Tờ Sora News đưa tin, bài kiểm tra toán của cậu con trai học lớp 1 của bà mẹ tên là Tomoko Takagawa, sống ở thành phố Utsunomiya, tỉnh Tochigi (Nhật Bản) sau đăng lên mạng xã hội Twitter đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Đề bài như sau:
– Câu hỏi đầu tiên vẽ hình có 4 con vịt đang chơi đùa trong một cái ao, 1 con vịt khác đang tới gần để nhập hội.
– Câu hỏi thứ hai vẽ hình hai bể cá, một bể 1 con và một bể 2 con, đang cùng được đổ vào một bể lớn hơn.
Hỏi, khi cộng tất cả chúng với nhau, sẽ có bao nhiêu con vịt và bao nhiêu con cá?
Đáp án của con trai Takagawa là 6 con vịt và 4 con cá.
Dĩ nhiên đáp án này là sai! Tuy nhiên, cậu học trò nhỏ vẫn nhận được điểm số tuyệt đối 100!
Lý do là bởi cậu đã vẽ thêm 1 con vịt và 1 con cá vào mỗi bức tranh và sau đó viết thành các phép tính: 4 + 2 = 6, 1 + 3 = 4. Dù đây không giống đáp án chính thức mà đề bài đưa ra là 5 con vịt và 3 con cá nhưng sau khi thay đổi đề bài thì câu trả lời của cậu bé hoàn toàn hợp lý và được giáo viên chấp nhận.
Mặc dù Tomoko Takagawa – mẹ của cậu bé có một chút lo ngại về cách dạy linh hoạt của cô giáo và còn nói với giọng điệu nửa đùa nửa thật rằng: “Chúng ta thường nghe chuyện về giáo viên nghiêm khắc, chấm điểm rất chặt chẽ vì những lý do hết sức lạ lùng. Nhưng tôi thấy giáo viên của con trai hơi tệ. Dạy học linh hoạt thế này liệu có ổn không nhỉ?”, nhưng đa số người dùng Twitter lại ca ngợi thái độ cởi mở và sự hiểu biết của giáo viên, cũng như hình vẽ minh họa được đứa trẻ thêm vào bài. Nhiều người thậm chí còn bày tỏ sự ngưỡng mộ bởi theo họ, việc khuyến khích học sinh sáng tạo, chấp nhận những điều khác biệt không phải nền giáo dục nào cũng làm được!
***
Nhật Bản là quốc gia luôn được biết đến bởi sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo và khác biệt. Dường như trong tất cả các lĩnh vực, đất nước này đều phát triển theo một cách rất độc đáo, mới mẻ, không lặp lại những điều xưa cũ và không rập khuôn theo một mô hình có sẵn nào đó. Để đạt được những thành tựu đáng nể khiến cả thế giới ngưỡng mộ như ngày nay, người Nhật đặc biệt coi trọng giáo dục. Họ luôn hướng trẻ em đến sự phát triển về mọi mặt, từ trí tuệ, tâm hồn, tinh thần, thái độ đến hệ thống những giá trị nhân văn, chứ không chỉ dừng lại ở thành tích trên điểm số và thi cử.
Đặc biệt, trong cách giáo dục của người Nhật, họ rất tôn trọng sự khác biệt và những ý tưởng “kỳ cục” của trẻ nhỏ. Thay vì bắt ép đưa trẻ tư duy theo lối thông thường theo cách của người lớn, người Nhật sẽ khuyến khích trẻ sáng tạo và làm những điều yêu thích, đồng thời định hướng một cách khéo léo cho đứa trẻ về những giá trị quan truyền thống và nhân văn.
Theo một giáo viên giảng dạy tại một ngôi trường tiểu học tại Nhật thì trong lớp học các em được phép đứng lên, đi lại xung quanh tự do trong lớp ngay cả khi cô giáo đang giảng bài và các em có thể làm mọi việc trừ những việc gây nên nguy hiểm. Có lẽ một số người cho rằng điều đó là “hư” hoặc không nghiêm túc học hành nhưng người Nhật cho đó là quãng thời gian để các em có thể nhận ra những gì phù hợp và đúng đắn với mình và cho tập thể. Từ đó các em sẽ hình thành sự kỷ luật và trách nhiệm một cách tự nhiên và thoải mái.
Cách giáo dục trẻ tốt nhất là để cho chúng được tự nhiên tiếp nhận những bài học và thất bại cần thiết trong quá trình trưởng thành.
Hiểu Minh