Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, Cục Tình báo trung ương (CIA) và Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) Mỹ đã tuyển dụng những nhà ngoại cảm sở hữu siêu năng lực để tham gia vào một dự án tuyệt mật – dự án Cổng Sao.

Dự án thu thập tin tình báo bằng ngoại cảm

Stargate (Tạm dịch: Cổng Sao) là tên mã hóa của một dự án tuyệt mật được quân đội Mỹ khởi động vào năm 1978, tại căn cứ Fort Meade, bang Maryland. Đây là dự án phối hợp giữa Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) và Viện Nghiên cứu quốc tế Stanford (SRI) (một viện nghiên cứu được ĐH Stanford lập ra), mục đích của dự án là nghiên cứu, ứng dụng khả năng tâm linh (ngoại cảm, dao thị, hay những khả năng siêu thường khác) vào lĩnh vực tình báo, quân sự.

Họ đã chiêu mộ và tuyển dụng những nhà ngoại cảm sở hữu siêu năng lực để tham gia thu thập thông tin tình báo từ quân địch. Được biết, ở bên kia chiến tuyến, Liên Xô cũng thiết lập một dự án tương tự.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Dự án Stargate. Ảnh: Nexus Newsfeed

Trong phần 1 chúng ta đã điểm qua một số nhà ngoại cảm kỳ tài tham gia dự án, bao gồm Uri Geller – người có khả năng dùng “sức mạnh ý chí” để uốn cong những chiếc thìa bằng kim loại, Ingo Swann- người chỉ cần nghe qua giọng nói của bất kỳ ai (VD: qua điện thoại) là có thể nói chính xác người đó hiện đang ở nơi nào, … Trong phần này, chúng ta sẽ điểm qua các nhân vật nổi bật khác trong dự án, và khả năng của họ.

Một số nhà ngoại cảm khác tham gia dự án

Paul Smith

Trong cuốn “Psychic Warrior”, tác giả Morehouse viết: “Tại một căn cứ quân sự tuyệt mật của Mỹ, những người đàn ông và phụ nữ làm việc cho CIA đang được chuẩn bị để “rơi” vào chiều không gian thứ tư. Trong căn phòng dành riêng cho họ, tất cả đều là màu xám, từ bức tường đến tấm thảm, từ bộ bàn ghế đến cái ly uống nước. Nhạc Baroque nổi lên lúc họ nằm xuống giường để bắt đầu tiến trình thay đổi trạng thái ý thức. Những gì họ sắp làm là tiến nhập vào ma trận thời gian, không gian khác bằng một kỹ thuật được gọi là “nhìn từ xa”.

Thoạt đầu, điện não đồ hiển thị sóng beta – nghĩa là người thử nghiệm vẫn có suy nghĩ như những người bình thường. Lát sau, xuất hiện sóng alpha – dấu hiệu của sự mất ý thức. Khi trên điện não đồ của họ xuất hiện sóng “theta” thì có nghĩa là tâm trí của họ đã tiếp xúc với một thế giới khác, một không gian khác, thời gian khác. Có người ở Nga, có người ở Trung Quốc, ở Bắc Triều Tiên và ngay cả những đồng minh thân cận với Mỹ như Anh, Pháp, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức cũng có người tiến nhập vào. Những người tham gia thí nghiệm nói lảm nhảm những câu chữ rời rạc, như chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng đều nằm trong dự tính, một nhóm các chuyên gia cận tâm lý đã sẵn sàng để giải mã và ráp nối những phần rời rạc này thành một bản dự báo hoàn chỉnh.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Minh họa một buổi sử dụng ngoại cảm để thu thập thông tin tình báo về quân đối phương. Ảnh: Disclose.tv

Một ví dụ điển hình là của Paul H. Smith. Ông là một thành viên của đơn vị “gián điệp ngoại cảm” (Psychic Espionage) trực thuộc quân đội Mỹ. Trường hợp của ông đã được ghi lại trong cuốn sách “Chiến binh ngoại cảm – Psychic Warrior” của tác giả David Morehouse, cũng là một nhà ngoại cảm trong dự án này.

Chín giờ sáng thứ Sáu, ngày 15/5/1987, Paul H. Smith nằm xuống chiếc giường trong một căn phòng sơn toàn màu xám ở Trung tâm Lane, thuộc căn cứ Fort Meade, bang Maryland và thư giãn bằng cách nghe những bài hát theo phong cách Baroque nổi tiếng hồi thập niên 60 của thế kỷ trước.

Hai mươi phút sau thì nhạc tắt, bỗng nhiên, chiếc bóng đèn màu xanh gắn trên tường nhà chớp chớp, nháy nháy, báo hiệu cho Paul chuẩn bị. Trong một căn phòng màu xám khác, Ed Dames – là đồng nghiệp của Paul đọc cho Paul nghe một dãy số ngẫu nhiên (nhưng thật ra nó là mã số bí mật của một mục tiêu quân sự mà Paul không hề biết).

Chỉ trong vài phút, Paul không còn nhìn thấy bốn bức tường xung quanh, mà anh ta như ở một thế giới khác. Chiếc máy thu âm bí mật đặt ở đầu giường đã ghi lại được từng lời nói của Paul: “Có một khối kim loại rất lớn đang rẽ nước, có lẽ là một chiếc tàu. Tôi nhìn thấy một vật hình dáng như máy bay lao tới rồi một chớp sáng bùng lên. Tôi nghe tiếng người la hét, quang cảnh rất hỗn loạn với khói, lửa và nước…”.

Qua hệ thống truyền đạt thông tin, Dames cố thuyết phục Paul mô tả rõ ràng về những chuyện mà anh đang nhìn thấy: “Anh coi kỹ lại đi. Nó là tàu gì? Tàu dân sự hay tàu chiến? Nó sơn màu gì, treo cờ nước nào? Anh có thể xác định con tàu ấy đang ở đâu không. Xung quanh nó có tàu bè nào nữa không…?”.

Vẫn như đang trôi giạt trong cõi u minh nào đó, suốt gần một tiếng đồng hồ, Paul chỉ trả lời bằng những từ rời rạc: “Khủng bố, lửa, nước, tàu, khói, đôi cánh…” rồi càng về sau, giọng anh ta càng lúc càng mệt mỏi, có vẻ như đã tiêu tốn hết sức lực của mình.

Bối rối với những thông tin đã nhận được từ Paul, Ed Dames kết thúc cuộc “thần giao cách cảm” rồi thảo một bản báo cáo, gửi cho phòng phân tích của Trung tâm Lane với mã số “yêu cầu xử lý ngay”.

Sáng thứ Hai, ngày 18/5/1987 – nghĩa là chỉ 3 ngày sau cuộc “thần giao cách cảm” của Paul – cả nước Mỹ sửng sốt khi các phương tiện truyền thông đại chúng đồng loạt đưa tin: Một máy bay tiêm kích của Không quân Iraq (lúc này vẫn còn nằm dưới quyền lãnh đạo của Saddam Hussein), đã bắn hai quả tên lửa xuống tàu khu trục USS Stark của Mỹ, khi ấy đang tuần tra trên vịnh Ba Tư. Hai quả tên lửa đã xé tan một phần mạn trái tàu, giết chết 37 thủy thủ và làm bị thương 21 người khác. Hệ thống radar cảnh báo sớm của tàu Stark đã không hề phát hiện ra chiếc máy bay cũng như hai quả tên lửa lúc nó lao xuống tàu.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Tàu USS Stark lúc bị tên lửa bắn trúng. Ảnh: wikipedia.org

Đây cũng chỉ là một trong nhiều ví dụ về khả năng ngoại cảm tiên tri của Paul. Chỉ trước đó một năm, Paul đã “nhìn thấy trước” vụ nổ – mà sau này được cho là ở Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl trong lãnh thổ Liên Xô (cũ) xảy ra vào ngày 26/4/1986.

Ba tháng trước đó, trong một lần xâm nhập chiều không gian thứ tư, Paul kể: “Một quả cầu khói lửa lớn, như một đám mây, tỏa ra nhiệt lượng rất khủng khiếp. Tôi đã đi vào khu vực này và cảm thấy rõ ràng sức nóng trong đó. Dường như đó là một cơ sở kỹ thuật vì có nhiều người mặc quần áo bảo hộ. Tôi thấy một người nằm trên mặt đất, anh ta không thở được. Lúc đó, tôi cảm thấy tuyệt vọng và sợ hãi, đó là một trong những lần ‘ngoại cảm’ gây khó chịu và buồn bực nhất trong đời tôi”.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Nhà máy hạt nhân Chernobyl, 203 ngày sau sự cố phát nổ vào năm 1986. Ảnh: usnews.com

Paul H. Smith chỉ là một trong những nhà “ngoại cảm” thuộc dự án Cổng Sao của quân đội Mỹ. Ông tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân nghệ thuật, nhưng Paul không tìm được việc làm. Sau khi kết hôn với Betti, hai vợ chồng Paul sống trong cảnh nghèo khó ở hạt Provo, bang Utah. Tháng 6/1976, Paul nhập ngũ, rồi được cử đi học tiếng Arập. Tại căn cứ Fort Campbell, bang Kentucky, Paul chỉ được giao cho mỗi việc là cọ rửa những chiếc xe Jeep và sửa chữa máy phát điện.

Số phận của Paul đột ngột thay đổi khi một buổi chiều, lúc đang ngồi trong câu lạc bộ với mấy người bạn thì tự nhiên anh ta cảm thấy mình như bị nhấc bổng ra khỏi thế giới loài người. Paul kể: “Có một chiếc xe Jeep, trên xe có mấy quân cảnh, nó đang đi vào một khúc cua rồi bị lật ngang, tôi thấy máu, tôi nghe tiếng la hét cầu cứu…”.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Paul H. Smith. Ảnh: wp.com

Trưa hôm sau, một chiếc xe Jeep của đội tuần cảnh thuộc căn cứ Fort Campbell, trên đường trở về đơn vị đã bị lật tại một đoạn quành, cách cổng chính chỉ 800m, khiến hai lính quân cảnh bị thương.

Ba tháng sau đó, Paul nhận được một câu hỏi từ một sĩ quan: “Anh có muốn trở thành điệp viên ngoại cảm không?”.

Pat Price

Nhiệm vụ đầu tiên của Dự án Cổng Sao là một trung tâm nghiên cứu khoa học bí mật của Liên Xô đặt tại nước Cộng hòa Kazakhstan, mà CIA gọi bằng mật danh là URDF-3 (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển số 3). Người tham gia tích cực và quan trọng nhất trong dự án ban đầu này là nhà ngoại cảm Pat Price. 

Pat Price được thông báo tọa độ được nghi là cơ sở thử nghiệm vũ khí bí mật của Liên Xô ở vùng Siberia, và được yêu cầu mô tả chi tiết về địa điểm đó. Sau khi tập trung tinh thần để đạt được khả năng “thấu thị”, Price đã mô tả rằng ông nhìn thấy những “cần cẩu khổng lồ” và mô tả một vài đặc điểm bên trong và bên ngoài của cơ sở thử nghiệm vũ khí này. Về sau, một sĩ quan CIA khi phân tích hình ảnh vệ tinh thám báo về trung tâm URDF-3 đã phải thán phục vì những mô tả của Price chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Cuộc thử nghiệm này đã được tiến hành dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo CIA

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Điệp viên ngoại cảm Pat Price (bên trái) và nhà vật lý Hal Puthoff của Học viện Nghiên cứu Stanford (SRI) làm việc vào giai đoạn sau của Dự án Stargate. Ảnh: ledesk.ma

Các quan chức CIA đã ấn tượng với kết quả của cuộc thử nghiệm này đến mức họ phải mở cuộc điều tra xem các thông tin an ninh quốc gia có bị rò rỉ hay không, và sau đó đồng ý cấp ngân sách lên đến 750.000 USD để tiếp tục thực hiện dự án “Stargate” trong vòng 15 năm nữa.

Còn nhiều trường hợp khác được cho là thành công của Stargate, mà nổi tiếng nhất là nhiệm vụ khám thính căn cứ hải quân của Liên Xô cũng vào năm 1979. Khi đó các nhà ngoại cảm của Mỹ đã phát hiện được rằng Liên Xô đang chế tạo một thứ vũ khí gì đó trông giống như “cá mập”. Sau đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy, cơ sở này đang cất giữ tàu ngầm hạt nhân Akula, và Akula cũng có nghĩa là “cá mập” trong tiếng Nga.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Dòng tàu ngầm hạt nhân Akula, được phát triển bởi Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Ảnh: 3dsmolier.com

Dự cảm trước sự kiện 11/9

Kể từ năm 1990, dự án Cổng Sao càng lúc hoạt động càng mạnh, nhất là khi vụ khủng bố hai tòa tháp đôi ở New York ngày 11/9/2001 được “nhìn thấy trước” từ năm 1983. Theo một bản báo cáo của dự án Cổng Sao, một nhà ngoại cảm khẳng định đã nhìn thấy xác của một người đàn ông gốc Trung Đông với cái tên phát âm giống như: Jerry, Gerard, hoặc Geraldo, đã định lao máy bay vào Nhà Trắng nhưng thất bại.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Căn cứ Fort Meade, nơi đặt trụ sở của dự án Cổng Sao. Ảnh: Canaltech

Sự kiện này càng được quan tâm hơn khi vào năm 1986, Cổng Sao xác định Nhà Trắng và thủ đô Washington sẽ là mục tiêu của các cuộc không kích. Sau đó không lâu, trong một buổi lễ, một nhà ngoại cảm đột ngột lên tiếng đề nghị vinh danh những hành khách và phi công đã liều mình tìm cách chiếm lại buồng lái máy bay từ những kẻ khủng bố, khiến chiếc máy bay khủng bố này không đâm trúng mục tiêu đã chọn, dù sự việc chưa hề xảy ra.

Ngày 11/9/2001, vụ khủng bố tòa tháp đôi Trung tâm thương mại New York diễn ra, kẻ điều khiển chiếc máy bay mang số hiệu 93 là Ziad Jarrah. Những nỗ lực điều tra hai chiếc hộp đen đã chứng minh Ziad Jarrah cố ý cho máy bay lao vào Nhà Trắng, nhưng nhờ những nỗ lực của một nhóm hành khách và phi hành đoàn, nên chiếc máy bay đã rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc quận Somerset, bang Pennsylvania. Chưa hết, gần đến ngày xảy ra vụ khủng bố, một công dân Anh làm việc trong Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ (NSA), bằng khả năng ngoại cảm, cũng đã lên tiếng cảnh báo trước về sự việc này.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã được “nhìn thấy trước” từ năm 1983. Ảnh: mandegar.info

Khúc vĩ thanh

Năm 1995, dự án Cổng Sao bắt đầu gặp phải sự phản đối từ nhiều phía. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ (AIR) cho rằng “kỹ thuật tâm linh đã gây ra hoài nghi do thiếu tính cụ thể và độ tin cậy cần thiết, để có thể sử dụng thông tin thu thập được làm cơ sở cho việc ra quyết định hoặc hành động… Mặc dù về mặt thống kê, đã có nhiều đợt thử nghiệm thành công, nhưng vẫn không ai chứng minh được sự tồn tại của hiện tượng huyền bí ‘xem từ xa’ này. Hơn nữa, chưa bao giờ người ta cho hai nhà ngoại cảm cùng dò tìm chung một mục tiêu để xem nó có trùng khớp với nhau hay không”. Về căn bản, họ chưa hiểu được bản chất của loại hiện tượng này, và chưa thể chứng minh được tính thực tế của khả năng này dựa trên các tiêu chuẩn khoa học chặt chẽ, dù nó vẫn được ứng dụng bấy lâu nay.

Theo David Hammer, giáo sư cận tâm lý của Đại học Harvard, khả năng “ngoại cảm” của con người là có thật, nhưng “không phải bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể “thần giao cách cảm” với một không gian, thời gian khác. Có người cả đời chỉ vô tình “thần giao cách cảm” được một lần duy nhất, còn chuyện ai đó muốn “ngoại cảm” lúc nào thì “thấu thị” ngay lúc ấy là chuyện không thể có ở người bình thường, trừ những trường hợp đặc thù có được công năng thông qua tu luyện.

Khi tướng Stubblebine nghỉ hưu, người kế nhiệm ông là thiếu tướng Harry Soyster đã tỏ ra thờ ơ với những thí nghiệm huyền bí của dự án Cổng Sao. Ông cho rằng: “Stargate chỉ nên nhận nhiệm vụ sau khi tất cả những nỗ lực tình báo, phương pháp và cách tiếp cận đã làm xong công việc của nó”.

Khoảng cuối năm 1995, CIA chính thức chấm dứt dự án Cổng Sao và cho phép giải mật một phần hồ sơ. Tuy vậy, họ vẫn giữ lại 3 nhà ngoại cảm nòng cốt để tiếp tục nghiên cứu với ngân sách được Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho phép là 500.000USD/năm.

Một cách lý giải tiềm năng

Trong số những điệp viên ngoại cảm kể trên, chúng ta có thể thấy hai khả năng siêu thường. Khả năng thứ nhất là “nhìn từ xa”, tức quan sát được một vật thể cách xa hàng vạn dặm sau khi tiến nhập vào một trạng thái ý thức siêu việt, biểu hiện bề mặt nhất được ghi nhận là sự phát xuất của sóng não theta, như được đề cập bên trên. Ví như trường hợp của Pat Price, khi ông nhìn thấy những “cần cẩu khổng lồ” tại một cơ sở thử nghiệm vũ khí bí mật của Liên Xô, hay như trường hợp các nhà ngoại cảm phối hợp do thám căn cứ hải quân của Liên Xô, và thấy họ đang chế tạo chiếc tàu ngầm hạt nhân Akula vào năm 1979.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Minh họa một buổi sử dụng ngoại cảm để thu thập thông tin tình báo về quân đối phương. Ảnh: Disclose.tv

Khả năng thứ hai là có thể nhìn thấy trước các cảnh tượng trong tương lai, ví như trường hợp Paul Smith nhìn thấy chiếc máy bay Irag bắn hai quả tên lửa xuống tàu USS Stark vào năm 1987, chỉ 3 ngày trước khi xảy ra vụ việc. Thậm chí còn khó giải thích hơn, khi nhiều nhà ngoại cảm độc lập đã nhìn thấy trước sự kiện ngày 11/9, từ hàng chục năm trước khi nó xảy ra. Tuy không thuộc dự án Cổng Sao, nhưng những nhà ngoại cảm nổi tiếng nhất từng nhìn thấy trước vụ việc này, là Baba Vanga và Nostradamus.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Nhà tiên tri Baba Vanga. Ảnh: Steemit

Đối với giới khoa học, những khả năng trên hiện vẫn còn là bí ẩn. Như báo cáo của Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ (AIR) nêu trên, chưa ai có thể xác thực được sự tồn tại của loại hiện tượng này với các tiêu chuẩn khoa học chặt chẽ.

Tuy vậy, một số giả thuyết đã được đưa ra, ví như các cảnh tượng được nhìn thấy diễn ra ở cái gọi là “chiều không gian thứ tư”, nằm bên ngoài thế giới vật chất mà chúng ta vẫn biết. đó chính là điều David Morehouse – một người trong cuộc – đã mô tả trong cuốn sách của ông. Trong giới khoa học hiện nay cũng có một khái niệm tương tự gọi là “thế giới song song” hay “Vũ trụ song song (parallel universe)”.

Đó là những thế giới vật chất khác với thế giới chúng ta, tồn tại một cách biệt lập nhưng chúng ta chưa thế tiếp cận đến, trừ những tình huống đặc biệt. Những vũ trụ song song này, về mặt giả thuyết, có sự tương đồng với vũ trụ của chúng ta. Sử dụng công năng để tiếp xúc với chúng, các nhà ngoại cảm có thể nhìn thấy hình ảnh của các vũ trụ song song này, vốn có sự tương đồng với vũ trụ chúng ta. Do đó họ có thể biết được các sự việc đã từng, đang hoặc sẽ xảy ra trong tương lai nhờ quan sát các vũ trụ này.

Để tiếp xúc được với các vũ trụ đó, cần một loại công cụ đặc biệt, gọi là con mắt thứ ba, hay thiên mục. Sau khi mở con mắt thứ ba này, có thể phát triển được các khả năng tương tự như của các nhà ngoại cảm kể trên. Những khả năng này xuất hiện rất phổ biến trong các câu chuyện lưu truyền trên thế giới về những người thông qua tu luyện (hòa thượng và đạo sĩ ở phương Đông, hay tu sĩ ở phương Tây) mà phát triển được. Khi khai mở thiên mục ở cấp thấp, có thể cách tường khán vật (nhìn xuyên tường), hai trường hợp điển hình có thể nêu ra ở đây là cô bé người Nga Natasha Demkina (người có thể nhìn xuyên thấu cơ thể bệnh nhân với đôi mắt X-quang), hay ở ngay chính Việt Nam chúng ta, bà Hoàng Thị Thiêm là người có thể đọc sách, đi xe máy,… sinh hoạt bình thường trong trạng thái bịt kín mắt hoàn toàn.

Ở cấp độ cao hơn của con mắt thứ ba, người ta có thể phát triển công năng dao thị (khả năng “nhìn từ xa”) hay công năng túc mệnh thông (hay khả năng tiên tri), như có thể thấy ở các nhà ngoại cảm trong dự án. Thực tế, giới khoa học cũng đã phát hiện được trong sọ não người có một con mắt – một cơ quan có kết cấu đầy đủ của một con mắt, ở ngay tại vị trí thể tùng quả, cơ quan phản chiếu hình ảnh trong não bộ. Dù mới chỉ ở mức độ thực chứng cơ bản, nhưng những khám phá ấn tượng này đã phần nào bắc chiếc cầu nối giữa những khả năng siêu thường của những người tu hành đắc đạo mà tưởng chừng như chỉ thấy trong truyền thuyết hay phim ảnh, với những điều hết sức thiết thực mà giới khoa học hiện nay đã khám phá tới được về tiềm năng to lớn của thân thể người.

Ứng dụng ngoại cảm trong tình báo (P2): Đoán trước vụ 11/9 từ hàng chục năm trước
Cấu trúc giải phẫu của thể tùng quả (phải) và vị trí thể tùng quả (trái) trong não bộ. Đây là con mắt thứ ba, sau khi khai mở được nó, có thể phát triển những khả năng siêu thường. Ảnh:

Quang Khánh