mà nguy hiểm ở chỗ khiến trẻ hình thành thói quen chỉ biết hưởng thụ, lười lao động, không biết nỗ lực, chỉ muốn nhận không muốn cho, sau này trưởng thành sẽ khó thành tài, thậm chí có thể dễ dàng phạm tội. Do đó, cha mẹ cần tích cực áp dụng những biện pháp hiệu quả, giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm.
Có câu chuyện vào thời Xuân – Thu chiến quốc, Sở Trang Vương rất yêu quý con ngựa của mình, mỗi ngày ông ấy đều cho ngựa mặc áo gấm ngũ sắc rực rỡ, nuôi trong một căn nhà lộng lẫy, ngủ trên giường có màn che, cho ăn bằng đủ loại thức ăn bổ dưỡng. Cuối cùng dẫn đến kết quả là ngựa béo quá mà chết. Câu chuyện trên cho thấy, cái gì thái quá cũng là không tốt.
Nếu như cha mẹ coi nhẹ việc bồi dưỡng tinh thần “lấy khó khăn cố gắng làm vinh, lấy kiêu căng xa xỉ làm hổ thẹn”, nếu không giúp trẻ khắc phục thói quen xấu như lãng phí, chi tiêu mù quáng thì khoảng cách giữa trẻ ngoan và trẻ hư không cách nhau là bao.
Bồi dưỡng cho trẻ hình thành thói quen tiết kiệm còn có thể giúp trẻ tập trung năng lực, bỏ tâm sức vào việc học hành tạo cơ sở tốt cho thành công của trẻ ở tương lai. Tiết kiệm còn bồi dưỡng cho trẻ ý chí kiên cường và tinh thần không lùi bước trước khó khăn, đó cũng là tài sản lớn của đời người. Những điều này đối với sự trưởng thành của trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bồi dưỡng thói quen tiết kiệm cho trẻ như thế nào?
Mọi người vẫn thường nói với nhau: có tiền cũng không mua lại được thời thơ ấu nghèo khổ. Cho dù điều kiện kinh tế của gia đình có tốt như thế nào, cha mẹ cũng cần bồi dưỡng cho trẻ thói quen tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ, không nên chiều chuộng trẻ quá mức, chỉ nên đáp ứng những yêu cầu hợp lý của trẻ, còn không thì cần kiên quyết từ chối. Không nên lãng phí từ những thứ nhỏ nhất như tờ giấy hay giọt nước. Hằng ngày, cha mẹ nên kể cho bé nghe những tấm gương tiết kiệm để trẻ học theo.
Cha mẹ nên thường xuyên giảng giải đạo lý cho trẻ hiểu rằng, kiếm tiền là việc không hề dễ dàng nên trẻ cần quý trọng những đồ vật mua về, không tùy tiện làm mất hoặc tùy ý vứt đi. Cha mẹ có thể giúp con tìm những công việc ngắn hạn, vừa sức để trẻ làm trong dịp hè, để trẻ kiếm thêm tiền bằng chính sức lao động của mình. Những đồng tiền có được nhờ lao động vất vả, thậm chí pha những giọt mồ hôi, nước mắt của chính mình, chắc chắn rằng khi cầm nó trong tay trẻ sẽ vô cùng trân quý và không thể lãng phí nó.
Cha mẹ cũng có thể để trẻ giúp một số việc trong gia đình rồi trả cho trẻ một chút thù lao. Mục đích là giúp trẻ hiểu được phải trải qua khó khăn gian khổ như thế nào mới kiếm được tiền. Từ đó, bồi dưỡng cho trẻ thói quen tự lực cánh sinh, siêng năng chăm chỉ, đồng thời cũng giúp trẻ hình thành tinh thần dũng cảm, khắc phục khó khăn, vượt qua chính mình. Chỉ khi được trực tiếp trải nghiệm thì trẻ mới học hỏi và đúc rút được cho mình những kinh nghiệm quý báu, tạo nền tảng cho trẻ hòa nhập cuộc sống.
Nếu trẻ có quá nhiều tiền tiêu vặt sẽ là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ không biết tiết kiệm. Do đó, cha mẹ cần tính toán chi phí hằng tuần của trẻ, rồi mới cho trẻ số tiền nhất định. Mỗi bậc cha mẹ sẽ có cách khác nhau trong việc đưa tiền cho con nhưng cha mẹ cần nhớ dạy cho trẻ biết cố gắng, biết quý trọng thành quả lao động và cảm ơn cha mẹ đã làm việc vất vả dưỡng dục mình.
Vào dịp Tết, trẻ có thể nhận được rất nhiều tiền “lì xì” của người thân, cha mẹ nên giúp con quản lý và sử dụng số tiền này hợp lý. Có một cách khá hay là cha mẹ nên lập cho con một tài khoản ngân hàng đứng tên trẻ, cho trẻ tự mình giữ sổ tiết kiệm, sử dụng như thế nào để trẻ tự quyết định. Mỗi khi cần gì con sẽ tự cân đối chi tiêu theo số dư trong tài khoản của mình. Dần dần, trẻ sẽ quan tâm đến số dư hằng tháng trong tài khoản nên trẻ sẽ không chi tiêu bừa bãi, lãng phí nữa. Cách làm này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm, đồng thời trẻ cũng biết cân đối và quản lý tài sản của mình.
Tiết kiệm là đức tính tốt đẹp, bởi vậy cha mẹ cần hướng dẫn trẻ học cách tiết kiệm, học cách tiêu tiền vào việc có ích, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với cuộc đời sau này của trẻ.
Các bước xây dựng cho trẻ thói quen tiết kiệm
- Hướng dẫn trẻ dùng tiền của mình tự mua đồ dùng học tập như sách vở, văn phòng phẩm, đóng tiền học phí…
- Hướng dẫn trẻ quan sát những bạn học có hoàn cảnh khó khăn, so sánh với cuộc sống của chính mình, xem có sự khác nhau nào không.
- Cùng trẻ đến thăm những gia đình khó khăn hay cha mẹ đang bị thất nghiệp để hiểu rõ tình hình chi tiêu và sinh hoạt của họ, sau đó so sánh với chi tiêu mỗi tháng của mình.
- Khích lệ trẻ dùng một khoản tiền hợp lý dành tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
- Khích lệ trẻ tham gia những hoạt động ngoại khóa của nhà trường hay của các tổ chức xã hội như tham gia làm kế hoạch nhỏ, làm từ thiện…
Tiết kiệm là một đức tính đáng quý mà mỗi người cần có. Biết tiết kiệm, chúng ta có thể giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, biết san sẻ những vất vả của bố mẹ, biết ơn đáng sinh thành đã nuôi mình khôn lớn và hơn hết ý thức được giá trị của những gì mình đang có. Cha mẹ đừng quên hình thành cho con đức tính tốt đẹp này.
Hồng Ân