Đó là buổi sáng thứ Ba, ngày 11 tháng 9 năm 2001, chúng tôi rời khỏi Frankfurt được khoảng năm giờ đồng hồ và đang bay qua Bắc Đại Tây Dương. Đột nhiên, tấm màn ngăn cách giữa buồng lái với khoang chứa hành khách được vén mở và tôi được gọi vào buồng lái gặp cơ trưởng…

Với khuôn mặt căng thẳng và lo lắng, cơ trưởng đưa cho tôi một thông báo vừa nhận được từ trụ sở chính của hãng Delta Airlines ở Atlanta với vỏn vẹn hai câu: “Mọi tuyến không lưu trên lục địa Hoa Kỳ đều cấm giao thông hàng không thương mại. Hãy đáp khẩn cấp càng sớm càng tốt xuống phi trường gần nhất và thông báo điểm đáp”.

Không ai nói cho tôi biết điều này là ý nghĩa gì. Chúng tôi chỉ biết đây là một tình huống nghiêm trọng và chúng tôi (phi hành đoàn) cần tìm đất liền để đáp ngay lập tức. Cơ trưởng xác định sân bay gần nhất là phi trường Gander, Newfoundland, cách 400 dặm. Ông liên lạc với trạm không lưu Canada để xin được hạ cánh và được chấp thuận ngay mà không cần hỏi lý do. 

Trong khi chúng tôi chuẩn bị cho máy bay hạ cánh, một tin nhắn đến từ Atlanta thông báo rằng có hoạt động khủng bố trong khu vực New York. Vài phút sau, tin cập nhật cho biết có không tặc. Chúng tôi quyết định không nói sự thật này với hành khách khi vẫn còn ở trên không mà giải thích rằng máy bay gặp một trục trặc nhỏ về cơ khí và cần phải hạ cánh tại sân bay gần nhất để kiểm tra. Chúng tôi hứa sẽ cung cấp thông tin cụ thể sau khi hạ cánh ở Gander. 

Ảnh minh hoạ: Ippincott.com.

Bốn mươi phút sau, chúng tôi hạ cánh xuống Gander. Giờ địa phương lúc bấy giờ tại Gander là 12:30 PM, tức là 11:00 AM New York. Lúc này, có khoảng hai mươi máy bay khác đến từ khắp nơi trên thế giới đã hạ cánh ở đây. Họ cũng giống như chúng tôi, phải chọn lối đi vòng này trên đường đến Hoa Kỳ.

Sau khi chúng tôi đã đậu trên phi đạo chờ lệnh mới, cơ trưởng mới bắt đầu thông báo về tình hình tại Hoa Kỳ. Những tin tức bắt đầu phát ra trên hệ thống âm thanh của phi cơ, và chúng tôi càng bàng hoàng khi biết được các phi cơ bị không tặc đã đâm vào Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới ở New York và Lầu Năm Góc trong vùng Washington DC. 

Buổi tối cùng ngày, chúng tôi nhận được tin, hai tòa cao ốc Trung Tâm Thương Mại Thế Giới đã sụp đổ và chiếc phi cơ thứ tư bị không tặc đã đâm xuống đất. Mọi hành khách trên chuyến bay đều bình tĩnh đáng kinh ngạc, dù ai cũng biết rằng đây là một tình huống vô cùng tồi tệ và chúng tôi không biết sẽ phải ở đây cho đến khi nào mới được trở về. 

Gander hứa với chúng tôi sẽ chăm sóc y tế, nước, và dịch vụ vệ sinh. Trên chuyến bay của chúng tôi có một phụ nữ trẻ mang thai 33 tuần và cô ấy được chăm sóc rất chu đáo.

Khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 12, một đoàn xe buýt trường học đến. Chúng tôi được đưa đến nhà ga, nơi chúng tôi thông qua thủ tục nhập cảnh và quan thuế, và ghi danh với Hội Hồng Thập Tự (HTT). Sau đó chúng tôi được tách ra khỏi hành khách và được đưa đến một khách sạn nhỏ. Chúng tôi không biết hành khách được đưa đi đâu. Nhân viên của HTT cho chúng tôi biết rằng thị trấn Gander có dân số 10.400 người và họ đang có khoảng 10.500 hành khách phải chăm sóc từ tất cả các máy bay buộc phải đáp xuống Gander! Họ dặn chúng tôi hãy an tâm nghỉ ngơi tại khách sạn và họ sẽ liên lạc khi các phi trường Mỹ hoạt động trở lại, nhưng chắc cũng mất một thời gian.

Chỉ khi đến khách sạn và bật TV lên, chúng tôi mới biết toàn diện cuộc tấn công khủng bố ở quê nhà, 24 giờ sau khi nó bắt đầu diễn ra.

Vụ khủng bố ngày 11/09/2001 đã khiến gần 3000 người thiệt mạng (ảnh: eremnews).

Trong hai ngày ở Gander, chúng tôi nhận thấy rằng người dân nơi đây vô cùng thân thiện. Họ gọi chúng tôi là “người máy bay” và dành cho “những vị khách bất ngờ” rất nhiều ưu ái và quan tâm.

Gander và tất cả các cộng đồng xung quanh (trong vòng bán kính 75km) đã đóng cửa tất cả trường trung học, hội trường, nhà nghỉ và bất kỳ nơi tập hợp lớn nào khác để làm chỗ trú ngụ chung cho tất cả lữ khách lỡ đường. Có chỗ thì trải chiếu, chỗ thì trải nệm, chỗ thì dùng túi ngủ và gối nằm.

Tất cả học sinh trung học được kêu gọi tình nguyện để chăm sóc cho khách. 218 hành khách của phi cơ chúng tôi được đưa tới một thị trấn cách Gander khoảng 45 cây số và được trú ngụ trong một trường trung học. Hành khách phụ nữ nào muốn có khu ngủ riêng đều được sắp xếp theo ý muốn. Những hành khách đi cả gia đình được ở chung với nhau. Tất cả hành khách lớn tuổi được đưa tới nhà riêng. Ngoài ra, ở các đám đông luôn có các nhân viên y tế túc trực và sẵn sàng cho bất cứ tình huống khẩn cấp nào. Đặc biệt, người phụ nữ mang thai được đưa đến một nhà riêng đối diện với một cơ sở chăm sóc khẩn cấp 24 giờ.

Thức ăn được người dân địa phương nấu nướng ở nhà rồi mang đến cho các trường học. Người nào thích dùng bữa ở nhà hàng cũng được đưa đi và được cung cấp những bữa ăn tuyệt vời. Các tiệm nướng bánh mở cửa để làm bánh mỳ tươi cho khách hàng. Tất cả mọi người đều được cấp phiếu đến các tiệm giặt địa phương để giặt quần áo vì tất cả hành lý vẫn còn giữ trên máy bay. Mọi nhu cầu của những lữ khách lỡ đường đều được đáp ứng đầy đủ. Hành khách đã khóc khi kể lại với chúng tôi những câu chuyện này.

Cuối cùng, khi có tin các phi trường Mỹ đã mở cửa trở lại, mọi hành khách được đưa trở lại sân bay không thiếu người nào. Những hành khách khi trở lại máy bay đều biết tên nhau. Họ trò chuyện vui vẻ, trao đổi số điện thoại, email và địa chỉ, như thể vừa mới kết thúc một chuyến du hành trên biển vậy. Quả thực như vậy, chúng tôi đã có một chuyến du ngoạn được thuê bao trọn gói.

Cảnh tượng 53 chiếc máy bay xếp hàng dài tại sân bay Gander, Canada (ảnh: newsrnd).

Một trong những hành khách của chúng tôi đến gần và hỏi tôi rằng ông ta có thể dùng hệ thống âm thanh của phi cơ để nói vài lời được không. Vì đây là một tình huống đặc biệt nên tất nhiên tôi không thể từ chối và đưa máy vi âm cho ông. Ông kể lại với mọi người về những gì họ đã trải nghiệm trong mấy ngày qua. Ông nhắc nhở họ về lòng hiếu khách của những con người hoàn toàn xa lạ. Ông tiếp tục nói rằng ông muốn làm một điều gì đó để đền đáp lại những cư dân tốt bụng nơi đây.

Ông cho biết mình sẽ thành lập một Quỹ tín thác dưới tên của DELTA 15 (Số hiệu chuyến bay của chúng tôi), nhằm cung cấp học bổng đại học cho học sinh trung học của Lewisporte. Ông kêu gọi mọi khách đồng hành cùng chuyến bay đóng góp, số tiền bao nhiêu cũng được. Khi chúng tôi đã gom đủ các tờ giấy ký hứa có ghi số tiền, khoản tài trợ là trên $14.000!

Khi tôi viết bài này, quỹ tín thác đã lên hơn $1.5 triệu và đã hỗ trợ 134 học sinh theo học đại học.

Chuyến tị nạn ngắn ngủi trở thành kỷ niệm đẹp trong lòng hơn 1 vạn hành khách (ảnh: newsrnd).

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này bởi vì chúng ta đang cần những câu chuyện đẹp như thế này. Nó nhắc nhở tôi rằng thế giới này còn có bao nhiêu điều tốt đẹp, bất chấp mọi điều xấu xa chúng ta thấy đang diễn ra hằng ngày. Hãy tin rằng vẫn còn rất nhiều người nhân hậu và thánh thiện trên thế giới và họ sẽ hiện ra khi bạn gặp phải tình huống tồi tệ.

Xin Thượng Đế ban phước cho Hoa Kỳ. Xin Thượng Đế ban phước cho người dân Canada… và đặc biệt là xin Thượng Đế ban phước cho người dân Newfoundland.

(Trích lược Chuyến bay Delta 15 – Jerry Brown – Phan Hạnh chuyển ngữ)

Bạn đang đọc bài viết: “Chuyến bay đặc biệt ngày 11/9/2001 và tình người xứ Canada” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||338843896__