Tại sao con cái lại nói dối, ngang ngược không hiểu lý lẽ như vậy? Tại sao lại ưa quậy phá như thế? Rốt cuộc những hành vi này các con đã học từ ai….

Có khi nào bạn từng hỏi chính mình rằng: Con cái sống với ai nhiều nhất? Thực sự không ai khác chính là cha mẹ, những người thân trong gia đình. Có khi nào bạn từng nghĩ làm sao mới “thân giáo” tốt nhất không? Thân giáo (lấy thân làm mẫu), cha mẹ và người lớn phải là tấm gương cho con cái học tập.

Để con cái trở thành như vậy, đó là sự thất bại lớn trong giáo dục gia đình. Vậy nên, cha mẹ nên lưu ý 8 điều sau đây:

1. Con trẻ nói dối chính là vì cha mẹ phản ứng quá mạnh đối với sai phạm của con

Khi con cái phạm sai lầm, nếu các bậc cha mẹ phản ứng quá mạnh, ví như chỉ chăm chăm quát mắng mà không phân tích đúng sai, điều này càng khiến cho trẻ sợ bị cha mẹ trách phạt. Từ đó, nếu lần sau không may tái phạm, chúng sẽ hình thành tâm lý nói dối để che đậy.

2. Con trẻ nhút nhát là vì cha mẹ giúp đỡ con quá nhiều

Có câu nói rằng: Giúp người con cá, không bằng dạy người cách câu. Làm cha mẹ thì giúp con không phải là thay con giải quyết vấn đề, làm thay con; cha mẹ hãy dạy con cách tự mình phân tích và xử lý vấn đề, đây mới là việc nên làm. Có như vậy sau này con cái trưởng thành mới có kỹ năng sống tự lập.

3. Con trẻ có tính đố kỵ là vì cha mẹ hay so sánh

So sánh, đây là hành vi của kẻ tiểu nhân, là hành động chỉ làm tổn hại tự thân mà thôi. Nếu như con trẻ suốt ngày bị cha mẹ mang ra so sánh với những đứa trẻ khác thì dần dần sẽ hình thành sự đố kỵ với tất cả mọi người, thậm chí chúng sẽ không trân trọng những gì bản thân mình đang có.

Nếu như con trẻ suốt ngày bị cha mẹ mang ra so sánh với những đứa trẻ khác thì dần dần sẽ hình thành sự đố kỵ. (Ảnh minh họa: makinlawoffice.com)

4. Con trẻ hay tức giận là vì cha mẹ không thường xuyên khích lệ

Không chỉ là trẻ em, là người lớn chúng ta cũng luôn mong muốn nhận được sự quan tâm của người khác. Vậy nên, là cha mẹ nên thường xuyên quan tâm khích lệ con trẻ đúng lúc. Nếu cha mẹ chỉ ‘quan tâm’ khi con gây sự hoặc tức giận, thì chúng sẽ ngày càng hay tức giận hơn, ngày càng hay cố ý phạm lỗi hơn để được cha mẹ quan tâm.

5. Con trẻ trở lên ngỗ ngược là vì… học từ cha mẹ, người thân

Trẻ con như tờ giấy trắng, chúng sẽ học hỏi rất nhanh, mới đầu thường sẽ hay bắt chước cha mẹ, người thân. Cha mẹ là những người gần gũi con cái nhất, vậy nên nếu cha mẹ có tính cách nóng nảy, hay thay đổi.. thì trẻ cũng sẽ rất mau chóng học theo mà trở nên ngỗ ngược.

6. Con trẻ không dám nói lên quan điểm của mình là vì sợ cha mẹ sẽ trách mắng

Có câu: Nghé con không sợ hổ.

Đứa trẻ mới sinh ra sẽ không biết sợ, tuy nhiên nếu như mỗi khi chúng đưa ra ý kiến của mình đều bị cha mẹ la mắng, phủ định thì dần dần cũng sẽ mất đi dũng khí của mình.

7. Con trẻ mất đi tính tự tôn là vì cha mẹ hay giáo huấn thay cho việc khích lệ động viên

Tự tin và tự tôn cũng như dũng khí, đều là những tính cách có thể bồi dưỡng hoặc hủy hoại. Thường xuyên động viên khích lệ con cái chính là cách nhanh nhất giúp trẻ phát triển sự tự tin, tính tự tôn của mình.

Con trẻ mất đi tính tự tôn là vì cha mẹ hay giáo huấn thay cho việc khích lệ động viên. (Ảnh theo plo)

8. Con trẻ không quan tâm tới cảm thụ của người khác là vì cha mẹ không quan tâm đến cảm thụ của con cái

Làm cha mẹ, theo lý là cần phải lấy thân làm mẫu, nếu như cha mẹ không quan tâm đến cảm thụ của con trẻ, thử hỏi trẻ làm sao có thể biết quan tâm đến cảm thụ của người khác đây?

***

“Thân giáo” – cha mẹ phải làm gương cho con, đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới việc giáo dục con cái. Muốn con trẻ trưởng thành tốt đẹp thì cha mẹ trước tiên phải sống làm gương cho con.

Vậy nên nếu như phát hiện con trẻ có hành vi sai lệch, thì việc đầu tiên cha mẹ nên làm không phải là trách mắng chúng, mà là tự hỏi lại chính mình: Phải chăng bản thân mình cũng hành xử chưa đúng chuẩn mực của bậc làm cha, làm mẹ?

Con trẻ sinh ra vốn như tờ giấy trắng tinh khôi, từng hành vi, lời nói của con chính là tấm gương phản chiếu của bản thân cha mẹ.

Theo cmoney.tw
Minh Vũ biên dịch