Chúng ta vẫn nghĩ rằng ‘máu rồng’ dường như chỉ tồn tại trong truyền thuyết hoặc trong những bộ phim giả tưởng, tuy nhiên, nó thực sự có mặt trong cuộc sống này của chúng ta. Nó là một chất được tìm thấy ở một số loài thực vật và được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực.
Máu rồng là một chất keo màu đỏ tươi được làm từ một số loại cây ở nhiều nơi khác nhau, bao gồm cây khổ sâm, cây huyết dụ, cây chi mây, cây bạch đậu khấu (calamus rotang) và cây giáng hương.
Tuy nhiên, vào thời xa xưa người ta thường nhầm lẫn về nguồn gốc và đặc tính của máu rồng.
Trong một vài từ điển bách khoa toàn thư cổ đã khẳng định về nguồn gốc của máu rồng là máu của những con voi hay những con rồng đã chết trong trận chiến. Người La Mã cổ thường hay nhầm lẫn giữa nhựa của nhiều loài cây huyết dụ với máu rồng thật và một loại khoáng chất vô cùng độc là cinnabar (thủy ngân sunfua).
Ở Trung Quốc thời cổ đại, người ta hầu như không phân biệt các loại máu rồng của các loài thực vật khác nhau.
Những khách du lịch đến quần đảo Canary vào thế kỉ 15 đã thu được những giọt nhựa của cây Dracaena draco, một loại cây bản địa của quần đảo Canary và Morocco, có màu đỏ của ngọc hồng lựu.
Loại nhựa này rỉ ra từ thân cây hoặc những cành cây bị thương. Máu rồng cũng thu được bằng phương pháp tương tự từ loài Dracaena cinnabari, một loài cây thổ địa của Socotra. Loại nhựa cây này đã được bán sang Châu Âu qua con đường hương liệu.
Máu rồng cũng được sản xuất từ cây mây Rotang của giống cây Daemonorops thuộc quần đảo Indonesia và được biết đến dưới tên jerang hay djerang. Nó được thu thập bằng cách phá vỡ lớp nhựa màu đỏ bao phủ trái cây chưa chín của cây mây. Loại nhựa thu được sau đó được vê tròn và phơi khô trước khi được bán.
Máu rồng đã được sử dụng như thuốc nhuộm, sơn màu và dược liệu chuyên dùng để điều trị các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa ở lưu vực Địa Trung Hải, và được người Hy Lạp, La Mã, và Ả Rập cổ đại chế tác thành thuốc. Pedanius Dioscorides, nhà vật lý, dược sỹ và các nhà văn Hy Lạp thời xưa khác đã mô tả công dụng dược liệu của nó.
Người dân địa phương của thành phố Moomy trên đảo Socotra sử dụng nhựa cây Dracaena như một loại thuốc chữa bệnh, ví dụ chữa lành các vết thương thông thường hoặc sử dụng nó như một chất làm đông máu, chữa bệnh tiêu chảy, hạ sốt, bệnh kiết lỵ. Nhựa của loài cây này có thể uống để điều trị các triệu chứng như loét miệng, viêm họng, loét ruột và dạ dày. Bên cạnh đó, nó còn là thuốc kháng vi-rút cho các vi-rút đường hô hấp và các chứng rối loạn về da như chàm bội nhiễm. Nó cũng được sử dụng trong phép thuật nghi thức thời trung cổ và thuật giả kim.
Máu rồng được bào chế từ cây Dracaena draco, thường hay được gọi là cây cọ rồng và cây Dracaena cinnabari đã được những nghệ nhân chế tác đàn violin dùng làm véc-ni vào thế kỉ 18. Bên cạnh đó, vào thế kỉ 18 cũng có một loại công thức kem đánh răng có chứa máu rồng. Cho đến ngày nay, máu rồng vẫn được dùng làm chất đánh bóng cho đàn violin, trong ảnh bản kẽm, là một loại nhựa để làm hương trầm, và làm dầu dưỡng thể.
Máu rồng được điều chế từ các loại cây loài Daemonorops đều được sử dụng trong các lễ hội ở Ấn Độ. Còn ở Trung Quốc, đôi khi họ sử dụng nhựa cây Dracaena, nhưng đa phần là sử dụng nhựa loài cây Daemonorops để làm chất đánh bóng màu đỏ cho đồ gỗ. Nó cũng được sử dụng để tạo màu cho bề mặt của giấy viết, các biểu ngữ và áp phích, được sử dụng riêng cho đám cưới và cho năm mới của Trung Quốc.
Trong những câu chuyện cổ của người Mỹ, Phi-Mỹ và New Orleans, máu rồng còn được cho thêm vào mực để tạo ra “mực máu rồng”, một chất liệu được dùng để vẽ dấu phép thuật hoặc để vẽ bùa.
Trong y học dân gian, máu rồng được sử dụng ngoài da như một chất tẩy rửa để làm lành vết thương và để ngăn ngừa chảy máu. Nó được sử dụng để uống khi bị đau ngực, chảy máu sau khi sinh, nội thương và kinh nguyệt thất thường.
Theo Thevintagenews
Tuệ San biên dịch
Xem thêm:
- 10 bí ẩn kinh ngạc về thực vật chứng tỏ chúng có ý thức như động vật
- Thí nghiệm: Thực vật có tồn tại ý thức, trí thông minh, thậm chí khả năng siêu cảm?
- Phim tài liệu về hoa hậu muốn ‘chui vào hang cọp’ được công chiếu tại New York