Một chuyên gia giáo dục đã từng nói: Không có hoa màu không tốt, chỉ có người nông dân không biết trồng hoa màu; không có đứa trẻ hư, chỉ có bà mẹ không biết dạy con mà thôi. Mẹ là người gần gũi, thân thiết nhất của con, cũng là ngọn đèn soi sáng cuộc đời của con.

Tình yêu của mẹ sẽ là liệu pháp hiệu quả nhất trong quá trình dạy dỗ con cái, cũng là món quà lớn nhất dành cho con. Một đứa trẻ thành tài, thành công hay không có liên quan mật thiết đến mẹ. Phía sau mỗi đứa trẻ xuất sắc nhất định có một người mẹ tràn đầy tình yêu thương và đức tính nhẫn nại.

Là một người mẹ yêu con bằng lý trí sẽ không nuông chiều con

Giống như cây cối, quá trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ cũng cần tới một “mảnh đất”, mảnh đất ấy chính là tình yêu. Nhưng người mẹ trong quá trình dạy dỗ con có cho con tình yêu lý trí hay không? Đó là vấn đề để các bà mẹ chúng ta suy nghĩ. Chỉ có phương pháp giáo dục lý trí mới giúp trẻ trở thành người phát triển toàn diện, lành mạnh về thể chất và tâm hồn.

Mẹ của Tâm đặt ra một quy định khi cô bé bắt đầu đi học mẫu giáo, rằng tất cả khăn tay Tâm sẽ tự giặt. Khi Tâm được 4 tuổi, hằng ngày đã cùng mẹ dọn vệ sinh, đổ rác. Khi cô bé hơn 5 tuổi đã biết đến cửa hàng mua đồ ăn và mẹ không nói cho cô bé biết nên mua bao nhiêu, tự cô bé quyết định. Lúc đầu, Tâm lúc thì mua nhiều, lúc thì mua ít. Nhưng mẹ không phê bình mà chỉ nhắc nhở cô bé mua số lượng thích hợp. Sau đó mẹ còn dạy Tâm biết tự đến các cửa hàng gần nhà mua các đồ dùng cần thiết. Những cô bác hàng xóm đều khen cô bé hiểu chuyện, nhanh nhẹn, còn nói với mẹ cô bé: “Con chị thật hiểu biết, chị thật biết dạy con!”

Cho trẻ tình yêu thương là điều mà bất cứ bà mẹ nào cũng có thể làm được, có biết giáo dục con hay không mới là vấn đề lớn. Tuy nhiên có rất nhiều bà mẹ lại quá nuông chiều con. Mẹ làm mọi việc thay con, đáp ứng hết mọi yêu cầu của con. Kết quả dạy con thành trẻ ích kỷ, luôn coi mình là trung tâm. Từ đó kéo theo các vấn đề như trẻ hay chống đối, ương bướng, khó bảo…

Thật ra, người mẹ yêu thương con cần học cách giấu đi một nửa tình yêu thương của mình. Điều này không có nghĩa là bớt đi một nửa yêu thương mà là yêu con bằng lý trí. Đây mới là tình yêu con thật sự. Trẻ làm được việc gì thì hãy để trẻ làm việc đó. Trẻ quyết định như thế nào thì hãy để trẻ quyết định như vậy. Việc mẹ cần làm là cổ vũ và hướng dẫn trẻ, không để trẻ làm quá sức. Chỉ có tình yêu như vậy mới giúp trẻ dần dần biết tự mình làm việc và xử lý vấn đề, mới trưởng thành tự lập và khỏe mạnh.

Cho trẻ tình yêu thương là điều mà bất cứ bà mẹ nào cũng có thể làm được, có biết giáo dục con hay không mới là vấn đề lớn. (Ảnh: NewBranch)

Muốn đạt được điều này mẹ cần lưu ý:

1. Yêu trẻ cần có mức độ. Yêu con là thiên tính của mỗi bà mẹ, nhưng cần có “mức độ”. Một số bà mẹ yêu con nhưng thiếu lý trí, chỉ biết đáp ứng mọi nhu cầu, đòi hỏi của con. Đó chính là nuông chiều con. Tình yêu này bề ngoài là thương yêu trẻ, nhưng thực chất lại là hại trẻ. Nuông chiều là cạm bẫy lớn nhất trong giáo dục gia đình, cũng là mối hiểm họa rất lớn sau khi trẻ trưởng thành. Vì thế, khi mẹ yêu con, hãy biết điểm dừng, tích cực bồi dưỡng khả năng hoạt động tự lập cho con, cổ vũ con tự làm những việc của mình, không làm giúp, ôm đồm hết mọi việc. Như vậy, trẻ mới dần dần chuẩn bị tâm lý giải quyết vấn đề theo khả năng của mình.

2. Không đối xử đặc biệt với con. Có một số bà mẹ suốt ngày chỉ “chạy theo” con, thậm chí hy sinh bản thân vô điều kiện vì con, quá chú ý đến con, coi con là nhân vật đặc biệt. Nếu con nói món ăn không hợp khẩu vị, ngay lập tức mẹ liền làm món ăn khác cho con. Thực ra điều này không có lợi cho sự trưởng thành lành mạnh của trẻ. Ngược lại sẽ tạo nên tâm lý ích kỉ, khiến trẻ khó thích ứng với xã hội. Vì thế mẹ cần nuôi dạy con trong môi trường bình đẳng, quan tâm lẫn nhau, để trẻ khi trưởng thành sẽ có được tính cách tự tin, phóng khoáng.

3. Không cấm đoán con quá nhiều. Có một số bà mẹ thích cấm đoán con, thường xuyên không cho con làm việc này, việc kia. Dần dần tước đi khả năng hoạt động, kiềm chế tính sáng tạo và tiềm năng của con, khiến con nhút nhát, sợ sệt, nói năng lắp bắp, sống ỷ lại vào người khác. Đứa trẻ như vậy sau này bước vào xã hội sẽ khó thành công.

Tình yêu của mẹ là động lực và ngọn nguồn cho sự trưởng thành của con. Tuy nhiên, mẹ cần đối xử nghiêm khắc và yêu trẻ bằng lý trí, không nên dung túng, nuông chiều trẻ. Chỉ có như vậy mới bồi dưỡng được người con có khả năng tự lập và có suy nghĩ độc lập.  

Bồi dưỡng khả năng tư duy và hoạt động cần thiết trẻ sẽ thấy có niềm vui trong học tập. (Ảnh: shutterstock)

Không nên dùng danh nghĩa “yêu thương” trói buộc trẻ

Mẹ nên yêu thương con thật nhiều, nhưng không nên dùng danh nghĩa yêu thương để trói buộc sự tự do của con. Trẻ nghịch bùn đất, mẹ cấm không cho nghịch, sợ con bẩn; trẻ tự bưng cơm, lấy nước, mẹ sợ nóng, sợ bỏng… Như vậy, mẹ trói buộc quá nhiều hoạt động của con.

Cách trói buộc này không thể giúp trẻ trưởng thành khỏe mạnh, ngược lại còn hạn chế sự phát triển trí tuệ, bản tính hiếu kỳ và tính chủ động tìm hiểu thế giới bên ngoài vốn có ở trẻ. Mẹ dùng danh nghĩa yêu thương để nuôi dạy con nhưng lại khiến con trở thành một đứa trẻ yếu đuối, nhút nhát.

Có thể thấy tình yêu của mẹ cũng cần đúng mức và đúng cách. Người mẹ hoàn hảo cần biến tình yêu của mình thành động lực để trẻ tiến bộ. Không nên dùng tình yêu để trói buộc, quản thúc con, kiềm chế tiềm năng của con.

Bé Hoa năm nay đã học lớp 4. Hằng ngày ở nhà bé luôn được mẹ chăm sóc chu đáo, không phải làm gì cả. Thực ra Hoa không thích như vậy chút nào, cô bé rất muốn được làm việc nhà. Vì các bạn trong lớp đều kể về những việc hằng ngày mình phải làm. Nhưng bản thân cô bé lại chẳng biết làm gì cả vì mẹ chẳng cho Hoa làm gì.

Hôm đó, sau khi ăn tối xong, Hoa muốn giúp mẹ thu dọn bát đĩa. Ai ngờ Hoa vừa bưng bát đĩa lên, mẹ đã nói to: “Cẩn thận, con đừng đụng vào, sẽ làm vỡ bát đĩa đấy, đưa cho mẹ nào”. Hoa miễn cưỡng đưa cho mẹ và tiếc nuối vì không còn cơ hội rửa bát nữa rồi.

Cuối tuần, sau khi tắm rửa, Hoa muốn tự tay giặt quần áo của mình thật sạch sẽ. Mẹ nhìn thấy thế, nhăn mặt nói: “Con xem con kìa, sao lại giặt thế, ướt hết người rồi, mau đưa mẹ giặt cho!”. Hoa liền nhanh nhảu nói: “Mẹ, con muốn tự giặt một lần, mẹ cho con giặt nhé!”. “Không được, không được, mẹ muốn tốt cho con thôi. Lúc nhỏ mẹ đã phải giặt quần áo, vì thế đến mùa đông tay đều sưng tấy lên đấy, khổ lắm con ạ. Mẹ không thể để con giống như mẹ được”.

Không nên dùng danh nghĩa yêu thương để trói buộc sự tự do của con. (Ảnh: aFamily)

Tính chủ động của trẻ đã bị mẹ dùng danh nghĩa “yêu thương” tước mất như thế. Trẻ vốn có thể học được rất nhiều điều từ cuộc sống hằng ngày. Nhưng cách dạy dỗ của mẹ biến trẻ thành một nguời máy chỉ biết đến sách vở mà thôi. Sau khi trẻ lớn lên, các bà mẹ lại phàn nàn rằng con mình không biết làm việc nhà, lười biếng. Nhưng trên thực tế, mỗi đứa trẻ đều đã từng mong muốn được thử làm những việc này, chỉ có điều mẹ đã tước mất cơ hội mà thôi.

Cho dù ở lứa tuổi nào, trẻ cũng muốn trở thành người lớn. Vì thế thường thử làm những việc mà người lớn đang làm. Mặc dù những việc này trẻ làm xong, mẹ mất rất nhiều thời gian để dọn dẹp hơn. Nhưng đối với trẻ, niềm vui có được khi thử sức là vô cùng to lớn. Trong quá trình thử làm việc đó, trẻ cũng học được cách suy nghĩ, hoạt động, sáng tạo. Nếu mẹ tước đi cơ hội rèn luyện này của trẻ, cũng đồng nghĩa với việc sẽ tước đi cơ hội học tập và tiến bộ của trẻ.

Vì thế việc mẹ yêu con không có gì đáng trách, nhưng mẹ thử đứng ở góc độ của con suy nghĩ vấn đề, tôn trọng cách nghĩ của con. Không nên dùng danh nghĩa “yêu thương” trói buộc, hạn chế trẻ. Hãy cho trẻ không gian và sự tự do thuộc về chúng, để trẻ tham gia làm việc nhà và các việc khác cùng người lớn. Như vậy mới có thể bồi dưỡng tính tự lập, mới giúp trẻ cảm nhận được niềm vui từ thành công của bản thân mình. Vì thế mẹ cần lưu ý:

1. Cho phép trẻ tham gia việc nhà để bồi dưỡng khả năng sống tự lập, tinh thần trách nhiệm với gia đình của trẻ. Hằng ngày, mẹ cần khuyến khích trẻ giúp mẹ lau nhà, đổ rác. Khi trẻ hoàn thành nhiệm vụ được giao, mẹ cũng cần nói “cảm ơn” với trẻ và khen ngợi sự cố gắng của trẻ. Như vậy, mẹ vừa tôn trọng thành quả lao động, vừa rèn luyện được khả năng làm việc của trẻ.

2. Mẹ cần yêu trẻ trên cơ sở tôn trọng trẻ. Trẻ cần tình yêu vô điều kiện của mẹ nhưng không có nghĩa là mẹ không tôn trọng cách nghĩ của trẻ. Giáo dục trẻ cũng cần tôn trọng tính cách thiên bẩm của trẻ. Điều này đòi hỏi mẹ không được nhân danh “yêu thương” để bắt ép trẻ theo mong muốn của mình. Mẹ nên tôn trọng trẻ, đối xử bình đẳng với trẻ. Khi ý kiến của trẻ và mẹ không giống nhau, mẹ cần lắng nghe nghiêm túc, sau đó hướng dẫn và giúp đỡ nếu cần thiết, không nên hoàn toàn phủ định cách nghĩ của trẻ. Như vậy mới được coi là yêu trẻ đúng cách.

3. Mẹ cần cho trẻ thời gian và không gian thích hợp. Nhiều bà mẹ vì muốn con xuất sắc hơn, nên luôn sắp xếp lịch học thêm, học năng thiếu kín thời gian. Hoặc không cho con tự ra ngoài chơi cùng các bạn. Mẹ cho rằng như vậy là quan tâm và bảo vệ con. Nhưng trên thực tế, hành  động này đã hạn chế sự phát triển tự do, lành mạnh của trẻ. Mẹ nên thử buông tay, không nên hạn chế, trói buộc con, hãy cho con không gian và thời gian nhất định để con tự sắp xếp cuộc sống và học tập của mình. Việc này có thể giúp trẻ phát huy tiềm năng của bản thân, học cách sống có trách nhiệm.

Sự ràng buộc ở mức độ hợp lý sẽ giúp trẻ học cách tôn trọng những quy tắc của cuộc sống và xã hội, giúp trẻ hình thành thói quen tốt. Tuy nhiên, việc nuông chiều hoặc trói buộc con quá mức lại hoàn toàn không có lợi vì nó tước đi sự tự do của trẻ, hạn chế tính chủ động và khả năng thích ứng của trẻ. Vì thế tình yêu mẹ dành cho trẻ nên có “mức độ”, chứ không nên “quá độ”.

Mẹ cần cho trẻ thời gian và không gian thích hợp, nhiều bà mẹ vì muốn con xuất sắc hơn, nên luôn sắp xếp lịch học thêm, học năng thiếu kín thời gian. (Ảnh: edu.vn)

Yêu trẻ không có nghĩa là tùy ý đáp ứng nhu cầu vật chất của trẻ

Mẹ yêu con, muốn tạo cho con điều kiện sống và học tập tốt nhất, đó là điều rất bình thường. Nhưng trẻ luôn cảm thấy tò mò và khao khát được thử những thứ mới lạ. Vừa mua một đồ chơi mới về, trẻ lại muốn đồ chơi khác. Những mong muốn của trẻ không bao giờ dừng lại. Rồi sẽ một ngày, mẹ cần từ chối yêu cầu của trẻ. Sự từ chối lúc này sẽ mang lại tác hại lớn gấp nhiều lần so với sự từ chối ngay từ đầu.

Có người từng nói: Nếu bạn muốn bồi dưỡng một kẻ vô lại, thì hãy cứ dung túng và chiều theo mọi ý muốn của con. Nếu bạn muốn bồi dưỡng một đứa con ngoan, trước yêu cầu không hợp lý của trẻ thì ngay từ ban đầu bạn cần kiên trì dùng nguyên tắc và lý do yêu thương của mình để từ chối con.

Vì thế, mẹ cần hiểu rằng, yêu con không có nghĩa là đáp ứng tất cả nhu cầu vật chất của con. Đối với những yêu cầu không hợp lý của con, cần kiên quyết từ chối. Như vậy mới dần dần bồi dưỡng được tính nhẫn nại, giúp trẻ học cách khống chế tình cảm và ham muốn vật chất của mình.

Tân và mẹ có thói quen đến cửa hàng sách vào ngày nghỉ cuối tuần. Đối với những quyển sách mà Tân thích, mẹ sẽ mua cho cậu, nhưng không có nghĩa là sách gì cũng mua. Mẹ và Tân đã có quy định, những quyển truyện tranh sẽ chỉ xem thôi chứ không mua. Quy định này được Tân chấp nhận vì: Truyện tranh ít chữ, nội dung thông tin ít, một cuốn mấy chục nghìn, đọc chưa được 20 phút đã hết. Có lần, Tân nhìn thấy một cuốn truyện tranh mới, nội dung rất hay. Tân rất thích, liền xin mẹ mua nhưng mẹ Tân kiên quyết từ chối yêu cầu của con.

Mẹ cần hiểu rằng, yêu con không có nghĩa là đáp ứng tất cả nhu cầu vật chất của con. (Ảnh: edu.vn)

Không cần phải cố gắng mà trẻ lại dễ dàng có được thứ mình muốn sẽ khiến trẻ có ham muốn vật chất, tâm lý ham hư vinh, thích so đo, thậm chí có cái nhìn sai lệch về các giá trị trong cuộc sống. Mẹ nên cổ vũ trẻ dùng cách thích hợp để đạt được thứ mình muốn, thực hiện lý tưởng của mình. Đó mới là cách ứng xử của một người một người mẹ thông thái. Đối mặt với những đòi hỏi vật chất của trẻ mẹ cần lưu ý:

1. Mẹ cần xử sự hợp lý trước yêu cầu vật chất của con. Khi trẻ đưa ra nhu cầu vật chất nào đó, mẹ cần có xử sự hợp lý chỉ đáp ứng những yêu cầu hợp lý. Nếu ở nhà đã có rất nhiều đồ chơi, trẻ vẫn đòi mua, mẹ cần kiên quyết từ chối. Không vì khóc đòi mà đáp ứng. Nếu không trẻ sẽ bắt được điểm yếu này để lần sau lại làm tương tự.

2. Khi mẹ từ chối yêu cầu của trẻ cần có lý do rõ ràng, mẹ đừng quên cho con biết lý do. Nếu trẻ đã có 2 đôi giày thể thao còn rất mới, nhưng khi nhìn thấy đôi giày đẹp trẻ lại đòi mua. Khi từ chối trẻ, mẹ cần để trẻ hiểu là vì trẻ đã có 2 đôi và còn rất mới, nếu mua thêm sẽ rất lãng phí, nên tiết kiệm để mua những thứ khác. Lời từ chối cần kiên quyết. Nếu không lần sau trẻ sẽ dùng mọi cách để mẹ thỏa hiệp, đáp ứng yêu cầu của mình.

3. Giảng giải cho trẻ hiểu khi trẻ đã “bình tĩnh”. Sau khi mẹ từ chối, trẻ thường nổi cáu, hờn dỗi và khóc lóc. Lúc này, mẹ nên bình tĩnh đợi cơ hội giải thích cho trẻ vì cho dù lúc này mẹ có nhẹ nhàng, mềm mỏng trẻ cũng sẽ không nghe. Hãy đợi đến khi trẻ bình tĩnh lại mới khuyên nhủ con.

Giảng giải cho trẻ hiểu khi trẻ đã bình tĩnh. (Ảnh: Cryptorich)

Mẹ muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con là điều mà người mẹ nào cũng mong muốn. Nhưng đáp ứng vô nguyên tắc những nhu cầu vật chất của con thì không phải là yêu con mà là hại con. Vì thế, đối diện với những đòi hỏi vật chất của trẻ mẹ cần lý trí đáp ứng nếu đó là nhu cầu hợp lý. Kiên quyết từ chối nếu yêu cầu không hợp lý, đồng thời giải thích rõ lý do để trẻ hiểu.

Tình yêu của mẹ dành cho con hoàn toàn bản năng nhưng tình yêu này có giúp con bay cao, bay xa, có tạo được cho con cuộc đời hạnh phúc hay không còn phụ thuộc và phương pháp giáo dục của mẹ. Mẹ hãy yêu con bằng tình yêu lý trí để con có thể phát triển toàn diện, lành mạnh cả về thế chất và tâm hồn.

Hồng Ân