Vài tháng gần đây, tiệm sửa xe của ông Lê Đình An (SN 1967) nằm ngay trên QL46A, tại xóm 2, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An treo thêm biển sửa chữa miễn phí. Ban đầu ai cũng nghĩ ông An “làm màu”, đến khi ông không lấy tiền thật thì mới giật mình. Kể từ đó, hàng ngày đều có rất đông người đưa xe máy, xe đạp đến nhờ ông An sửa. Phần lớn là người dân lao động trong xã.
Gia đình ông An có 5 anh chị em, bố mẹ cũng làm thuần nông nên điều kiện cũng khó khăn chứ không dư dả gì. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Cơ khí nông nghiệp Trung ương (nay là trường cao đẳng nghề Cơ điện Xây dựng Tam Điệp) , ông bôn ba đi làm khắp nơi, trong đó ở lại lâu nhất là Sài Gòn.
Nhiều năm kiếm sống xa quê, ông An giật mình nhận ra mình chẳng có gì trong tay. Vợ con không, tiền bạc làm được đồng nào thì tiêu luôn đồng đó, chẳng tích góp được. Lúc này bố mẹ cũng đã già yếu, ông quyết định trở về quê lập nghiệp và chăm sóc gia đình.
Năm 1990, ông An về mở cửa hàng sửa xe, thế nhưng vào thời điểm này đất nước còn nghèo, số lượng xe máy còn ít nên phần lớn ông chỉ sửa xe đạp. Tiền kiếm được không đủ sống, ông An mày mò và nhận sửa bất cứ dụng cụ cơ khí nào trong xã. Mãi đến tận năm 2007, ông An mới chính thức chuyển quán sửa chữa của mình trở thành nơi sửa xe máy.
Nói về nguyên nhân biến quán sửa xe thành miễn phí, ông An cho hay: “Trước đây gia đình tôi nghèo, phải chạy ăn từng bữa, nghề sửa xe là để nuôi sống cả gia đình. Giờ đây mặc dù tôi vẫn làm công việc này, nhưng đây không phải là nghề kiếm sống duy nhất của gia đình nữa nên tôi quyết định làm việc thiện để giúp đỡ mọi người”.
Ông An kể, khi nhiều người biết được việc ông sửa miễn phí thì vô cùng ngạc nhiên, thậm chí có một số người còn xì xào phía sau lưng bảo ông “bị điên”, nuôi gia đình chẳng xong nữa là đi làm miễn phí. Thế nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục công việc của mình.
“Thực ra tôi chỉ miễn phí tiền công chứ không phải miễn phí các phụ tùng. Miễn phí ở đây tức là khi có xe bị hỏng thì tôi sẽ sửa không lấy tiền công, còn nếu phải thay bộ phận nào thì một là tôi lấy tiền gốc của bộ phận đó, hai là mọi người có thể đi mua về rồi tôi sẽ thay cho”, ông An giải thích.
Không chỉ sửa chữa từ thiện ở quán, khi có những người bị thủng săm hay hỏng xe trên đường không thể đi đến tiệm, thì ông An lập tức mang đồ đến tận nơi để sửa. Đến khi tính tiền, rất nhiều người ngạc nhiên vì ông chỉ lấy 10.000 đồng cho một miếng vá. Trong khi những thợ khác có thể yêu cầu trả đến 40.000 – 50.000 cả tiền công đi lại lẫn tiền sửa xe.
Người ta cứ nói phải giàu sang, hoặc chí ít là có điều kiện lo cho mình no đủ thì hẵng tính đến chuyện làm tự thiện. Nhưng mà, sống ở đời biết bao nhiêu cho đủ, biết mấy mới là giàu. Mình không đủ tiền tặng vài trăm triệu cứu người đang khó khăn, không có điều kiện ủng hộ đồng bào vùng lũ thì mình làm việc nhỏ, giúp đỡ những người ở ngay bên cạnh, tùy với sức của mình, miễn sao có ích cho đời và tâm mình an vui là được, đâu nhất thiết cứ phải “đao to búa lớn”. Nghèo khó chỉ có thể không cho người ta hưởng thụ, chứ nghèo khó nhất định không thể ngăn người ta làm việc tốt.
Bởi có một tình yêu…
Hỏi ra mới biết, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến người thợ sửa xe Lê Đình An quyết định sửa miễn phí là bởi tình yêu đối với người vợ của mình.
Năm 1994, trong một lần đi sang xã Thanh Lĩnh ở kế bên chơi, ông An gặp một người con gái tên là Nguyễn Thị Lài (SN 1968). Rồi chẳng biết nhân duyên chùng chình như nào mà mới lần gặp mặt đầu tiên ông đã cảm mến sự thùy mị, nết na của bà Lài.
“Lúc đó là thanh niên nên không suy nghĩ sâu xa như bây giờ, thích thì tán thôi. Không ngờ rằng cũng vì thế mà tôi làm khổ bà ấy cho đến thời điểm này. Nếu như bà ấy lấy một người khác thì có thể sống sung túc hơn. Thôi thì duyên phận đã như vậy tôi phải cố hết sức bù đắp cho bà ấy”, ông An thủ thỉ tâm sự.
Hằng ngày ông An ở nhà làm nông và sửa xe máy, còn bà Lài thì buôn bán lặt vặt trong chợ để kiếm sống. Họ có với nhau 2 người con trai. Dù điều kiện không khá giả gì nhưng với bản tính cần cù, ông bà vẫn cố gắng lao động để nuôi các con ăn học. Thế nhưng, sóng gió bắt đầu nổi lên khi bà Lài phát hiện mình bị bệnh tim.
Năm ngoái, đột nhiên bà Lài lên cơn đau tim rồi ngất xỉu, phải đem đi bệnh viện cấp cứu gấp. Cũng may chạy chữa kịp thời nên bà đã qua cơn nguy kịch, nhưng từ đó sức khỏe cũng yếu đi nhiều, gần như không còn đủ sức lao động được nữa. Ngoài ra, bà Lài còn mắc thêm bệnh hen phế quản và nhiều chứng bệnh ở vai, cổ; mỗi tháng tiền thuốc men đều không dưới 1 triệu đồng.
Ông An chia sẻ: “Hiện giờ sức khỏe của bà ấy đã khá hơn, mặc dù không được như xưa nhưng như vậy tôi cũng cảm tạ trời đất lắm rồi. Điều này đã thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó để cảm ơn cuộc đời. Vì vậy, mặc dù cuộc sống không phải khá giả nhưng tôi vẫn quyết định chuyển quán sửa xe thành quán miễn phí. Thực chất việc này cũng rất nhỏ bé, nhưng tôi thấy phù hợp với bản thân và hoàn cảnh của gia đình”.
Về phần bà Lài, bà rất ủng hộ việc làm của chồng: “Sống với nhau bao nhiêu năm nay, các con cũng lớn khôn, tự kiếm sống được rồi, vì thế ông ấy muốn làm gì tôi cũng ủng hộ. Đúng là gia đình hoàn cảnh không phải khá giả nên khi ông ấy treo biển miễn phí nhiều người bàn tán xôn xao, nhưng chỉ cần sống thật với lòng thì không cần phải hổ thẹn gì”.
Nhìn cuộc sống nghèo khó nhưng vẫn vui vẻ và không bao giờ thiếu tiếng cười của ông An và vợ mới thấy thấm câu tục ngữ các cụ ta xưa nay vẫn dạy: Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Hạnh phúc đâu cần phải giàu sang hay lụa là gấm vóc, hạnh phúc đơn giản chỉ cần bình đạm mà thương đến già.
Nguồn ảnh: nguoiduatin
Hải Dương