Kiếm được một công việc ổn định với thu nhập 15 triệu đồng một tháng là mơ ước của rất nhiều sinh viên mới ra trường. Ấy vậy mà, cô gái trẻ xứ Nghệ Lê Thị Khởi lại chọn cho mình một hướng đi khác, gian nan và “viển vông” hơn rất nhiều. 

Cô gái mạnh mẽ này vừa tốt nghiệp khoa biên kịch Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Như bao người trẻ khác, khi cầm tấm bằng cử nhân trong tay, Khởi cũng đi khắp nơi tìm một công việc. Sau một chặng đường tìm kiếm, những hạt mầm của may mắn đã nở trên mảnh đất “cố gắng mỗi ngày” của cô gái trẻ. Khởi tìm được một công việc đúng chuyên môn trong một công ty tư nhân ở Hà Nội, cùng mức lương khởi đầu mơ ước.

Tuy nhiên, không như tưởng tượng của nhiều người, cô quyết định nghỉ làm ở công ty để về lập nghiệp ở quê nhà tại làng Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trước sự ngỡ ngàng của nhiều bạn bè và người thân. Khởi khi ấy đã ấp ủ một dự án làm đồ thủ công để mang lại công ăn việc làm cho những người khuyết tật trong ngôi làng nhỏ của cô. Nhìn cô gái hoạt bát, lanh lợi, không ai có thể nghĩ rằng, cách đây hơn bốn năm, Khởi đã trải qua một cuộc phẫu thuật tim sinh tử để dành lại sự sống. Việc đối diện với cái chết giúp cô gái hiểu giá trị của từng ngày được sống. Và đó cũng là lý do khiến cô thấu hiểu ước mong được làm việc, được sống tốt của những người cùng hoàn cảnh.

Chân dung người con gái mạnh mẽ xứ Nghệ (Ảnh dẫn qua: giaducthoidai)

Nhờ vào kinh nghiệm làm thêm trong một nhà trẻ quốc tế, Khởi biết đến các sách giáo dục dành cho trẻ em từ 2 đến 10 tuổi. Loại sách này chủ yếu để giúp những đứa trẻ vừa chơi, vừa làm quen được với hình ảnh của đồ vật, màu sắc và chữ cái. Thiết kế của chúng thường đơn giản nhưng rất sinh động. Nhận thấy trên thị trường hiện nay, loại sách này được sản xuất nhiều nhưng chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp. Khởi nảy ra ý tưởng, cô sẽ mở một xưởng sản xuất nhỏ để tạo ra những cuốn sách hữu ích này, nhưng sách của cô sẽ được thiết kế và chế tạo một cách thủ công.

Nghĩ là làm, Khởi đi vay vốn ở nhiều nơi, nhưng không ai đồng ý hỗ trợ cho ý tưởng này của cô. “Viển vông”, thiếu thực tế là những lời nhận xét mà Khởi thường xuyên nhận được. Nhưng chúng không làm Khởi nản chí, cô có một niềm tin vững chắc vào dự án của mình. Niềm tin ấy bén rễ từ những hạt giống đặc biệt bên trong tâm hồn cô gái: Một là lời hứa của Khởi với những người bạn ấu thơ, một nữa là đến từ chính những trăn trở, lo lắng cho trái đất của cô gái bé nhỏ.

Cô gái đã tìm ra một con đường vừa tạo được việc làm cho người tàn tật, vừa giải quyết được trăn trở của bản thân với sức khỏe của địa cầu (Ảnh dẫn qua : Tri thức trẻ)

Khởi kể, ngày còn bé, hình ảnh bốn đứa trẻ nhà O Hiển – hàng xóm của Khởi ngồi cặm cụi cắt dán cả ngày đã hằn sâu vào kí ức thơ bé của cô. Các em nhỏ ấy đều là nạn nhân của chất độc màu da cam. Chúng không được đến trường, cũng không thể chạy nhảy, vui chơi như bạn bè đòng trang lứa. Các em chỉ có cây kéo và các mảnh bìa để chơi suốt cả ngày dài.

Khởi thường qua chơi với các em, rồi cô có hứa, sẽ tạo ra một sản phẩm thủ công có dùng đến cắt dán như thế này. Khi ấy các em sẽ có thể tham gia, có thể làm việc và tự mình kiếm sống như bao người bình thường khác. Lời hứa ấy vẫn được Khởi giữ trong tâm, chỉ có điều cuộc sống nơi phố thị cứ cuốn cô đi, cho đến một ngày. Khởi nhận được tin nhắn của một trong những đứa con của O Hiển, hỏi rằng chị Khởi ơi, bao giờ chị có thể thực hiện dự án giúp chúng em có thể làm việc? Tin nhắn ấy giống như giọt mưa xuân, đánh thức lời hứa ngày nào. Khi ấy, Khởi biết đã đến lúc cô phải làm một điều gì đó.

Cắt dán đã trở thành một hoạt động in sâu trong kí ức tuổi thơ của Khởi (Ảnh dẫn qua: Tri Thức Trẻ)

Khi không vay được vốn từ bên ngoài, ý tưởng của cô cũng không được ai ủng hộ, Khởi đã may mắn nhận được sự đồng lòng của mẹ. Khi Khởi ngỏ ý xin mẹ bán đi một phần đất để lấy vốn thực hiện dự án, cô gái không ngờ, mẹ đã đồng ý. Bà Lê Thị Khuyên mẹ của Khởi tâm sự với báo Dân Trí rằng, lúc đầu bà cũng lo lắng vì không hiểu rõ những điều con sắp làm, nhưng vì bà chỉ có mình Khởi, nên bà quyết định đặt niềm tin nơi cô, có gì nếu thành công thì hai mẹ con cùng hạnh phúc, còn rủi có thất bại, thì Khởi vẫn có mẹ đồng hành.

Có được số vốn 140 triệu động mẹ đầu tư, Khởi mua sắm những trang thiết bị cần thiết, vì làm đồ thủ công nên máy móc cũng không quá phức tạp, và nguyên liệu để sản xuất sách lại vô cùng tiết kiệm. Bởi Khởi quyết định sẽ làm ra những cuốn sách này từ … rác. Cô quan sát thấy trong làng hiện giờ có rất nhiều vỏ hộp bánh kẹo, thuốc tây bị vứt đi. Nhưng trên thực tế, chúng còn có thể tái sử dụng. Những hình ảnh và màu sắc đa dạng của vỏ hộp rất thích hợp với yêu cầu tạo được sự sinh động của các cuốn sách dành cho trẻ nhỏ. Ý tưởng này khiến Khởi vô cùng hạnh phúc, bởi đã từ rất lâu rồi, vấn đề sức khỏe của trái đất, sự tăng nhanh và mạnh của ô nhiễm môi trường đã trở thành một phần những trăn trở lớn nhất của cô.

Khởi chịu trách nhiệm thiết kế những trang sách (Ảnh dẫn theo: Tri thức trẻ)
Những cuốn sách rực rỡ được làm từ …rác (Ảnh dẫn theo:giaoducthoidai)

Khởi là người thiết kế sách, còn khâu cắt dán và hoàn thành sản phẩm sẽ do những người khuyết tật làm việc cùng cô thực hiện. Công việc chủ yếu của họ sẽ là cắt dán những hình ảnh sinh động trên các vỏ hộp, hoặc những hình theo chỉ dẫn của Khởi để làm nguyên liệu cho cuốn sách. Khởi đã mời được hai người khuyết tật tới làm việc trong xưởng của mình.

Khởi chia sẻ việc dạy cho hai người khuyết tật làm việc không hề là một điều dễ dàng. Cô đã phải hướng dẫn cẩn thận, cầm ta chỉ việc cho từng người thợ trong vòng hai tháng, để họ có thể thao tác thuần thục và chuẩn xác đúng như yêu cầu của việc làm sách. Để thành thạo việc cắt dán không khó đối với người bình thường, nhưng đối với những người khuyết tật, đó là cả một quá trình của nỗ lực và kiên trì.

Công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, đòi hỏi thời gian để thành thục (Ảnh dẫn theo: giaoducthoidai)

Cô kể, hai người thợ trong xưởng của cô đều là người làng. Nhưng vì bệnh tật nên họ không có việc làm, trước đây chỉ biết lang thang đầu làng cuối xóm. Từ khi được cô mời về làm, ngày hai bữa, hai người chăm chỉ tới nhà Khởi để cắt cắt dán dán. Bước đầu, cô chỉ mới trả được cho mỗi người 1 triệu đồng một tháng. Số tiền tuy nhỏ nhưng cũng là một khoản, giúp cho hai người tật nguyền ấy đóng góp cho gia đình.

Hơn thế nữa, từ khi đi làm, Khởi nhận thấy ở hai người thợ của mình sự nỗ lực và cố gắng rất lớn. Cả hai đều kiên trì và nỗ lực mỗi ngày để có thể nâng cao kỹ năng và hoàn thành công việc. Họ cũng trở nên vui vẻ và hoạt bát hơn rất nhiều.

Ông Lê Văn Trung (SN 1968) và ông Phạm Xuân Thái (SN 1952), hai người khuyết tật ở trong xóm, cũng là hai thợ chính trong xưởng của Khởi (Ảnh dẫn theo: giaoducthoidai)

Bên cạnh đó, khi nâng những cuốn sách được cắt dán đẹp mắt, chỉn chu trên tay, Khởi không giấu được niềm hạnh phúc. Bởi, từ những thứ tưởng chừng như vứt đi ấy, Khởi và mọi người đang góp sức cùng nhau tạo nên những sản phẩm thật đẹp và hữu ích.

Khởi chân thành chia sẻ rằng nhìn thấy niềm vui, sự nỗ lực của những người thợ trong xưởng và nhìn ngắm công sức lao động của tất cả, cô tìm thấy lẽ sống của mình.

Khởi dự kiến, xưởng của cô sẽ sản xuất 20 đầu sách với 100 bản cho mỗi loại. Khi đạt đến con số này, cô sẽ tổ chức triển lãm để giới thiệu những sản phẩm này tới khách hàng.

Khởi đang hàng ngày cố gắng tạo nên một cuộc sống ý nghĩa và hứng khởi cho chính mình và cho rất nhiều người mỗi ngày (Ảnh minh họa: Đại Kỷ Nguyên)

Một cô gái mang trong mình nhiều nỗi đau nhưng đang cố gắng mỗi ngày để mang đến hạnh phúc và cuộc sống ý nghĩa cho những người khác cũng đang chịu nhiều thiệt thòi như cô. Xin chúc cho công việc của xưởng sản xuất sách của Khởi luôn thuận lợi để khi mỗi ngày mới lên, mỗi người trong xưởng lại có được niềm vui, niềm hứng khởi để sống trọn vẹn mỗi ngày.

Hải Lam