Người xưa có câu: “Trong nhà có người già được xem như một báu vật”, ý là những người con biết lấy Hiếu làm đầu phụng dưỡng cha mẹ thì phúc phận cũng tương ứng. Vậy mà ngày nay, chữ Hiếu dường như không được bằng thời xưa, vậy đâu là nguyên nhân?

Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong hàng trăm đức hạnh của con người thì chữ Hiếu luôn đứng hàng đầu. Chẳng hạn như, người Việt chúng ta có truyền thống thờ phượng tổ tiên, cũng là để tỏ lòng biết ơn tưởng nhớ đến thế hệ trước đã sinh thành dưỡng dục thế hệ sau. Người con sống có hiếu nghĩa thì con cháu đời sau thường được hưởng phước, sum vầy và yêu thương nhau.

Ngẫm lại một chút, vì sao thời xưa chữ Hiếu được xem trọng đến như vậy? Chẳng hạn như, con cháu trong nhà phải biết kính trọng lễ phép với ông bà cha mẹ, đi thưa về trình, mọi sự đều xin phép, người lớn tuổi trong nhà đều rất được kính trọng. Còn ngày nay, ta không lạ lẫm trước hàng loạt các tin tức như: con cái đuổi cha mẹ già ra khỏi nhà không nuôi dưỡng, con đánh cha mẹ vì không cho tiền, con cái không ai chịu nuôi cha mẹ già và muốn cha mẹ nhanh chết đi để đỡ gánh nặng, thậm chí con cái giết cha mẹ vì mâu thuẫn nhỏ…

Ngày xưa, cuộc sống khốn khó, nhưng nhờ đó ai ai cũng quý sức lao động, đến đứa bé hai ba tuổi cũng phải tự biết chăm lo làm việc nhà để ba mẹ đi làm đồng. Có lẽ vì quý sức lao động, nên chúng hiểu được công sức, mồ hôi nước mắt ba mẹ đổ xuống để nuôi nấng chúng nên người.

Thời nay, trẻ càng lớn càng phụ thuộc vào gia đình, không biết quý công sức lao động của ba mẹ nuôi nấng mình nên người, thay vào đó còn đòi hỏi thêm. (Ảnh: myaone.my)

Còn thời nay, khi cuộc sống hầu như được đầy đủ hơn trước, những đứa trẻ không bị bắt làm lụng từ sớm. Vậy nên, càng lớn lên chúng càng phụ thuộc vào gia đình, không biết quý công sức lao động của ba mẹ nuôi nấng mình nên người, thay vào đó còn đòi hỏi thêm. Nếu không đáp ứng nhu cầu của chúng thì chúng càng trở nên đua đòi, hư đốn.

Chẳng hạn như chàng trai kia, mặc dù với người bên ngoài anh rất lịch sự, nhưng đối với cha mẹ mình thì có lúc lớn tiếng đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu của anh ấy; nếu không được, anh sẽ cau có và tỏ ra không hài lòng. Cũng có chàng trai khác, mặc dù cũng có học, công ăn việc làm trí thức, công ty này công ty nọ hẳn hoi, nhưng mọi việc nhà từ nấu ăn giặt giũ quét dọn đều đẩy hết cho mẹ già. Và thêm một anh chàng khác, tuy gia đình cũng chẳng khá giả gì, thậm chí là làm nông quanh năm, nhưng anh lại sống rất thảnh thơi, ăn diện, đua đòi và phá phách khi ba mẹ không cho tiền…

Rất nhiều những người thân cho đến bạn bè quanh tôi từ tầng lớp trí thức, giàu có cho đến bình thường, nghèo khổ đều có những người con không trân trọng công lao dưỡng dục của cha mẹ. Điều này khiến tôi đặt ra câu hỏi lớn. Không phải họ không thương yêu cha mẹ, nhưng sự yêu thương của những người con thời hiện đại đối với cha mẹ luôn là thụ động, không có tính tự giác, mọi việc lớn bé nếu cha mẹ còn khỏe thì đùn đẩy hết cho cha mẹ. Sau này tôi mới hiểu rõ, điểm chung ở những người con này là thời thơ bé họ đều được cha mẹ nuông chiều. Cha mẹ họ luôn nghĩ họ còn nhỏ dại nên đều làm thay mọi việc, khiến họ không nhận thức được “giá trị của lao động”, xem việc ba mẹ làm cho mình là trách nhiệm hiển nhiên, từ đó sinh ra không cảm xúc.

Quả thật không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nói: “Con gái thường hiếu thảo hơn con trai”, bởi con gái sinh ra từ nhỏ đã biết phụ giúp cha mẹ làm việc nhà, để từ đó hiểu nỗi vất vả khổ cực của cha mẹ. Còn con trai thì thường hời hợt và ít chu đáo, ngay đến việc chăm sóc cha mẹ già cũng cực kỳ vụng về. Hoặc ta cũng thấy rất nhiều những trường hợp, các cậu con trai nhà nghèo vượt khó học giỏi thì cực kỳ hiếu thảo và sống có lễ nghi khi thành đạt. Đó là bởi vì từ nhỏ họ đã hình thành được thói quen tự lập, tự giác trong sinh hoạt cá nhân lẫn việc nhà, việc học hành. Vậy nên, “Giáo dục con cái làm việc nhà từ nhỏ” là cực kỳ quan trọng.

“Giáo dục con cái làm việc nhà từ nhỏ” là cực kỳ quan trọng… (Ảnh: sundaykiss.com)

Anh họ tôi là người tôi ngưỡng mộ nhất, hình tượng cho tôi học theo. Anh vốn là con cả trong gia đình mà bố mẹ sớm đã ly hôn và phải sống cùng bố. Khi đã thành một bác sỹ giỏi, giàu có và nổi tiếng, anh đã đón mẹ về ở cùng. Bố mẹ anh khắc nhau, nhưng là một người con anh vẫn từ tốn phụng dưỡng chu toàn, không một lần lớn tiếng. Không những chăm sóc bố mẹ chu đáo, anh còn phụng dưỡng luôn bà nội và bà ngoại dù đã gần 100 tuổi. Dù bố mẹ la mắng gì, anh cũng im lặng lắng nghe và từ tốn tìm thời điểm thích hợp nhẹ nhàng đối đáp không chứ hề nói lại. Là một bác sỹ thành đạt, nhưng mọi việc nhà nếu anh làm được, thì anh đều tự làm không phiền đến cha mẹ hay người giúp việc.

Chị họ tôi cũng là người con cực kỳ có hiếu. Mỗi dịp tết hay lễ, chị đều dành tặng cho cha mẹ những món quà đáng yêu nhất. Lúc chưa có gia đình, chị luôn về nhà khi rỗi để phụ giúp cha mẹ làm mọi công việc nhà. Khi đi học xa nhà, chị luôn ăn uống tiết kiệm và tranh thủ làm thêm để ba mẹ đỡ vất vả lo học phí cho chị. Ba mẹ đau ốm đều được chị chăm sóc tận tình từ miếng ăn đến giấc ngủ. Chị luôn là niềm tự hào của ba mẹ và được ba mẹ cực kỳ yêu quý. Giờ đây, chị đã là một giảng viên thành đạt.

Điểm chung của hai anh chị họ tôi là họ đều biết quý sức lao động, đều biết tự lập từ sớm nên hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ.

Cha mẹ yêu con thì không được xem con còn bé bỏng, mà hãy cho trẻ “sớm tự lập để trưởng thành”. Khi con trẻ đã biết tự xúc cơm ăn thì hãy cho trẻ tự ăn, khi con trẻ biết đi vệ sinh thì hãy dạy trẻ tự đi vệ sinh, khi con trẻ có thể tự rửa tay rửa chén thì hãy cho trẻ rửa, hướng dẫn trẻ biết nấu cơm và làm những việc trong khả năng. Nên thông cảm, khuyến khích, hướng dẫn lỗi lầm khi trẻ làm vụng về chứ không nên vì thế mà không muốn cho trẻ làm nữa, để “tự cha mẹ làm cho nhanh”. Khi con trẻ đòi hỏi đồ chơi thì hãy dạy cho trẻ biết quý giá trị của đồng tiền, chẳng hạn như bảo trẻ cùng làm gì đó, nếu hoàn thành thì sẽ cho tiền mua chứ không nên vội đáp ứng nhu cầu của trẻ ngay tức khắc.

Ba mẹ thường có tâm lý “tự làm cho nhanh”, không cho trẻ làm bất cứ việc gì. Vậy nên trẻ suốt ngày chỉ biết xem tivi, điện thoại… Từ đó xem sự bảo bọc của cha mẹ là điều đương nhiên. (Ảnh: pixabay.com)

Trong cuộc sống hiện đại, con người thường bận rộn nên ai cũng muốn tiết kiệm thời gian, chính vì thế mà ba mẹ thường có tâm lý “tự làm cho nhanh”, không cho trẻ làm bất cứ việc gì từ ăn uống cho đến việc nhà. Vậy nên trẻ suốt ngày chỉ biết xem tivi, điện thoại, chơi đồ chơi mà không làm gì, từ đó xem sự bảo bọc của cha mẹ là điều đương nhiên. Hoặc khi trẻ 6 tuổi trở lên, nhận thức dần rõ ràng, cha mẹ bảo làm gì đó mà không nghe lời, cha mẹ cũng la vài câu rồi tự mình làm lấy mọi việc, khiến trẻ càng ngày càng xem sự giúp đỡ của cha mẹ là điều hiển nhiên. Tính cách này sẽ ăn sâu vào đầu con trẻ, khó dạy dỗ về sau. Khi con trẻ không biết quý sức lao động, thì dù là lớn lên được học hành đàng hoàng, trí thức, làm ra tiền, thì cũng không trân trọng những gì mà cha mẹ làm cho mình, không có khả năng tự giác, tự gánh vác, luôn sống ỷ lại khiến cha mẹ buồn phiền. Đây chính là hậu quả của việc cha mẹ đã dạy dỗ không nghiêm từ nhỏ.

“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, câu nói đó thật không sai chút nào. Khi trẻ nhận nhiều quả ngọt thì chúng sẽ không hiểu được ý nghĩa công sức của cha mẹ dành cho mình. Hãy cho trẻ tự làm lấy mọi việc và giúp trẻ từ xa, để trẻ hiểu rõ công việc ấy tốn công sức như thế nào. Bậc cha mẹ biết cho trẻ hiểu rõ giá trị của sức lao động từ nhỏ, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” mới là bậc cha mẹ thông thái.

Nhã Thanh

 

Từ Khóa: