Tám năm trước, Trác Gia Hưng (25 tuổi, Tp. HCM) đã lập nên đội lân Long Nhi Đường, cưu mang và dạy nghề cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, giúp bọn trẻ có sân chơi lành mạnh, việc làm ổn định, sống hướng thiện và có lý tưởng.

Hằng đêm, tại hành lang tòa nhà Prudential, dưới chân cầu Chà Và (quận 8, Tp. HCM) các thành viên của Long Nhi Đường cần mẫn luyện tập. Những đứa trẻ có cuộc sống kém may mắn, tuổi thơ của chúng là những ngày lang thang đầu đường xó chợ. Mồ côi có, cha mẹ bỏ rơi cũng có, một chữ cắn đôi không biết… chúng kiếm ăn bằng nhiều cách miễn sao được no lòng, tương lai mịt mù vô định.

Chàng trai 25 tuổi ở Sài Gòn có 8 năm cưu mang trẻ em lang thang cơ nhỡ
(Ảnh: Vietnamnet)

Đoàn lân sư rồng Long Nhi Đường được thành lập tháng 4/2010. Những đứa trẻ đầu tiên có hoàn cảnh đặc biệt được tập trung lại. Chúng được nuôi ăn, dạy dỗ điều hay lẽ phải, đoàn lớn dần lên được vài chục em.

Buổi đầu, cả đoàn phải ở nhờ trong đình Vĩnh Hội. Sau này, UBND phường cho mượn căn nhà trên đường Lương Ngọc Quyến để làm nơi trú ngụ. Thấm thoát đã 8 năm, số trẻ kém may mắn đến với Long Nhi Đường đã lên đến hàng trăm. Nhiều em trưởng thành, rời đoàn với hành trang cần thiết, có đứa gặt hái được thành công, quay trở lại giúp đoàn.

(Nguồn clip: VTV)

Nhắc đến Long Nhi Đường, không thể không nhắc đến người anh cả Trác Gia Hưng, một thiếu niên cơ nhỡ nhưng biết vượt khó. Hưng tên thật là Lê Văn Nam, cha mất sớm, gia đình đông con, anh phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Từ nhỏ đã yêu múa lân, tiếng trống nên những lúc rảnh rỗi, Hưng lại tìm đến đoàn lân Tinh Võ (Quận 8) để học nghề và theo thầy đi biểu diễn nhiều nơi.

Nơi Hưng ở vốn là xóm có nhiều tệ nạn, nhiều đứa trẻ có nguy cơ hư hỏng. Một lần anh bắt gặp những đứa trẻ lang thang thường hay tụ tập dưới chân cầu, miệng phì phèo điếu thuốc, tranh giành từng chiếc lon ve chai mà gây gổ đánh nhau. Từ thực trang đó, Hưng quyết định sắm một đầu lân với suy nghĩ quy tụ số trẻ bất hạnh trong xóm, tổ chức múa lân không để chúng có thời gian rảnh rỗi.

Sau nhiều tháng tập luyện, Long Nhi Đường bắt đầu biểu diễn dạo phục vụ bà con trong phường, trường học rồi biểu diễn ở làng trẻ mồ côi, ở chùa, đình các dịp lễ tết, trung thu… Lúc rảnh rỗi, Hưng tranh thủ đi mua đầu lân cũ về phục chế lại, rao bán kiếm thêm thu nhập, mở rộng hoạt động của đội.

Từ ngày vào Long Nhi Đường, bọn trẻ đường phố không còn tinh nghịch như trước. Chúng bỏ hút thuốc, không còn chửi thề mà ngoan ngoãn, gặp người lớn biết chào hỏi, nói năng lễ phép nên ai cũng yêu mến. Tiếng lành đồn xa, những đứa trẻ không nơi nương tựa tìm đến đội lân để tá túc học nghề ngày càng nhiều.

Chàng trai 25 tuổi ở Sài Gòn có 8 năm cưu mang trẻ em lang thang cơ nhỡ
Bữa ăn tập thể của đội Long Nhi Đường. (Ảnh: Vietnamnet)

Long Nhi Đường hiện có 40 thành viên từ 11- 20 tuổi. Trong đó, 25 em cơ nhỡ, không nơi nương tựa, không được học hành phải vào đời rất sớm để kiếm cái ăn.

Đáng thương nhất là hoàn cảnh của Nam (22 tuổi, Quận 5). Cha mẹ qua đời vì căn bệnh thế kỷ, cậu sống cùng bà ngoại, họ lượm lặt ve chai kiếm cơm qua bữa. Từ ngày được Hưng đưa về đội, Nam không còn e dè nhút nhát như trước, lại có thêm thu nhập giúp cuộc sống hai bà cháu thoát khỏi cảnh túng quẫn.

Cùng cảnh ngộ với Nam, em Cường (16 tuổi, Quận Bình Chánh) cũng có quá khứ bất hạnh. Khi Cường được 9 tuổi, cha mất vì bệnh tật, mẹ phải gồng mình nuôi 5 đứa con. Để giảm bớt gánh nặng gia đình và có một cái nghề, Cường tìm đến đội lân nương tựa.

Chàng trai 25 tuổi ở Sài Gòn có 8 năm cưu mang trẻ em lang thang cơ nhỡ

Gia Hưng chia sẻ với Vietnamnet: “Lâu rồi, có một hôm trong lúc cả đội đang tập dượt cạnh cầu Chà Và, một phụ nữ trạc 30 tuổi dẫn 2 đứa con trai còn nhỏ vào nhờ người trong đội giữ giùm với lý do ra ngoài mua sữa. Đường đông xe sợ nguy hiểm cho chúng. Hết buổi tập không thấy chị trở lại. Một ngày rồi liên tiếp 2, 3 ngày sau cũng bặt vô âm tín. Chúng tôi đành phải đưa cháu về đội nuôi dưỡng và báo với chính quyền địa phương. Đứa lớn có tên Mến (khoảng 7 tuổi) cùng em là Hiền (6 tuổi)”.

Những ngày đầu ở với đoàn lân, cả 2 đứa đều nhớ mẹ, có những lúc ngồi khóc một mình. Sau 6 tháng ở với đoàn lân, cả 2 đứa đều tỏ ra thích thú và nụ cười đã nở trên môi.

Chàng trai 25 tuổi ở Sài Gòn có 8 năm cưu mang trẻ em lang thang cơ nhỡ
Hiền và Mến trong vòng tay yêu thương của các anh. (Ảnh: Vietnamnet)

“Sắp tới đội lân sẽ tổ chức sự kiến hướng nghiệp, cho các em học thêm nhiều ngành nghề. Niềm mong ước của tôi là xây dựng được một trung tâm cho và nhận. Chúng tôi sẽ nhận tất cả đồ vật cũ, sửa chữa và tiếp tục cho lại những người khốn khó cần đến. Chỉ một ao ước thế thôi”, Nam bày tỏ.

H.H