Tình yêu của cha mẹ đối với con cái, không chỉ cần sáng suốt, khoan dung, mà càng cần phải mềm dẻo hợp lý. Muốn cho con trẻ hiểu được việc nào là “không nên” và việc nào là “nên” làm, thì cha mẹ cần phải vạch rõ giới hạn cho trẻ, để trẻ có thể dựa theo đó mà điều chỉnh hành vi và nhận thức của mình sao cho đúng.
Bởi vậy, khi phát hiện con trẻ có những hành vi sau, thì cha mẹ nhất định phải kịp thời ngăn cấm, tuyệt đối không nên mềm lòng nương tay, càng không thể lấy khoan dung biến thành dung túng. Nuông chiều con cái chưa bao giờ là phương thức giáo dục thành công.
1. Lấy đồ chơi của người khác
Khi trẻ lấy từ trong túi áo ra một món đồ chơi nhỏ xinh đẹp, và nói cho cha mẹ biết đây là đồ chơi của bạn do con nhặt lấy. Thì lúc này, điều cha mẹ nên làm chính là: Lập tức dẫn con quay lại chỗ bạn chơi kia để con tự tay trả lại đồ chơi cho bạn, đồng thời nhắc nhở con phải nói lời giải thích và xin lỗi với người bạn kia: “Xin lỗi bạn, lúc nãy mình cầm đồ chơi của bạn về, bây giờ xin trả lại cho bạn, xin lỗi bạn nhé”.
Quá trình mang đồ chơi trả lại cho chủ của nó và nói lời xin lỗi, sẽ làm cho trẻ nhận ra được việc làm sai trái của mình, và sẽ hiểu rằng không được lấy đồ chơi của bạn.
Trẻ ở độ tuổi từ 3-4 tuổi sẽ chưa có khái niệm về sở hữu đồ vật, chỉ biết mình thích đồ chơi kia, thì nghĩ muốn nó là của mình. Cha mẹ nếu phát hiện ra con trẻ có hành vi như vậy, nên kịp thời ra tay điều chỉnh ngay, nếu không trẻ sẽ thành thói quen xấu rất tệ hại, ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách sau này. Cha mẹ nên nhớ rằng: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”.
2. Không chiếm được liền động thủ
Lũ trẻ đang chơi trò xúc cát, đột nhiên một đứa chạy đến giật chiếc xe chở cát của bạn, bạn giằng lại không buông, đứa bé kia liền cắn vào tay của bạn, cuối cùng cũng cướp được chiếc xe về mình.
Cha mẹ nhìn thấy tình huống này, hãy lập tức nhắc nhở ngay, để cho trẻ hiểu được, việc cắn bạn là không đúng, sẽ gây tổn thương đau đớn cho bạn, đồng thời phải xin lỗi bạn. Cha mẹ cũng nên giảng giải cho con hiểu, nếu người khác không đồng ý cho mượn đồ chơi, thì phải biết chấp nhận, và tìm đồ chơi khác để chơi.
Ngoài ra, có thể áp dụng hình phạt nếu hành vi của con có tính nghiêm trọng. Hơn nữa, cha mẹ cũng nên an ủi và bảo vệ người bị cắn. Hành động này cho trẻ nhận thức được rằng: mình cắn bạn bị cha mẹ khiển trách và bị phạt, còn bạn sẽ được cha mẹ an ủi vỗ về. Từ đó trẻ hiểu đánh hay cắn bạn là hành động không nên làm, cũng không có gì tốt, dần dần từ bỏ hành vi hung hăng này.
3. Đến lúc đi ngủ lại không chịu ngủ
Buổi tối, đến giờ lên giường đi ngủ, nhưng trẻ lại mang theo búp bê hoặc đồ chơi lên giường tiếp tục chơi.
Lúc này cha mẹ chỉ lên đồng hồ treo trên tường cho trẻ biết đã đến giờ đi ngủ, nói với trẻ nếu bây giờ đi ngủ thì ngày mai mới dậy đúng giờ để đi học, nếu không sẽ đi học trễ.
Không có đứa trẻ nào chủ động lên giường đi ngủ, đối với chúng, thời gian chơi đùa vĩnh viễn là không đủ, cho nên cha mẹ nhất định cương quyết không để trẻ tiếp tục chơi khi đã đến giờ đi ngủ.
Nếu cha mẹ cho phép trẻ tiếp tục chơi rồi đi ngủ muộn, chỉ cần ba lần như vậy, thì trẻ sẽ quen với việc đó, sẽ phá vỡ quy luật giờ giấc và khó mà tạo thành thói quen sinh hoạt tốt cho trẻ.
Vì vậy, bất luận trẻ viện lý do gì, thì cha mẹ nhất quyết đều từ chối và khẳng định với trẻ: “Đã đến giờ đi ngủ thì nên ngủ”.
4. Nhất định đòi cho bằng được món đồ mình thích
Ở siêu thị, trẻ thích một món đồ chơi nào đó, cha mẹ từ chối, không mua, thế là trẻ ôm khư khư món đồ chơi không chịu buông ra, còn ngồi bệt xuống sàn khóc nháo, mặc kệ cha mẹ dỗ dành.
Lúc này, cha mẹ nên tỏ rõ thái độ “không thỏa hiệp” của mình với trẻ. Nếu trẻ không chịu nghe lời, mà còn cố ý khóc nháo, thì cha mẹ nên mặc kệ trẻ, quay qua chọn thứ cần mua, hoặc giả vờ bỏ đi, để mặc cho trẻ ngồi khóc dưới đất.
Thỏa hiệp là hành động không sáng suốt, nếu thỏa hiệp, trẻ sẽ có thói quen đòi gì được nấy, và ngày càng trầm trọng hơn.
Cần chờ cho trẻ bình tĩnh lại, giải thích cho trẻ hiểu, đồng thời cũng khiến cho trẻ cảm nhận được rằng: ngoan ngoãn hiểu chuyện sẽ làm mọi người cùng vui vẻ, khóc lóc đòi hỏi sẽ không được gì cả.
5. Áo quần thay ra vứt lung tung
Trước khi đi ngủ, trẻ thay áo quần ra vứt lung tung mỗi nơi mỗi cái.
Cha mẹ nên nói với trẻ: “Con mặc quần áo ngủ xong thì hãy thu dọn áo quần mới thay ra nhé. Ở nhà trẻ, không phải là cô giáo đều yêu cầu các con làm như vậy sao? Cô giáo còn nói với mẹ rằng con làm rất tốt, nhiều khi còn xếp áo quần giúp bạn nữa mà. Mẹ biết con của mẹ thích gọn gàng, nào đến gấp áo quần gọn vào cho mẹ xem. Bắt đầu nhé!”.
Khi nói, cần dùng giọng nhu hòa mềm mỏng để nói với con. Các chuyên gia khẳng định, trẻ nhỏ rất thích nghe lời nói nhẹ nhàng, ấm áp. Cha mẹ có thể dùng lời nói vừa khen ngợi, vừa khích lệ để trẻ vui vẻ đi thực hiện. Như vậy, thông qua việc làm này, trẻ có thể học được thói quen tự lập, cũng hiểu phải có trách nhiệm với hành vi của mình.
6. Nói dối
Trẻ nghịch ngợm, làm vỡ bình hoa của mẹ. Thế nhưng khi mẹ hỏi, thì lại nói rằng là do con mèo làm đổ.
Lúc này, cha mẹ nên khuyến khích để trẻ nói sự thật: “Con nói cho mẹ biết có chuyện gì xảy ra vậy? Làm bình hoa bể thì không sao, nhưng con phải nói thật cho mẹ biết. Mẹ thích những ai thành thật, cũng thích những ai dũng cảm chịu trách nhiệm với việc làm của mình”.
Như thế sẽ xua tan nỗi sợ trong lòng trẻ, khuyến khích, tạo cơ hội cho trẻ dũng cảm nói lên sự thật. Khi trẻ thừa nhận hành vi của mình, cha mẹ cũng nên khen ngợi và ôm trẻ, để trẻ cảm nhận được tình cảm của cha mẹ dành cho mình, để trẻ biết rằng cha mẹ thực sự không ghét bỏ hay trách mắng khi mình thừa nhận sai lầm. Như vậy là tạo niềm tin cho trẻ, để trẻ không cần phải nói dối những lần sau.
Trẻ ở giai đoạn 5-6 tuổi trở lên, đã có thể biết nói dối, che giấu sự thật, cũng vì sợ bị trách phạt cho nên mới làm như vậy. Nếu cha mẹ tin tưởng lời nói dối đó, hoặc là không tin nhưng lại bỏ qua không truy cứu, thì không khác gì đang cổ vũ trẻ làm việc xấu, cổ vũ trẻ nói dối, chỉ khiến cho trẻ ngày càng nói dối nhiều hơn.
7. Trẻ mê chơi game
Game rất dễ dàng khiến cho người chơi say mê, thậm chí là nghiện, mà trẻ lại càng dễ dàng bị ảnh hưởng. Cho nên, cha mẹ nhất định phải nghiêm khắc về vấn đề này. Có rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bất lực vì không có giải pháp nào để khiến con rời ra cái màn hình máy tính và iPad. Tuy nhiên, cha mẹ đừng vội vã bỏ cuộc. Đây là lúc cần cha mẹ vừa mềm mỏng lại vừa nghiêm khắc, quyết đoán.
Hãy cố gắng gần gũi với con và lắng nghe con nhiều hơn. Cha mẹ có thể ‘thiết kế’ những trò chơi khác, ví như những trò chơi dân gian: nhảy dây, ô ăn quan, thả diều… và đừng quên hãy dành thời gian để ‘chơi cùng con’. Chơi cùng con, hoặc cùng con ra ngoại thành dã ngoại một chuyến… là những khoảng thời gian giúp con dần quên đi những trò game trên điện thoại.
Và một điều cũng không kém phần quan trọng: Cha mẹ hãy bớt dần đi những thời gian phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại. Khi cha mẹ chỉ biết cắm cúi vào chiếc điện thoại, thì con trẻ mê đắm những trò game trên đó cũng là điều không hề ngẫu nhiên. Bởi hành vi của cha mẹ là hình mẫu để trẻ học tập và làm theo.
Vừa yêu thương, chăm sóc và bảo hộ con, nhưng cũng đồng thời nghiêm khắc dạy dỗ con đúng lúc – Tình yêu đó của cha mẹ sẽ giúp con hoàn thiện tính cách và trưởng thành khỏe mạnh.
Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch