Trang Brightside mới đăng tải một ví dụ về dạy con thú vị và có nhiều nét khác biệt. Thay vì điều chỉnh hành vi của con bằng la hét, quát mắng, người mẹ trẻ tập điều chỉnh thái độ và hành vi của chính mình. Kết quả thu được khiến cô bất ngờ và mong muốn tiếp tục. 

Angelina Ivakhno, mẹ cậu bé 4 tuổi Michael đã chia sẻ những trải nghiệm quý báu của mình trong 14 ngày cô áp dụng phương pháp dạy con mới. Để nuôi dạy câu bé 4 tuổi tinh nghịch của mình, Angelina đã tự mình tìm hiểu nhiều tài liệu. Bên cạnh đó, cô còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn những lời khuyên mang tính tổng quát như “Hãy buông bỏ sự tức giận của bạn”, “Hãy đặt mình ở vị trí của con”…, cô muốn có một phương pháp cụ thể hơn để thực sự áp dụng mỗi ngày. 

Qua một nghiên cứu khoa học, Angelina nhận ra rằng sự quát mắng và la hét của cô có tác dụng tiêu cực đến con trai. Theo giải thích của các nhà chuyên môn, mỗi lần cha mẹ nâng cao tông giọng sẽ khiến trẻ có xu hướng trở nên hung hăng hơn, thu mình lại và cảm thấy không an toàn. Bên cạnh đó, tức giận và la hét con cũng làm tăng nhanh sự căng thẳng ở các bậc cha mẹ trong cuộc sống thường ngày.

Angelina bắt đầu đặt câu hỏi giống những cha mẹ khác: “Liệu cô có thể nói chuyện với con một cách ôn hòa, không có những tiếng la hét và những lời quát mắng?”. Cô thật sự không muốn la mắng Micheal vì con là một đứa trẻ hiểu chuyện và tự lập. Tuy nhiên la mắng con đã trở thành thói quen của mẹ. Đó là lý do, Angelina quyết tâm học cách kiểm soát thái độ của mình. Cô cho mình hai tuần để thử nghiệm và trong thời gian đó, cô sẽ viết nhật ký lại quá trình sửa đổi sự nóng nảy của mình một cách chi tiết. 

Hai mẹ con Angelina và Micheal. (Ảnh: Brightside)

Để khởi đầu, cô đã vạch ra danh sách những điều nhất định phải tuân thủ, bao gồm:

  • Để con trai đánh giá thái độ của mẹ với con thông qua những miếng dán. Nêu hôm nay, Micheal cảm thấy được mẹ tôn trọng, cậu bé sẽ đặt một miếng dán vào biểu đồ mà mẹ lập sẵn.
  • Tạo một biểu đồ nơi ghi chú lại tất cả những lần cô tức giận với con kèm theo nguyên nhân cụ thể. 
  • Khi thực sự muốn la hét, cô sẽ thì thầm điều đó với con.
  • Nếu cảm thấy mình sắp hét lên, phải đợi 10 giây rồi mới bắt đầu tiếp cuộc trò chuyện
  • Nhận biết những dấu hiệu cảnh báo bản thân đang tức giận: nắm chặt tay, nghiến răng, nóng bừng. Khi nhận ra những dấu hiệu này, sẽ giữ im lặng đến khi trở lại trạng thái bình thường. 
  • Thay vì hét lên có thể dử dụng đến việc vỗ tay. 
  • Để hỗ trợ cho quá trình học cách sửa bỏ sự tức giận của mình, Angelina còn vẽ lên tay mình biểu tượng cái loa “ở chế độ im lặng” để tự nhắc nhở mình trong những ngày đầu tiên. Cô cũng tự cam kết với mình không dùng đến những cách giao tiếp tiêu cực khác như dọa nạt con. 

Sau khi thiết lập danh sách này, người mẹ trẻ quyết định bắt đầu ngay vào thứ 5 để tránh sự trì hoãn. Và dưới đây là tóm tắt hành trình 14 ngày sửa đổi bản thân của bà mẹ trẻ:

Ngày 1: Tất cả mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Angelina rất phấn khích vì những thay đổi trong tương lai. Cô đã hoàn toàn không hề cao giọng trong ngày hôm đó và luôn để mắt tới tâm tính và hành vi của mình trong cả ngày. Tuy nhiên, như cô đã hình dung, mọi thay đổi không bao giờ là dễ dàng. 

Biểu tượng để nhắc nhở bản thân và bảng biểu ghi lại những lần tức giận của người mẹ trẻ. (Ảnh: Brightside)

Ngày 2: Micheal đã nhận ra hình ảnh chiếc loa trên tay mẹ. Cậu bé cũng muốn có một biểu tượng như thế. Angelina đã vẽ cho con hình cái tai lên bàn tay. Nhưng trong lúc chơi với bố, cậu bé bắt đầu khóc và than thở về hình vẽ trên tay mình. Điều này khiến Angelina cảm thấy mất bình tĩnh, nhưng cô đã cố gắng giữ vững. Đồng thời những câu hỏi của con cũng khiến cô nhìn lại chính mình. 

Ngày 3 – 4: Hệ thống đánh giá hành vi của hai mẹ con hoàn toàn không hoạt động. Micheal còn quá nhỏ để hiểu về việc đánh giá này, cậu bé chỉ thích làm công việc dán những miếng dan. 

Ngày 5: Những khó khăn thực sự bắt đầu. Micheal bắt đầu mè nheo và than thở nhiều hơn. Tuy nhiên, Angelina đã đứa ra một quy ước mới: “Cô sẽ chỉ tiếp tục cố gắng không quát mắng nếu con cũng tập kiềm chế sự mè nheo của mình”. Và quy ước này đã phát huy tác dụng. Cậu bé dần học cách bình tĩnh đưa ra những yêu cầu của mình và hạn chế cách nói dỗi với tông giọng khó chịu. Thêm vào đó người mẹ trẻ nhận ra, con trai cô cũng tiếp nhận những yêu cầu của mẹ một cách nhẹ nhàng và tự nguyện hơn khi cô truyền đạt chúng một cách bình tĩnh, ôn hòa. 

Micheal đã bớt mè nheo và chịu đối thoại khi mẹ không la mắng thường xuyên nữa. (Ảnh: Brightside)

Ngày 6: Cậu bé trêu chọc mẹ quá đà khiến Angelina phải đếm từ 1 đến 10 để giữ được bình tĩnh. Cô yêu cầu con không tiếp tục lặp lại hành động đó, Micheal đã nghe lời. 

Ngày 7: Người mẹ trẻ nhận ra trong cuộc sống của gia đình họ đã bớt hẳn những tiếng quát tháo và la hét. Cô chỉ còn cao giọng khi gọi tên con. Nhưng điều đó nhanh chóng được thay bằng những tiếng vỗ tay.

Ngày 8: Đây là cột mốc đánh dấu sự thất bại nghiêm trọng đầu tiên trong hành trình loại bỏ sự nóng nảy của Angelina. Cô đã không thể giữ được sự bình tĩnh để làm “một phụ huynh ôn hòa” khi nhìn thấy thành quả của con trai trong cuốn vở bài tập về nhà. 

Đây là trang vở khiến Angelina quay trở lại bực tức vào những ngày gần cuối cuộc thử nghiệm. (Ảnh: Brightside)

Ngày 9: Cô cảm thấy rất hối hận về thái độ của mình ngày hôm trước. Angelina cảm thấy rất khó khăn để tiếp tục hành động đúng mực sau thất bại vừa qua. 

Ngày 10: Nhưng mọi khó khăn không kéo dài lâu. Ngày thứ 10 là dấu mốc đáng khích lệ khi không có một tiếng la hét nào xuất hiện. Người chồng bận rộn của Angelina cũng ngạc nhiên trước sự tiến bộ và ôn hòa trông thấy của con trai. 

Ngày 11: Thiếu vắng những tiếng la hét của mẹ, Micheal bắt đầu học cách đối thoại (tuy vẫn còn chút miễn cưỡng). Cậu bé bắt đầu đồng ý thỏa hiệp và trình bày những mong muốn của mình. Con cũng bắt đầu cố gắng đặt những câu hỏi: “Liệu mẹ có phiền nếu con bật điều hòa không?”. Thái độ của con trai khiến Angelina ngập tràn hạnh phúc. 

Cậu bé đã có thể thoải mái chia sẻ đồ ăn ngon của mình. (Ảnh: Brightside)

Ngày 12: Đến gần cuối cuộc hành trình, Angelina mới có thể áp dụng lời khuyên của chuyên gia “thay những la hét bằng sự thì thầm với trẻ”. Hôm đó, cô đang cố gắng giải thích với Micheal mình rằng không thể nói với người lạ rằng họ bốc mùi. Tuy nhiên cậu bé đang tập trung vào chiếc xe đồ chơi của mình và không để ý tới những lời giải thích của mẹ. 

Nếu theo đúng thói quen, Angelina sẽ bắt đầu la hét để lôi kéo sự chú ý của con. Tuy nhiên, lần này cô đã làm khác. Cô ghé sát vào Micheal và thì thầm lời giải thích vào tai con. Kết quả là, cậu bé ngay lập tức tham gia cuộc trò chuyện, đồng thời đưa ra những câu hỏi về cách ứng xử với những người không quen biết. Kể từ đó, những tình huống khó tương tự cũng được giải quyết. 

Ngày 13: Khi chuẩn bị đến với sự tự tổng kết cuối cùng, Angelina vấp phải một thất bại lớn khác. Micheal không chịu đi chiếc xe đạp mà cậu bé mất 1 tháng để xin bố mẹ mua. Điều này khiến Angelina khó hiểu và bắt đầu la hét trở lại mỗi khi nhắc đến vấn đề này. Bởi nó khiến cô bực bội suốt nhiều ngày. Cô đã tìm được giải pháp tạm thời, mỗi lần cảm thấy “cơn giận” quay lại, cô sẽ để con trai nói chuyện với bố và tách mình ra khỏi hoàn cảnh. 

Ngày 14: Hai tuần luyện tập của Angelina chính thức kết thúc với 2 lần thất bại lớn. Tuy nhiên với cô, đây lại là một lần học hỏi thành công, bởi chí ít cô đã làm rõ được rất nhiều điều trong bản thân mình. 

Dưới đây là tổng kết trải nghiệm và chiêm nghiệm của người mẹ trẻ sau hành trình tự sửa đổi mình: Cô đúc rút được kinh nghiệm hành vi của con là sự phản ánh thái độ của cha mẹ. Khi Angelina la hét hay quát mắng con, trong 80% những trường hợp này con của cô cũng có thái độ và phản ứng tiêu cực tương tự. 

Nhưng từ khi cô có thể kiềm chế sự cao giọng của mình, con trai Micheal của cô cũng trở nên bình tính hơn, cậu bé cũng học cách phản ứng ngoan hơn trước những điều con không thích. Cậu bé chỉ còn rên rỉ một vài lần trong ngày. Vậy nên Angelina rất khuyến khích các bậc cha mẹ suy nghĩ và nghiêm túc điều chỉnh chính mình trong cách giao tiếp với trẻ, để dạy con một cách hiệu quả hơn mà không làm tổn thương trẻ cũng như mối quan hệ tình cảm với con. 

Điều quan trọng để dạy con tốt là sự tự sửa đổi và điều chỉnh chính mình của các bậc phụ huynh. Bởi bạn chính là tấm gương để những đứa trẻ ngây thơ và trong sáng học theo. Khi bạn có thể sửa đổi chính mình, bạn sẽ giúp con sửa đổi những hành vi không phù hợp của con bằng kinh nghiệm thực tế, chứ không phải bằng sự áp chế hay đe dọa. 

Sau khi theo dõi thí nghiệm này, bạn có suy nghĩ gì? Nếu bạn thấy hứng thú và đồng tình với ý kiến của cô, bạn có thể tham khảo thêm cuốn sách “Rèn cha rồi mới rèn con” – Tập 1 (Nhà xuất bản Lao động) của tác giả  Laura Markham. Trong cuốn sách này, tác giả đã chỉ ra bí quyết nuôi dạy con cái của những bậc cha mẹ ôn hòa. Họ không phải “vật lộn” với những đứa trẻ của mình để chúng trở thành những người tốt. 

Cuốn sách giúp những bậc cha mẹ mong muốn sửa mình để dạy con được tốt hơn. (Ảnh dẫn theo: Dân Trí)

Một trong những nguyên tắc nền tảng của cuốn sách này cũng chính là “điều chỉnh bản thân cha mẹ trước, thay vì chỉ chăm chăm vào uốn nắn những sai lệch của trẻ”. 

Để kết thúc, câu chuyện của người mẹ trẻ Angelina này còn giúp các bậc phụ huynh có một bài học quý, chính là: Học phải đi đôi với hành. Không phải việc đọc sách hay đi tư vấn bác sỹ đã giúp cô đạt được mục đích, mà chính quyết tâm và sự nghiêm túc thực hành những lời khuyên đã giúp cô hiểu bản thân, từ đó thay đổi được hành động của mình. Sự thay đổi tích cực của con trai cũng đến từ chính những nỗ lực sửa mình của cô. 

Hy Văn