Bốn năng lực ấy được ví như bốn chiếc bát vàng, cả đời không nên bị đánh mất. Bồi dưỡng cho con trẻ có được 4 năng lực này, còn phải lo gì chuyện cơm áo sinh tồn đây!
Giáo dục như là một cuộc đi bộ đường dài, đi xuyên suốt cả đời con trẻ, cũng xuyên suốt cuộc đời cha mẹ. Suốt cả cuộc đời của cha mẹ đều là cân nhắc, tính toán cho con cái, đều mong muốn lúc con còn nhỏ phải giáo dục chúng cho tốt, để sau này trưởng thành, chúng có thể bằng chính năng lực của bản thân mà có được một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.
Sẽ có một số người băn khoăn rằng, tại sao có những người có thành tích học tập rất tốt, song lại không đạt được thành tựu gì trong xã hội; có những người thành tích học tập không mấy tốt nhưng lại có được những thành tựu to lớn trong xã hội?
Trường học là nơi để giáo dục, bồi dưỡng các loại kiến thức, song kiến thức sẽ dễ bị quên lãng, hao mòn dần theo thời gian. Ngoại trừ những kiến thức học được ở sách vở, trường lớp, thì cần phải bồi dưỡng và phát triển cho trẻ thêm các năng lực cơ bản để cho dù ở đâu, gặp bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng cũng có thể phát huy khả năng của mình và có được một cuộc sống tốt.
Những người có thể thích nghi bất cứ hoàn cảnh nào thường có 4 năng lực cơ bản sau:
1. Học hỏi
Một đứa trẻ có thể có thành tích học tập không cao, nhưng đối với những thứ mà nó cảm thấy yêu thích và hứng thú thì lại rất ham thích học hỏ, sẽ tập trung toàn bộ tinh lực cho điều đó. Những đứa trẻ như vậy, cho dù đối với thành tích ở trường lớp có thể không cao, nhưng nhất định sẽ không kém cỏi ở môi trường đại học hay ở trong xã hội. Bởi vì chúng có niềm say mê, hứng thú đối với điều mình thích, và xác định rõ mục tiêu, mong muốn của mình, từ đó dồn tinh thần để thực hiện nó. Cho dù xã hội có thay đổi như thế nào, thì những đứa trẻ này vẫn duy trì được thói quen say mê học hỏi. Có tâm say mê học hỏi thì không cần phải lo lắng vấn đề sinh tồn.
Ví như Dương Giáng, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, vì mong muốn trở thành một người dịch tiểu thuyết, năm 48 tuổi bà bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha. Từ khi bắt đầu học cho đến khi dịch được sách để xuất bản, bà mất 20 năm để học. Vì bà có thói quen thích học hỏi cho nên vẫn kiên trì học hỏi cả đời. Chỉ cần có thói quen và niềm say mê học hỏi này, thì cho dù bắt đầu học hỏi bất cứ cái gì và vào thời gian nào cũng không hề muộn.
Nhiều khi con trẻ tập trung tinh lực và dành nhiều thời gian cho thứ mà mình yêu thích, cho nên thành tích học tập ở trên trường lớp sẽ không cao. Gặp những trường hợp như vậy, cha mẹ hãy tìm hiểu xem lý do từ đâu, chứ đừng vội vàng trách mắng con lười học. Hãy quan sát và tìm hiểu xem con mình hứng thú với môn học nào, điều gì, để từ đó có thể động viên giúp đỡ con theo đuổi thứ mình yêu thích.
2. Năng lực suy xét, phân tích
Trẻ nhỏ mỗi khi gặp được vấn đề nào đó đều thích suy xét, phân tích, đây cũng là một đặc điểm rất quan trọng. Một người không biết suy xét, suốt đời chỉ có thể làm theo ý người khác, bảo sao hay vậy, không có chủ kiến của mình, không có cảm nhận của riêng mình, như vậy khó mà thành công được.
Đứa trẻ thích suy xét, tìm tòi, khi gặp sự việc gì, nó cũng sẽ phân tích cặn kẽ, có cách nhìn nhận vấn đề và lý giải một cách rõ ràng, từ đó có thể đưa ra phương pháp để giải quyết vấn đề. Vậy nên, khả năng thành công của những đứa trẻ này rất lớn.
Tuy nhiên có nhiều bậc cha mẹ, trong vô tình đã bóp chết năng lực này của con trẻ, thường hay chê bai, không chấp nhận, phớt lờ những ý kiến của con trẻ. Áp đặt và bắt trẻ nghe theo những ý kiến của mình, ví như: “Không được nói linh tinh, con chỉ việc học cho giỏi, thi cho tốt là được rồi. Việc quan trọng nhất của con là tập trung vào học hành”. Dần dần cha mẹ biến con cái của mình thành những con rối, nhất nhất theo ý cha mẹ, chính cha mẹ đã giết dần khả năng tư duy và suy nghĩ của trẻ.
Trong mắt một số bậc cha mẹ, con cái học thật giỏi mới là việc nên làm, mới là việc trọng yếu. Nhưng họ không biết rằng, đối với con trẻ mà nói, tạo cho chúng thời gian, không gian và sự tự do để chúng phát triển năng lực suy nghĩ của chính mình, điều này còn quan trọng hơn gấp trăm nghìn lần so với việc có thành tích cao trong học hành. Bởi vì thành tích chỉ là một tờ giấy, mà năng lực suy xét, phân tích mới là kỹ năng cơ bản xuyên suốt cuộc đời của trẻ.
Cho nên đừng thấy phiền trước những suy nghĩ, những ý tưởng tưởng chừng như vô nghĩa hoặc ngây ngô của trẻ. Hãy để cho con trẻ được tự do tưởng tượng, khuyến khích trẻ phát triển khả năng tư duy và phân tích sự việc, đây mới là việc quan trọng nhất mà cha mẹ nên làm trong việc bồi dưỡng năng lực cho con cái.
3. Năng lực tìm tòi, nghiên cứu
Sở thích tìm tòi nghiên cứu cũng là một đặc tính tốt ở trẻ. Một khi gặp được sự việc hay sự vật gì cảm thấy hứng thú, liền tìm cách nghiên cứu, tìm hiểu cho tỏ tường mới thôi, những người như vậy thường có khả năng thành công rất cao.
Bất cứ một người thành công nào, cũng đã phải trải qua một thời gian lâu dài khổ tâm nghiên cứu và tìm tòi thì mới có thể đạt đến thành tựu đó được. Còn chỉ có thể nhìn sự việc, sự vật bằng vẻ bề ngoài, qua loa đại khái, không muốn bỏ công tìm tòi nghiên cứu thì khó mà làm nên đại sự.
Nhưng ngày nay, với áp lực học hành đè nặng, trẻ nhỏ không còn nhiều cơ hội để tự mình nghiên cứu tìm hiểu theo sở thích của mình. Mỗi ngày cha mẹ cứ thúc giục, bắt chúng phả làm việc này, phải hoàn thành việc nọ, phải nhanh nhạy, phải tập trung làm bài tập ra sao…, cho nên không còn thời gian cho chúng đi làm những việc mà mình yêu thích.
Thay vì bắt trẻ học cách tư duy nhanh nhạy, hoặc bắt chúng tiếp nhận kiến thức theo kiểu cố nhồi nhét, thì hãy khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ tự do phát triển sở thích nghiên cứu, tìm hiểu sự vật sự việc theo ý muốn của chúng, cũng là để trẻ phát triển và bồi dưỡng khả năng quan sát, khả năng phân tích và tư duy logic.
4. Biết xử sự, biết việc
Một người có thể hiểu được bản thân, biết cách xử sự, biết bản thân nên làm những gì, cho dù việc học hành không đạt được thành tích cao, thì cũng sẽ không thể nào kém cỏi trong cuộc sống, bởi vì người này hiểu rõ những điều cơ bản của cuộc sống. Có thể người này hiểu được mặt hạn chế của mình, cho nên hiểu được mình thích hợp với việc gì và tập trung làm việc đó, cần cù chăm chỉ. Có thể không đạt được thành tích như nhiều người khác, nhưng nếu ở trong lĩnh vực chuyên môn của mình thì người này nhất định sẽ là người ưu tú.
Nếu một người mà có tinh thần ham học hỏi, khả năng suy xét phân tích, thói quen tìm tòi nghiên cứu, lại biết xử sự, hiểu biết công việc, thì cho dù anh ta làm công việc gì, cuối cùng cũng sẽ đạt được thành công.
Theo aboluowang.com
Minh Phúc biên dịch