Đây là một câu chuyện về người bố đã giúp con trai mình trở thành trò giỏi từ một cậu bé luôn bị điểm kém ở trường – qua lời kể của chính cậu bé. Một phương pháp giáo dục trẻ ngược đời nhưng hiệu quả!

Trước khi tôi kết thúc tiểu học, cả gia đình tôi đã tới Mỹ. Tại đây tôi bắt đầu học cấp hai, và trở thành một đứa trẻ nghịch ngợm. Tôi là mối lo ngại cho tất cả giáo viên ở trường: nghịch ngợm, học kém, và hay mơ màng.

Tôi ước mơ trở thành Michael Schumacher, một tay đua công thức một nổi tiếng thế giới với nhiều thành tích rực rỡ trong sự nghiệp dù không mấy thành công trong việc học hành. Chính vì thế, cuối cùng, điểm số học tập của tôi chỉ còn là những con C (Trong hệ thống giáo dục ở Mỹ, học sinh đạt điểm A B C D và F, phân loại dựa trên thang điểm 100, F cũng tương đương với điểm 0 ở Việt Nam).

Bố lừa con trai trở thành trò giỏi
(Ảnh: Eftm.com.au)

Thế rồi một ngày, bố tôi gọi tôi đến để nói chuyện về tình hình học tập ở trường, với một nụ cười ranh mãnh trên môi. Ông nói: “Cô giáo nói với bố rằng con mơ trở thành một Michael Schumacher tiếp theo và không muốn học tập, phải không?

Tôi nhận ra giọng điệu chế giễu trong lời ông, và điều đó khiến một đứa trẻ 14 tuổi bị tổn thương lòng tự trọng. Tôi trả lời với vẻ khó chịu: “Schumacher là thần tượng của con; anh ấy rất giống con, học kém, và thậm chí là đạt điểm 0 ở tuổi con. Nhưng hãy nhìn xem, giờ anh ấy là tay đua nổi tiếng nhất thế giới.

Bố lừa con trai trở thành trò giỏi
(Ảnh: Frontiersmag.wustl.edu)

Bố tôi cười lớn, và điều đó càng khiến tôi cảm thấy bất ổn. Ông nói: “Anh ta đã đạt điểm 0, nhưng con trai à, con thì chưa bao giờ đạt được điều đó.” Quả thật, bố đưa bảng điểm cho tôi xem, và tôi luôn dừng lại ở điểm C!

Thật kỳ lạ, tôi không tin vào tai mình nữa, một ông bố lại cười cợt con mình vì nó chưa được điểm 0. Phương pháp giáo dục trẻ kiểu gì thế này? Tôi bực bội nói: “Thế bố mong con được 0 điểm lắm hả?

Ông dựa vào ghế, cười và trả lời: “Đúng vậy đấy! Chúng ta đánh cược thử xem…

Nếu con đạt 0 điểm, bố sẽ không bao giờ nói gì về việc học của con nữa, và con có thể làm những gì mình thích. Tuy nhiên, cho đến khi con làm được như vậy, con phải tuân theo yêu cầu của bố. Con thấy thế nào?

Và thế là tôi và bố đã vỗ tay để đồng ý.

Tôi cười thầm trong bụng vì sự “đáng yêu” của ông. Bố tôi nói thêm: “Tuy nhiên, vì chúng ta đang nói tới bài kiểm tra, nên cũng phải tuân thủ một số quy tắc. Con phải trả lời tất cả câu hỏi, và không được bỏ trống một câu nào, nếu không thì sẽ không được tính.” Thật dễ dàng, tôi nghĩ và trả lời: “Không vấn đề!

Bố lừa con trai trở thành trò giỏi
(Ảnh: Crafthubs.com)

Không lâu sau đó, tôi có một bài kiểm tra, và bắt đầu trả lời câu hỏi. Để được điểm 0 thật là dễ, mà thật ra tôi còn chẳng hiểu một nửa số câu hỏi nữa là…

Ai là tổng thống Mỹ trong cuộc chiến chống Phát xít vào chiến tranh thế giới thứ II: Carter, Roosevelt hay là Eisenhower?” Tôi biết đó là Roosevelt nhưng cố tình khoanh Eisenhower. Tôi cũng biết câu trả lời cho một số câu hỏi, còn với câu không biết thì tôi sẽ đoán.

Sau khi ra khỏi phòng kiểm tra, tôi chợt cảm thấy lo lắng: được điểm 0 thật không dễ chút nào. Nếu đoán bừa thì tôi có thể sẽ khoanh vào câu trả lời đúng. Thật vậy, trong bài kiểm tra đó tôi đã được điểm C. Bố tôi lại khích thêm: “Cố mà được 0 điểm đi con. Lúc đó con sẽ tự do muốn làm gì tùy thích!

Tôi nghĩ thầm, dù sao thì được 0 điểm cũng dễ hơn so với được 100 điểm. Rồi tôi có cơ hội trong bài kiểm tra thứ hai, rồi thứ ba… Tất cả là điểm C. Tôi nhận ra rằng để được 0 điểm, mình phải học để biết câu trả lời đúng. Chỉ có như vậy tôi mới không tích nhầm vào nó.

Một năm sau đó, tôi đã được điểm 0 lần đầu tiên. Cũng có nghĩa là… tôi biết câu trả lời đúng cho tất cả các câu hỏi, và cố ý chọn sai. Bố tôi đã rất vui mừng khi nhận được điểm 0 đó, và vào bếp nấu món tôi thích. Ông nói một cách tự hào: “Con trai, chúc mừng nhé! Cuối cùng con đã có được điểm 0“. Bố nháy mắt hóm hỉnh: “Chỉ có ai giỏi nhất mới có thể đạt 0 điểm. Có lẽ con cũng đã nhận ra rồi. Bị lừa rồi nhé!

Đúng vậy, bố đã lừa tôi. Trong trò cá cược này ông mới là người thắng. Đạt 100 điểm hay 0 điểm đâu có gì khác biệt. Giáo dục trẻ cũng cần sáng tạo chứ không nên chỉ cứng ngắc một đường lối.

Bố lừa con trai trở thành trò giỏi
Hai “nhân vật chính” của câu chuyện (Ảnh: Mf-china.com.cn)

Những gì xảy ra tiếp theo ư? Cuối cùng sau những năm học tập cố gắng, tôi được nhận vào Harvard, học xong thạc sĩ, và đang tiếp tục để nhận bằng tiến sĩ. Tôi đã viết sách và dịch sách. Tôi đã đạt được những giải thưởng trong âm nhạc…

Thật ra khi tôi bước sang tuổi 18, tôi đã không còn muốn trở thành một Michael Schumacher thứ hai nữa. Tôi chỉ muốn làm chính mình.

Theo Monica Song và Kathy McWilliams, VisionTimes
Quang Minh

Xem thêm: