Sau bữa cơm ngày Rằm, gia đình tôi lại nổi cơn sóng gió. Chồng tôi sau khi đã ngà ngà say bắt đầu gây sự với mấy mẹ con và sẵn sàng xuống tay với người thân, bất kể tiếng xin khóc của vợ hay ánh mắt kinh hoàng của những đứa con, và bỏ ngoài tai lời can ngăn của những người chứng kiến. Đó cũng là lý do mà lũ trẻ trong nhà rất sợ ngày Lễ Tết.

Người phụ nữ 35 tuổi không kìm được cảm xúc đã bật khóc, đôi vai gày gò rung lên sau mỗi lời kể. Từ một cô gái nết na ưa nhìn vốn làm siêu lòng bao chàng trai thôn quê vùng Thái Bình mà giờ đây chị gầy guộc héo mòn, gương mặt mệt mỏi, đôi mắt vẫn hằn lên những nỗi đau. Hơn 10 năm kết hôn, số ngày vui chẳng được bao ngày. Kể từ ngày chị có đứa con thứ 2, chồng chị bắt đầu thay đổi, mỗi lần say là một lần ra tay với vợ con.

Cuộc sống hiện đại vội vã dễ dẫn đến áp lực, căng thẳng trong gia đình (Ảnh: 2sao)

Dù cuộc sống hiện đại, lối sống thôn quê cũng thay đổi nhiều nhưng trên thực tế, vẫn có rất nhiều người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Đó có thể là bởi sự thất bại trong cuộc sống, thói đố kỵ, ích kỷ, song đôi khi là là những cơn say xỉn đem đến những bực tức vô cớ khiến người chồng muốn hành hạ tinh thần và thể xác của những người thân xung quanh.

Trong gia đình, người vợ hay con cái chính là người phải chịu hậu quả từ chồng. Việc nhẫn nhịn chịu đựng của người vợ càng làm cho người chồng thể hiện ra sự vũ phu của mình. Vậy làm thế nào để hóa giải những cơn bạo hành trong gia đình?

Không chịu đựng một cách bị động khi bị bạo hành 

Người phụ nữ Việt Nam luôn có thói quen nhẫn nhịn nhất là trong chuyện hôn nhân. Đôi lúc chính sự cam chịu ấy lại đẩy người phụ nữ vào hố sâu của sự đau khổ. Và rồi mọi người lại tự an ủi nhau có phước thì chọn được chồng tốt, còn không thì phải sống cuộc đời bất hạnh.

Để ngăn chặn tình trạng, người phụ nữ không nên chịu đựng một cách bị động mà cần có cách cư xử khéo léo và thông minh hoặc tạm thời lánh đi chỗ khác để tránh những tổn thương về thân thể.

Nói chuyện khi bình tĩnh

Trong lúc nóng giận, hai người càng tranh cãi thì mâu thuẫn sẽ dẫn đến đỉnh điểm, khi đối phương không kiềm được cảm xúc sẽ kéo đến xô sát.

Chính vì vậy, sau khi mọi chuyện lắng xuống, cả hai đều nguôi ngoai thì bạn hãy nói chuyện thẳng thắn với anh ấy. Cả hai cùng ngồi lại với nhau để nói chuyện, chỉ ra cái đúng và cái sai của hai người để cùng sửa đổi.

Nhờ gia đình nội – ngoại góp ý

Khi mọi chuyện xảy ra, bạn không biết làm cách nào để giải quyết chuyện đó. Đôi khi còn ngại ngần vì danh dự của gia đình nên không muốn cho ai biết. Nhưng chịu đựng hoặc tìm cách che giấu không giúp bạn giải quyết vấn đề.

Dù anh chồng có là người như thế nào, anh ấy cũng sẽ lắng nghe lời bố mẹ. Khi bạn không thể nói được hay có nói cũng không giải quyết được vấn đề gì, bố mẹ chính là chỗ dựa để bạn dựa vào, là nơi cho gia đình bạn những lời khuyên thực tế và chân thành.

Đừng nghĩ tới việc buông tay, hãy làm sao để nắm tay thật chặt hơn nữa (Ảnh: 2sao)

Vẫn có câu “tu trăm năm mới chung thuyền, tu nghìn năm mới lên duyên vợ chồng”. Dẫu rằng trong cuộc sống có lúc gập ghềnh, chông gai nhưng nếu chúng ta dùng tình yêu thương và lòng vị tha để đối xử với nhau, vấn đề phức tạp sẽ trở thành đơn giản. Khi bạn cảm thấy mình bị đối xử bất công, hãy cho nhau thời gian để cùng nhìn lại, cho nhau lời chia sẻ để hiểu nhau hơn, đặc biệt hãy nghĩ tới ngay 2 bạn nhìn vào mắt nhau và hạnh phúc khi trở thành người bạn đời của nhau.

Đừng buông tay, mà hãy tìm cách nắm chặt tay nhau hơn, bạn nhé!

Vũ Linh