Trong một ngày người trẻ thường nghĩ những gì? Điều ở trong tâm trí sẽ phản ánh ra hành động. Rồi từ đó gieo hành động, gặt số phận. Xã hội hiện đại có một bộ phận những người trẻ sa sút, yếu nhược, nhưng không phải là không có cách. Hãy đưa vào trong tư tưởng của họ chân lý, từ đó hành động sẽ thay đổi.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, có một người nghệ sĩ piano bị giam cầm. Anh bị nhốt trong cái cũi nhỏ suốt bảy năm. Việc bỏ tù đã hủy hoại sức khỏe, làm biến dạng cơ thể của anh, và buộc anh phải liên tiếp chứng kiến cái chết của các tù nhân khác.
Nhưng người nghệ sĩ dương cầm không bao giờ từ bỏ hy vọng sống của mình. Vì vậy anh đã thực sự sống sót sau bảy năm gian khổ. Khi chiến tranh kết thúc, nghệ sĩ dương cầm đã được gửi trở lại quê hương của mình.
Từ đây, anh bắt đầu một cuộc sống mới. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, kỹ năng chơi đàn của anh không hề bị thui chột sau bảy năm xa cách piano. Thậm chí tiếng đàn của anh còn tinh tế hơn trước rất nhiều.
Nghệ sĩ dương cầm đã chia sẻ với mọi người rằng trong suốt bảy năm tù, để vượt qua nỗi sợ hãi và khuyến khích chính mình, anh đã thực hành chơi piano trong trí tưởng tượng của mình mỗi ngày. Việc chơi đàn trong trí tưởng tượng quá sinh động và chính xác đến nỗi anh không bao giờ quên dù chỉ một chi tiết nhỏ khi chơi đàn piano.
***
Câu chuyện của người nghệ sĩ dương cầm là minh chứng cho sức mạnh của tư tưởng thuần chính. Nó khiến các bậc phụ huynh chợt nghĩ về con cái của họ, những người thầy liên tưởng đến học trò, và rất nhiều người khác lặng người đi trước lớp trẻ hiện nay… Chúng ta nhận ra nguồn gốc của những hành động không tốt là tư tưởng không tốt.
Vì sao có những đứa trẻ không chuyên cần học tập? Bởi vì tâm trí của chúng không suy nghĩ về kiến thức. Trẻ được thoải mái xem youtube với nhạc chế, phim bạo lực, người mẫu thời trang thì trong đầu của chúng chỉ có thể chứa những thứ ấy.
Từng có phụ huynh xót xa khi không nghe được một lời ngọt ngào từ con cái. Họ bảo rằng động một chút là chúng lớn tiếng cãi lại, tìm lý hơn thua. Bởi vì trong đầu chúng đang dung chứa bất bình, đố kỵ thì tất nhiên cư xử với bố mẹ và bạn bè cũng bộc phát ra tranh đấu. Nếu tư tưởng không có lễ nghĩa thì biểu hiện cũng không ra được cung kính, nhường nhịn.
Vì sao mà một người trẻ hành động bộc trực, đến mức hậu quả nặng nề? Bởi vì cả thanh xuân anh ta không có nổi một ngày suy nghĩ về nhân quả báo ứng.
Có những bạn trẻ mà khi nghe ai đó nói đến hai chữ “đạo đức” thì cười phá lên và hỏi ngây ngô rằng đạo đức là cái gì, có ăn được không. Bạn thấy không, giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, anh ta sẽ làm ngơ những câu chuyện về Thần, về nhân quả báo ứng, hành thiện tích đức. Xã hội này chính là một thùng thuốc nhuộm. Anh ta lấp đầy tâm trí mình bởi tin tức showbiz, chuyện tố nhau trên facebook, vài thứ lặt vặt và phim ảnh đồi truỵ. Bạn nghĩ xem cái nhân này sẽ tạo thành quả gì trong tương lai?
Nếu bọn trẻ cả ngày nghĩ về thần tượng, đọc truyện ngôn tình, xem người khác khoe khoang dối trá thì trong đầu của “tương lai đất nước” sẽ chứa những gì? Quanh quẩn chỉ nhìn thấy bạn bè hơn thua khẩu khí, rảnh rỗi lại lướt các cửa hàng quần áo, mỹ phẩm thì tư tưởng của “tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu” sẽ ra sao? Họ lấy gì để hình dung được “có công mài sắt có ngày nên kim”. Cho nên họ không chịu đựng được khắc khổ học tập. Cuối cùng khi đặt vào thử thách sẽ không biết làm gì khác ngoài gian lận và thủ đoạn lưu manh. Tư tưởng không thuần chính có thể hủy hoại nhân cách một người.
Muốn giáo dục họ thay đổi bản thân, mở ra tương lai tươi sáng thì phải bắt đầu từ những gì tiến nhập vào trong tư tưởng của họ. Đừng để những người trẻ tràn đầy sức sống ấy chôn vùi đầu não của mình trong những thứ hào nhoáng và vụn vặt, biến chất và sa đọa. Sự yếu nhược trong tư tưởng sẽ hại họ như thể chất độc hóa học dần dần tàn phá cơ thể.
Hãy nghĩ về người nhạc công sống trong giam cầm nhưng tâm trí tràn đầy những nốt nhạc. Chính điều đó đã khiến anh mạnh mẽ và thăng hoa dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Tuổi trẻ cần những “nốt nhạc” nào? Họ cần cái đầu dung chứa đạo lý làm người, tấm gương cao quý, ý chí tiến thủ, để làm ra một sinh mệnh chân chính.
Xưa kia trẻ dưỡng thành từ sách
Vì sao người xưa rất nghiêm khắc và chú trọng giáo dục con đọc sách Thánh hiền? Bởi vì họ đã hiểu được tư tưởng là sức mạnh.
Lưu Tán là đại thần nhà Hậu Đường thời Ngũ Đại, người Ngụy Châu (nay là huyện Ký, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Ông làm quan không thiên vị tình riêng, không xu nịnh quyền quý, nổi tiếng chính trực nghiêm minh, tuân thủ pháp luật.
Sự thành danh của Lưu Tán không thể không kể đến phương pháp giáo dục nghiêm khắc của cha ông, huyện lệnh Lưu Tần. Khi Lưu Tán còn nhỏ, người cha yêu cầu vô cùng nghiêm khắc đối với con trai. Lưu Tán vừa đến tuổi đi học, ông đã được cha dạy học các sách cổ như Thi Kinh, Thượng Thư (đây là những sách có ý nghĩa vô cùng uyên thâm, người thời xưa bắt buộc phải học từ nhỏ).
Trong cung điện nhà Thanh, nơi học tập của con cháu hoàng tộc được gọi là “Thượng thư phòng”. Dưới thời Hoàng đế Khang Hy, Thượng thư phòng còn gọi là “Vô Dật Trai”, nghĩa là phòng học không có sự an dật. Khi bước vào đây, các hoàng tử, hoàng tôn sẽ không thể chơi đùa, cũng không thể mong cầu được an nhàn hay thoải mái.
Mặc dù rất bận rộn, một ngày phải xử lý 300-400 bản tấu trình, nhưng ngày nào Hoàng đế Khang Hy cũng dành 2 tiếng (từ 7 giờ đến 9 giờ sáng) để đích thân tới kiểm tra việc học tập của con trẻ. Ông sẽ chọn ngẫu nhiên một đoạn kinh thư và yêu cầu một hoàng tử phải đọc thuộc lòng. Hoàng đế Khang Hy nói: “Khi còn trẻ, ta có thể đọc to một cuốn sách 120 lần và sau đó là đọc thuộc lòng nó 120 lần”. Hoàng đế Khang Hy còn đặc biệt chú ý đến việc tu thân dưỡng đức của thế hệ sau. Ông đã để lại cuốn “Khang Hy gia huấn” trong đó viết những điều dạy con về cách đối nhân xử thế.
Cổ ngữ có câu: “Lẽ trời thường đứng về phía người lương thiện” (Thiên đạo vô thân, thường vu thiện nhân). Bởi luôn dạy con tu thân dưỡng đức, nên các thế hệ sau này của Khang Hy đại đế trở thành những bậc minh quân hiền đức. Từ con trai của ông là Ung Chính cho đến cháu trai Càn Long đều là những bậc hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử, tạo nên thời thái bình thịnh trị mà người ta vẫn gọi là “Khang-Càn thịnh thế”.
Ngày nay người cải biến nhờ sách
Có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”, nên nhất định phải để những tư tưởng tốt đẹp và đạo lý làm người tràn đầy tâm hồn trẻ, đan kết thành nền móng vững chắc cho chúng ngay từ khi còn nhỏ. Để đến khi con đã lớn và vượt ra khỏi vòng kiểm soát của bố mẹ thì sự xây dựng hay cải biến đều vô cùng khó. Tuy nhiên, không phải là không có cách.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Khí chất một người là do thiên bẩm, rất khó để thay đổi. Chỉ có đọc sách mới giúp con người thay đổi khí chất. Cổ nhân quý bởi tướng pháp, nhưng đọc sách cũng có thể thay đổi cốt tướng”.
Hoàng Đức Trọng, quê ở Đồng Nai là một thanh niên đã biến đổi hoàn toàn cốt tướng của mình. Thuở thiếu niên anh nổi tiếng hung hăng, phách lối, mới lớp 6 mà đã từng đâm dao vào người hàng xóm. Suốt ngày anh chỉ thích xem phim kiếm hiệp võ thuật và thần tượng những tên tướng cướp. Do đó không ít lần đi ăn trộm và bị chủ nhà đánh cho đổ máu, bản thân anh cũng ưa kiếm chuyện rồi lại gây lộn đánh nhau.
Một lần anh lục tìm đống sách báo trong nhà thì thấy quyển tài liệu giới thiệu về Pháp Luân Đại Pháp mà chị gái đã cầm về từ bao giờ. Chợt ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn khiến anh bừng tỉnh, giác ngộ ra rằng đây mới là điều mình cần.
Sau đó anh tìm đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân thì thấy chấn động bởi những điều được giảng trong sách. Anh hiểu ra xưa nay mình đã làm biết bao nhiêu chuyện xấu, mình đã làm mình mất đức quá nhiều. Anh cũng bỏ rượu và thuốc lá, bỏ thói xấu chửi thề và không còn tụ họp đánh nhau nữa. Từ đó trở đi chuyên tâm làm ăn và luôn vui vẻ yêu đời, tận tình giúp đỡ hàng xóm xung quanh. Kỳ thực, tư tưởng thấm nhuần Chân – Thiện – Nhẫn đã cải biến con người anh từ xấu trở thành tốt.
Lê Hữu Dương (Thanh Hóa) là một thanh niên đã sa ngã vào ma túy. Từng vào tù, từng buôn bán ma túy, để đến nỗi em trai thứ hai bỏ đi, còn em trai thứ ba cũng thành nghiện hút. Người ngoài mà nhìn thì thấy đó là một số phận tuyệt vọng, tưởng như không còn lối thoát.
Vậy mà cơ duyên chợt đến, người bác ruột giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho anh. Bác còn bảo anh ngồi xuống, đọc cho anh nghe trang đầu tiên phần Luận Ngữ của cuốn sách. Phần minh bạch trong con người anh được đánh thức ngay lúc ấy. Tâm trí anh bừng tỉnh, và anh tự hỏi vì sao điều tốt như thế này vẫn còn tồn tại trong cuộc đời. Tối hôm đó, anh đã quyết định đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, trong đầu còn thầm nhủ ý muốn cai hẳn ma túy.
Một điều cứ ngỡ trong mơ, vậy mà cuối cùng đã thành hiện thực. Dù vật vã thèm thuốc nhưng anh vẫn quyết tâm đọc sách Chuyển Pháp Luân. Nước mắt không ngừng rơi khi đọc sách là những giọt nước mắt hồi sinh một sinh mệnh. Chân lý giúp anh nhận ra bản thân mình vẫn còn giá trị và có lý do để sống.. Sau đó anh đã thực sự cai nghiện được, lại giúp em trai mình đọc sách và nhờ thế cũng bỏ được ma túy. Người em thứ hai cũng trở về và bước vào con đường tu luyện thành một người tốt và tốt hơn nữa.
Nhân sinh diệu kỳ! Thanh lọc tư tưởng thì hành động sẽ đổi thay mỹ diệu. Cho nên mới có câu “Tướng tùy tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển” là như vậy.
Video: Những cuộc đàn áp đức tin tàn khốc nhất trong lịch sử