Dù xã hội có thay đổi ra sao, từ cổ chí kim, người biết trân trọng yêu quý sách hẳn đều là người có nội tâm phong phú, đức hạnh cao dày.
Nhà văn học, lịch sử học thời Bắc Tống, Tư Mã Quang là người yêu quý và trân trọng thi sách có tiếng. Dưới đây chúng ta cùng nói về chuyện Tư Mã Quang trân trọng thi sách như thế nào.
Tư Mã Quang đã lập nên một khu vườn ở Lạc Dương, lấy tên là “Độc lạc viên”, bên trong cũng có một “phòng đọc sách”, đó là nơi chứa hơn 10.000 tập sách văn hóa và lịch sử mà ông đã thu thập được. Tư Mã Quang mỗi sáng tối đều say sưa đọc những cuốn sách này, sau nhiều thập kỷ những cuốn sách vẫn như mới, như chưa từng có người dùng tay đụng vào. Làm thế nào mà ông làm được điều đó?
Tư Mã Quang từng nói với con trai Tư Mã Khang rằng:
“Thương nhân thích thu thập tiền tài kho báu, chúng ta là Nho sinh, vì thế vật báu duy nhất mà chúng ta coi trọng là những cuốn sách này. Nên biết yêu thương và trân trọng chúng. Cha mỗi năm trong những ngày hè nắng nóng nhất, liền để vài án đặt dưới ánh nắng mặt trời và đặt những cuốn sách lên trên đó, để ánh nắng có thể xuyên qua các trang sách bị buộc (thời đó, người ta thường dùng dây để buộc các trang sách lại với nhau, lâu ngày không phơi phóng có thể bị hỏng). Mặc dù việc này mất nhiều thời gian, sách sẽ có tuổi thọ cao hơn.
Nói về đọc sách, trước hết cần dọn dẹp sạch sẽ bàn đọc sách, bên dưới sách lót một lớp chiếu và bắt đầu đọc sách. Đôi lúc điều kiện thời gian có hạn, không thể ngồi đọc sách, chỉ đành vừa đi vừa đọc, vậy thì đặt sách lên một tấm bảng chuyên dụng để đọc. Cha chưa từng dám dùng tay cầm sách, điều này không chỉ là do lo lắng mồ hồ tay đổ ra làm thấm vào các trang sách mà còn có tác dụng ngăn chặn các trang sách bị mòn. Đọc xong một trang, thì dùng ngón tay cái bên tay phải áp vào viền giáp ranh của hai trang sách, sau đó dùng ngón trỏ và ngón cái cẩn thận lật từng trang để trang sách không bị nhàu nát.
Cha thường thấy các con, những người trẻ tuổi, trực tiếp dùng tay lật sách, điều này không hợp với tâm ý yêu thương sách của cha. Ngày nay các tín đồ Phật giáo và Đạo giáo đều biết tôn trọng kinh thư của họ, Nho sinh chúng ta tại sao không thể giống như họ được? Con phải nhớ lại những lời của cha”.
Từ tự thuật của Tư Mã Quang, chúng ta biết được rằng ông rất yêu sách, trọng sách. Mặc dù sách cổ và sách của người hiện đại có rất nhiều khác biệt, cách bố cục sách, chất liệu và cách bảo quản đều khác nhau, nhưng tinh thần trân trọng sách cũng như đức hạnh ưu tú của Tư Mã Quang vẫn có thể truyền cho những thế hệ sau này, trở thành tấm gương cho người khác noi theo. Từ những lời của ông, chúng ta còn biết những tín đồ Phật giáo, Đạo giáo đều là những người cực kỳ trọng kinh thư. Điều này không chỉ là kế thừa văn hóa truyền thống, mà là sự kính trọng đối với Thần Phật.
(Câu chuyện được ghi trong Lương khát mạn chí).
Theo Vương Du Duyệt, Epochtimes
Ngọc Linh biên dịch
Video: Ăn nói từ tốn, ngữ khí bình hòa là biểu hiện của người có hàm dưỡng