Trong thời đại công nghệ số, mọi người đang chuyển dần sang xem tin tức, giải trí bằng các thiết bị di động và rời xa những cuốn sách. Nhưng điều đó không làm mất đi văn hoá đọc sách của người dân xứ Phù Tang. Là một truyền thống lâu đời, người Nhật dùng thói quen đọc sách như một phương thức để giải trí, để tiếp thu kiến thức.
Những yếu tố làm nên thói quen đọc sách của người Nhật
Từ lâu người Nhật đã nổi tiếng là dân tộc đọc sách vào bậc nhất thế giới. Việc đọc sách đã ăn sâu bén rễ trong tâm hồn mỗi người dân Nhật Bản và trở thành bản sắc không thể phai mờ theo thời gian. Có rất nhiều lý do được đưa ra nhưng trong đó phải kể đến, bốn yếu tố cơ bản làm nên văn hoá đọc sách của người Nhật.
Yếu tố đầu tiên, nhưng vô cùng quan trọng, chính là truyền thống. Ngay từ thời cổ đại và trung đại, người Nhật đã có tinh thần chủ động học hỏi khi cử những sứ giả, nhà sư và học sinh có tài năng sang Trung Quốc du học và mang về các thư tịch quý hiếm, cần thiết cho phát triển văn hóa, xây dựng đất nước.
Dưới thời Edo (1603-1867), Nhật Bản đã có tỉ lệ người biết đọc, biết viết khá cao (nhiều học giả cho rằng vào thời gian này trên 50% người Nhật biết đọc biết viết). Ngành xuất bản thời Edo cũng rất phát triển với số lượng sản phẩm lớn và phong phú. Đặc điểm này có mối quan hệ mật thiết với sự thành công của Minh Trị Duy tân sau này. Trình độ “dân trí” cao với biểu hiện cụ thể là tỉ lệ người biết đọc biết viết nhiều là tiền đề quan trọng của cải cách mà các nước châu Á khác khi đó không có.
Yếu tố thứ hai là vai trò của chính phủ. Sau năm 1945, để phục hưng đất nước và phát triển văn hóa, giáo dục, chính phủ Nhật Bản đã có rất nhiều những biện pháp và chính sách cụ thể. Đặc biệt, việc Quốc hội Nhật Bản thông qua 2 bộ luật gồm “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” năm 2001 và “Luật chấn hưng văn hóa đọc” năm 2005 đã tạo ra hành lang pháp lý cho các hoạt động khuyến đọc ở mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản. Ngoài ra, dựa trên cơ sở của 2 bộ luật này, Nhật Bản đã lấy ngày 23/4 hàng năm là “Ngày trẻ em đọc sách”.
Yếu tố thứ ba là vai trò của trường học. Ở Nhật Bản, thư viện trường học được quan tâm và chúng đã tạo ra môi trường rất tốt cho học sinh đọc sách. Bên cạnh đó, những thực tiễn giáo dục khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo đã thúc đẩy hoạt động đọc sách của học sinh. Ngay từ khi học mẫu giáo, các giáo viên đã đọc sách cho học sinh nghe. Ở tiểu học, học sinh sẽ có giờ “đọc sách” riêng, bên cạnh các giờ học dành cho các môn giáo khoa. Những hoạt động này giúp cho học sinh có thói quen đọc sách và học theo kiểu nghiên cứu.
Yếu tố cuối cùng là vai trò của gia đình. Các bậc phụ huynh ở Nhật rất coi trọng việc giáo dục con cái. Họ ý thức được rằng Nhật Bản là một nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên và có môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, vì vậy để có thể tồn tại và sống tốt trong xã hội, cá nhân cần phải có trí tuệ thông qua học hành. Chính vì vậy, việc xây dựng tủ sách gia đình, đọc sách cho con nghe, hướng dẫn con đọc sách tại gia đình đã trở thành lẽ đương nhiên. Trẻ em ở trong các gia đình Nhật Bản được đọc sách khá sớm.
Văn hoá đọc của người Nhật ngày nay
Ngày nay, khi nền kinh tế phát triển, sự ra đời của công nghệ, điện thoại thông minh…làm cho con người dần quên thói quen đọc sách. Thế nhưng, người Nhật vẫn thích đọc sách, yêu giá trị tri thức trong từng quyển sách. Trên các tuyến đường tàu điện, luôn có rất nhiều người cầm quyển sách để đọc trong thời gian di chuyển. Họ đọc sách ngay cả khi phải đứng trong suốt cả chặng đường dài, trên một con tàu thường xuyên lắc lư. Thậm chí, hình ảnh những người vô gia cư chăm chú đọc sách tại các gầm cầu hay công viên cũng không phải là điều hiếm thấy tại quốc gia này.
Tại một đất nước yêu sách như Nhật Bản, những cửa hàng sách có mặt khắp mọi nơi. Thậm chí, ở những đường hầm dưới mặt đất có rất nhiều cửa hàng sách nhỏ, vào giờ nghỉ trưa, nhiều người lao động Nhật Bản tranh thủ tản bộ qua đây, tìm cho mình một quyển sách ưng ý. Theo kết quả điều tra của Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản, trung bình một người Nhật đọc 12-13 cuốn sách/năm (2016). Thời điểm đọc sách được ưa chuộng nhất là khi rảnh rỗi ở nhà, hoặc trước khi đi ngủ.
Thời gian gần đây, những người cao niên ở Nhật Bản lo ngại thói quen đọc sách sẽ bị thay thế bởi máy tính, iphone, ipad… trong giới trẻ. Tuy nhiên, theo công bố, doanh thu kỷ lục tại cửa hàng bán sách lớn nhất Nhật Bản là 113 tỷ yên (năm 2013) thì vấn đề này không đáng lo ngại. Bên cạnh đó, theo thống kê tại Nhật, số lượng sách, tạp chí được phát hành tăng đều đặn trong suốt 10 năm gần đây với tốc độ 7% mỗi năm, một tỷ lệ đáng mơ ước của nhiều quốc gia khác.
Ở Nhật Bản còn có nhiều hội đoàn ra đời từ phong trào đọc sách và lãnh đạo phong trào đọc sách. Chẳng hạn như Hội đọc sách Nhật Bản (The Japanese Reading Association). Tổ chức này được lập ra với mục đích nghiên cứu, tiếp cận việc đọc sách dưới góc độ khoa học để từ đó công bố các kết quả nghiên cứu hỗ trợ cho văn hóa đọc ở Nhật Bản.
Thú vị hơn nữa là ở Nhật Bản, người ta còn sử dụng đọc sách như là một liệu pháp điều trị những căn bệnh có liên quan đến tinh thần, tâm lý như trầm cảm, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên… Hội liệu pháp đọc sách Nhật Bản (The Japanese Biliotherapy Association) là nơi tập hợp những người ủng hộ và áp dụng liệu pháp điều trị này.
Sách luôn là kho tàng tri thức quý giá của nhân loại. Chính thói quen đọc sách đã tạo nên một nét đẹp văn hoá truyền thống của Nhật Bản, tạo nên những con người có phẩm chất và tri thức vượt trội. Nét đẹp này, không phải chỉ để ngưỡng mộ mà nó rất đáng để chúng ta học tập.
Tâm Liên