Trên dải đất hình chữ S thân thương, còn có rất nhiều những mảnh đời cơ cực. Cái đói, cái nghèo, cái tủi phận là gam màu chính trong cuộc sống mỗi ngày của họ.
Ông bà ta xưa thường nói con không cha như nhà không nóc. Câu nói giản dị nhưng xót xa ấy đã và đang miêu tả thật chính xác cuộc sống của bốn mẹ con chị Nguyễn Thị Bích Vân (49 tuổi, hiện trú tại thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định). Chồng đột ngột qua đời, chị Vân trở thành trụ cột trong gia đình, một mình gồng gánh chi phí nuôi bốn con. Trong đó, không may hai con gái lớn của chị mắc bệnh tâm thần, hai con thơ vẫn đang tuổi đến trường. Dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng hoàn cảnh và sức khỏe hiện tại của bản thân khiến người mẹ ấy phải viết thư, cầu cứu gửi lên báo Dân Trí, xin sự giúp đỡ.
Theo báo Dân Trí đưa tin, ngày trước, khi chồng còn sống, vợ chồng chị Vân chí thú làm ăn, tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng có thể lo cho gia đình được có cơm ăn, hai con mang bệnh có thuốc men và hai chị em út lành lặn được đến trường. Chồng chị khi ấy xin được công việc trong xưởng mộc. Hàng tháng anh cố gắng làm việc để lo đủ trước hết là tiền thuốc cho các con. Nhưng một ngày, chồng chị đột ngột ra đi vì cơn đột quỵ. Chị Vân tâm sự có lẽ vì lo lắng và lao lực nhiều nên anh ngã bệnh rồi đi như vậy.
Nhiều đêm, chị Vân vẫn khóc vì thương chồng, người đã đồng hành cùng chị bao năm, san sẻ với chị gánh nặng của phận người. Những đêm ấy, nỗi thương chồng chưa nguôi, nỗi lo lắng cho tương lai của các con lại đầy lên trong lòng người mẹ ấy.
Không lo lắng sao được khi chị không có nghề nghiệp, một khoản tiết kiệm, hay một sự trợ giúp nào trong tay. Hai con gái lớn nếu không bị bệnh có lẽ sẽ gánh vác được giúp chị rất nhiều. Nhưng cuộc đời là thế, cái khó này chồng lên cái khó kia.
Hiện giờ, để nuôi các con, chị Vân phải bắt xe lên thành phố để bán bánh cam, bánh rán. Ngày thu nhập trung bình của chị có được từ 70 – 80 ngàn đồng. Nhưng trừ tiền xe đò, số tiền còn lại cũng chỉ đủ để mẹ con rau cháo nuôi nhau. Có những khi chị Vân phải ở trên thành phố bán hàng cả ba bốn tháng trời. Lo lắng cho các con ở nhà, nhưng chị không còn cách nào khác, nếu cứ đi về mỗi ngày, tiền bán bánh sẽ không để ra được chút nào.
Chị kể, có những khi chị không kịp gửi tiền về, bốn chị em ở nhà lại đi vay tiền của bà con lối xóm để lo bữa ăn. Đến lúc chị về đến nhà, số tiền tích cóp được cũng chỉ vừa đủ để trả những khoản nợ mới này. Trả nợ xong rồi, mấy mẹ chỉ còn biết ôm nhau khóc, bởi không ai thấy được điểm kết của cái vòng luẩn quẩn kiếm tiền trả nợ cho từng bữa ăn ấy.
Cực nhất là khi mẹ vắng nhà, bốn chị em phải dựa vào nhau mà sống, tự phải lo lắng cho nhau. Yến con gái thứ 3 của chị sẽ phải đảm đương công việc của mẹ, lo lắng cho hai chị ốm, rồi lại chăm cho em út đang đi học. Chứng kiến cảnh nhà, cô nữ sinh lớp 11 cố gắng giữ niềm tủi phận trong lòng. Em nói với mẹ, rằng sẽ gắng học hết lớp 12 rồi nghỉ, xin đi làm để san sẻ với mẹ gánh nặng kinh tế. Còn ước mơ đại học là điều gì đó rất xa vời.
Bé Út nhà chị Vân cũng đến tuổi đi học. Nhưng chị cũng không đủ tiền để lo cho con. Có những bữa, mẹ gửi tiền về không kịp, không có tiền đóng học, cô bé lại phải nghỉ học ở nhà. Biết được hoàn cảnh của chị, nhà trường đã miễn học phí cho bé Út, nên con vẫn còn có may mắn được đến trường. Ban đầu, chị Vân còn phải lo tiền học thêm cho bé, nhưng khi đến thăm và biết về hoàn cảnh khó khăn của chị, cô giáo cũng miễn luôn cho bé Út tiền học thêm.
Lo lắng miếng ăn rồi tiền ăn học cho con, chị Vân đã những nỗi lo phiền, nhưng khi nhìn đến hai cô con gái lớn, lòng chị càng buồn hơn. Hai con đã ngoài hai mươi tuổi mà cứ lúc tỉnh lúc mê. Đến khi lên cơn, hai chị em còn la ó, chửi bới rồi đánh nhau như người ở hai bên chiến tuyến. Khi tỉnh lại, con gái cả của chị buồn bã chia sẻ: Em không hề muốn làm như vậy, nhưng khi ra đường người ta cứ hắt hủi, rồi bảo em bị khùng. Buồn, tức không biết chia sẻ cùng ai nên khi về nhà, em lại quay ra gây sự với em.
Nhìn hành vi thiếu kiểm soát, thân thể thì ngày một béo phì vì dùng thuốc của các con, chị Vân cũng không biết tương lai các con mình sẽ ra sao khi mai này chị không còn đủ sức khỏe để đi cùng các con.
Người xưa hay ví những người mẹ nghèo với thân cò lặn lội sớm khuya để lo cho con cái. Chị Vân cũng là “thân cò” ấy. Từ sáng đến khuya, chị chỉ biết lấy tiếng rao miệt mài của mình để nuôi dưỡng sự sống quý giá, nhưng chông chênh của các con mình.
Nguồn ảnh và clip nhân vật: Dân Trí
Hy Văn