Cổ nhân có câu: “Người khiêm nhường là gốc tích đức”. Tuy nhiên, ngày nay nhiều trẻ em có biểu hiện kiêu ngạo từ nhỏ, bị tổn đức mà không tự biết. Nếu không sửa sẽ trở thành khuyết điểm cố hữu ở tuổi trưởng thành, cản trở bản thân công thành danh toại. Vậy cha mẹ hãy xem con có thói tự cao tự đại này không để kịp thời uốn nắn.

Trong Dịch Thư có lời răn dạy: “Đạo lý của trời, bất luận thế nào, mọi sự kiêu ngạo tự mãn, sẽ khiến cho người đó phải chịu thiệt thòi, còn người khiêm tốn sẽ được nhiều lợi ích, hơn nữa khiêm nhường và kiêu ngạo, cũng là ranh giới giữa phúc và họa”.

Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển”. Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn đều có đức khiêm tốn.

Benjamin Franklin (17/01/1706 – 17/4/1790) là một trong những người thành lập đất nước của Hoa Kỳ. Ông cũng là một chính trị gia, một nhà khoa học, một nhà văn, một thợ in, một triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, một nhà ngoại giao hàng đầu. Hồi trẻ, có lần ông đi thăm một lão tiền bối đức cao vọng trọng. Vì hồi đó Franklin còn trẻ, tính khí hiên ngang, mỗi bước đi đều vươn vai ưỡn ngực, đầu ngẩng phía cao, nên khi vừa bước vào cửa, không may bị đụng luôn đầu vào xà ngang cửa vô cùng đau đớn. Franklin vừa lấy tay xoa đầu vừa ngước mắt nhìn một người vừa cao vừa to hơn mình đi qua chiếc cửa tự do tự tại, thoải mái điềm nhiên.

Khi lão tiền bối ra cửa đón Franklin, lão tiền bối vừa cười vừa nói: “Rất đau đúng không? Đây chính là bài học giá trị nhất mà cậu thu hoạch được ngày hôm nay khi đến thăm tôi”.

Thép tốt phải luyện
Quan giỏi biết nghe
Nghe nhiều biết rộng
Vận động mới khỏe
Khiêm tốn mới tiến
Càng nhiều càng tốt!

Tính kiêu ngạo chính là việc đề cao cái tôi cá nhân một cách quá mức, tự cho mình hơn người mà không biết trời cao đất dày, ắt sẽ là cản trở cho quá trình trưởng thành của trẻ. Vì vậy, cha mẹ không nên bỏ qua điểm này, mà hãy kịp thời phát hiện ra con mình có tính cách kiêu ngạo hay không để giúp con học được bài học như Benjamin Franklin.

Tự tin thái quá

Trẻ tự tin thái quá luôn cảm thấy mình có thể làm mọi việc tốt hơn người khác và quan trọng hóa vấn đề, tự nâng cao giá trị bản thân. Lấy ví dụ, khi hoàn thành nhiệm vụ nào đó trẻ kiêu ngạo cho rằng không ai có thể làm tốt hơn mình, bản thân là nhất. Ở mọi nhiệm vụ, các em luôn coi đó là cuộc thi và cần giành vị trí đứng đầu.

Che giấu những điểm yếu của bản thân

Nhược điểm, sai lầm thường khiến chúng ta tự ti nhưng có trẻ sẵn sàng đối mặt và chấp nhận với những khuyết điểm đó của bản thân, nhận lỗi do mình gây ra. Trong khi đó, trẻ kiêu ngạo thường che giấu, đổ lỗi cho người khác hoặc không dám đối diện với sai lầm. Nếu là trẻ tự tin, các em sẽ sẵn sàng bộc lộ sai sót của bản thân với hy vọng nhận được hướng dẫn sửa đổi và nỗ lực hoàn thiện bản thân.

Thích khoe khoang

Tính khoe khoang là một trong những đặc trưng của trẻ kiêu ngạo, thường thích khoe thành tích, khả năng của bản thân hoặc gia thế của gia đình. Khoe khoang để thu hút sự chú ý, cũng như được bạn bè coi là cá nhân nổi bật. 

Trẻ kiêu ngạo có thể không hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng “dựa hơi” người khác thể hiện trước mặt mọi người xung quanh. Ví như, trong một gia đình có điều kiện kinh tế, có thế lực trẻ lại là con một được ông bà cha mẹ cưng chiều hết mực, trẻ hiểu điều đó và tự cho rằng mình “không giống” với những bạn khác.

Cạnh tranh

Đối với những đứa trẻ kiêu ngạo, mọi hoạt động đều mang tính cạnh tranh, ngay cả trò chơi đơn giản với bạn bè. Các em luôn cố gắng trở thành người chiến thắng dù có thể chỉ do các em tưởng tượng ra bảng xếp hạng. Với mọi người, các em có thể thể hiện thái độ khinh thường, phán xét nhưng hiếm khi nhìn nhận lại sai sót của bản thân.

Tâm lý bất an

Nhiều đứa trẻ kiêu ngạo đóng vai là kẻ bắt nạt những bạn yếu để tỏ ra mình mạnh hơn. Các em coi người khác như mối đe dọa, từ đó nảy sinh hành động bắt nạt tinh thần hoặc thể xác để “hạ bệ” họ. Thậm chí các em không bao dung cho lỗi lầm của người khác. 

Ví như trường hợp của bạn Đức Minh, học lớp 7 ở một trường tư, con chị Nguyễn Thị Phương Thảo, 41 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội bị bạn ở lớp bắt nạt.

Cậu bạn tên Tuấn này thường xuyên gọi Minh bằng nhiều biệt danh hàm ý miệt thị… Cứ khi Minh mắc lỗi gì, hay trả lời sai, bị điểm thấp, làm hỏng cái gì đó thì liền bị Tuấn đem ra chỉ trích khiến Minh cảm thấy suy sụp, chán nản, không muốn đi học. Việc bắt nạt hay bạo lực học đường xảy ra hiện nay, cũng bởi các em nhận thức sai lệch, muốn hơn người, đi doạ người khác.

Không có tinh thần tập thể

Trẻ kiêu ngạo luôn khao khát giành được sự chú ý và trở thành tâm điểm. Các em không thích làm việc nhóm hoặc phải chia sẻ thành quả với mọi người xung quanh. Trẻ có xu hướng làm việc một mình để gây ấn tượng hoặc tự tạo áp lực phải trở nên hoàn hảo, không ai sánh bằng.

Thiếu tôn trọng người khác

Đối với trẻ kiêu ngạo, tự cho rằng tất cả lời nói, suy nghĩ của các em luôn luôn đúng vì vậy, khi mọi người không đồng tình, trẻ sẽ tỏ thái độ coi thường. Ngoài ra, chúng hầu như không quan tâm đến suy nghĩ, ý tưởng của mọi người xung quanh.

Danh họa Leonardo da Vinci từng nói như thế này: “Kiến thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, kiến thức phong phú khiến người ta khiêm tốn. Do đó những bông lúa lép thường kiêu ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất”.

Trẻ tự cho mình có quyền chê bai, bài xích những trẻ đồng lứa khác, thậm chí với cả người lớn. Ở trường, trẻ chỉ chơi với những bạn mà trẻ cho là con nhà quyền quý, giàu có và coi thường những bạn con nhà bình dân. Ở nhà, trẻ có thể quát nạt, hỗn hào với người giúp việc, với láng giềng, trẻ biểu hiện thiếu lễ độ, nhất là với những người mà chính cha mẹ không tôn trọng.

Người xưa dạy, khiêm tốn là khởi nguồn của phúc báo, còn cao ngạo là khởi đầu của hậu họa diệt vong. Kẻ có ngạo khí quá lớn thì luôn đặt mình lên trước mọi người, không chịu phục ai, hành sự nhất nhất đều là không kiêng nể. 

Coi bản thân là trung tâm của vũ trụ

Trẻ kiêu ngạo thường coi bản thân là trung tâm của sự chú ý, muốn được mọi người tôn vinh, quan tâm hết mực. Các em cho rằng việc được ưu ái là điều hiển nhiên, tự coi thành quả của bản thân là hơn người.

Vậy nên làm người là không thể không tu dưỡng đức khiêm tốn. Cha mẹ hãy nói chuyện để con hiểu điều này. Bậc Thánh hiền chân chính xưa nay đều thận trọng trong lời nói, dè dặt trong hành động, chẳng bao giờ vỗ ngực tự coi mình là bề trên. Những người quân tử chân chính thành công đều là nhờ một chữ “khiêm”, không ngạo mạn mới có thể đi đến đích cuối cùng.

(Ảnh: Shutterstock)

Video xem thêm: 3 loại người nên tránh, 3 kiểu bạn nhất định phải kết giao

videoinfo__video3.dkn.tv||d572a4f07__