Trong khi ngành đường sắt ở nhiều quốc gia trên thế giới đang bị thu hẹp thị phần bởi sự phát triển vượt bậc của ngành hàng không hoặc cao tốc đường bộ thì ở Nhật Bản, ngành này vẫn được quan tâm phát triển đặc biệt. Nhiều người thậm chí còn nhận định rằng: Sau hoa anh đào và sushi, đặc trưng của đất nước mặt trời mọc chính là đường sắt.
Không ngừng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng
Ngành đường sắt của Nhật ra đời từ những năm 1872. Cho đến nay, hệ thống đường sắt của quốc gia này đã được mệnh danh là tốt nhất thế giới, với một mạng lưới rộng khắp vận chuyển 12 tỷ lượt hành khách mỗi năm. Cùng với những uy tín đã được thế giới công nhận trong ngành đường sắt, học giả Fukuzawa Yukichi (người đã viết Thoát Á Luận) đã nhận định: Những chuyến tàu Nhật Bản sẽ trở thành phương tiện kết nối đất nước này với các quốc gia khác trên thế giới, trở thành phương tiện trao đổi văn minh phương Đông và phương Tây.
Trong đó, tiêu biểu phải kể đến tàu cao tốc Shinkansen, một biểu tượng cho sự giao thoa văn hóa và sức ảnh hưởng của trí tuệ Nhật. Từ ngày 01/10/1964, khi lần đầu tiên đoàn tàu Shinkansen khởi hành từ ga Tokyo đến Osaka với chiều dài 600km, hàng nghìn người, từ quan chức chính phủ cho đến người dân đều nín thở chờ tàu kéo còi lăn bước, cho đến nay, thời gian di chuyển của tàu đã được rút ngắn còn 2 tiếng, nhanh gấp 3,5 lần so với 7 tiếng trước đây. Dự đoán trong tương lai vào năm 2027, thời gian này chỉ còn lại 1 tiếng.
Dù tốc độ của tàu Shinkasen chưa thể sánh với máy bay, nhưng người Nhật vẫn không ngừng nghiên cứu để cải tiến. Mới đây, viện nghiên cứu kỹ thuật tổng hợp đường Sắt và JR Tokai đã cho ra đời phiên bản Linear Shinkansen như một “phi thuyền ánh sáng” sử dụng nguyên lý Maglev (đệm từ trường) có thể đạt tốc độ 700km/h vào năm 2027. Nếu tàu Linear Shinkansen được đưa vào sử dụng, nó sẽ vượt cả vận tốc trung trình của máy bay. Điều đáng nói là, quốc gia phát minh ra công nghệ Maglev là Đức, tuy nhiên chính họ cũng chưa sở hữu con tàu nào tương tự như Linear Shinkansen. Người Nhật dù chỉ là học trò nhưng họ luôn là những học trò xuất sắc và sáng tạo, vượt trội hơn cả thầy.
Với hệ thống giao thông đường sắt phát triển bậc nhất thế giới và mạng lưới đường ray phủ khắp cả nước, trên các tuyến đường ở Nhật Bản luôn có vô số điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ. Vậy họ đã làm gì để đảm bảo an toàn giao thông?
Trước tiên phải kể đến hệ thống các gác chắn và đèn báo hiệu. Khi đèn báo hiệu nhấp nháy, các thanh gác chắn sẽ tự động được hạ thấp xuống trước 1 phút trước khi tàu đi qua. Tất cả đều tự động và hoạt động vô cùng chính xác. Thế nhưng, một phần không thể thiếu và đặc biệt quan trọng trong nguyên tắc an toàn ở Nhật, đó chính là ý thức tự giác của người dân.
Người Nhật thường không băng qua đường ray khi đã có tín hiệu đèn, ngay cả khi các thanh gác chắn chưa hạ xuống.Thậm chí, khi không có tín hiệu đèn, họ cũng không vội vã qua đường ngay mà luôn chạy xe chậm lại, quan sát 2 bên đường cẩn thận rồi mới đi. Các tài xế Nhật luôn đợi xe phía trước qua đường ray an toàn và có đủ khoảng cách cho xe qua rồi mới bắt đầu lăn bánh. Hành động nối đuôi xe qua đường không được chấp nhận ở quốc gia này vì như vậy là không an toàn.
Nếu đem điều này so sánh với quán cà phê ngay trên đường ray tàu ở Việt Nam thì có vẻ như người Nhật đang “cẩn thận thái quá”?
Cách đây không lâu, vào năm 2017, một quán cafe đã được mở ngay trên một đoạn đường ray tại Hà Nội, trở thành điểm thu hút rất đông khách du lịch và những người ưa thích mạo hiểm. Chẳng những không ý thức được mối nguy hiểm tiềm ẩn mà đối với không ít người, hình ảnh những vị khách nước ngoài, từ Châu Âu, Châu Mỹ cho đến Châu Phi ngồi nhâm nhi ly cafe nóng, thong thả trò chuyện cùng nhau rồi nhấp nhổm bỏ chạy khi đoàn tàu đến gần còn là một sự “sáng tạo tinh tế” nhằm kéo văn hóa phương Tây xích lại gần với vùng đất Á đông?
Dù tiệm cafe “độc đáo” ấy đã bị xóa sổ nhưng một câu hỏi có lẽ vẫn đau đáu trong cộng đồng người Việt: Đến khi nào người dân chúng ta mới có ý thức về an toàn giao thông giống như nước bạn, nhất là khi an toàn ấy lại là cho chính mình?
Chữ tài còn phải đi với chữ tâm
Ở Nhật, người ta không chỉ chú trọng phát triển hạ tầng và kỹ thuật trong ngành đường sắt mà còn đặc biệt biết chăm sóc khách hàng. Nếu như các nước sẵn sàng hủy chuyến hoặc tạm ngưng hoạt động để tránh bù lỗ khi không có đủ khách thì người Nhật lại sẵn sàng “3 năm chỉ phục vụ một hành khách” hay “cử một đoàn tàu đến đón 2 vị khách tận quãng đường xa xôi”,… Dù phải gánh thêm một khoản phí không nhỏ để vận hành thì người Nhật cũng không bao giờ bỏ mặc những vị khách của mình bị muộn học hoặc bơ vơ ngoài đường. Ở Nhật, những câu chuyện tưởng chừng như phi lý ấy vẫn luôn có thể xảy ra, bởi trên hết, họ đặt mục tiêu “nghĩ cho người khác” lên hàng đầu, cả trong kinh doanh và cuộc sống.
Mặc cho thế sự xoay vần và thử thách liên tục ập đến, người Nhật vẫn gặt hái được rất nhiều thành công trong ngành đường sắt. Họ không chỉ tạo nên một hình ảnh đẹp mà còn là bài học đáng suy ngẫm cho nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ trong kinh doanh, tài năng mà đi cùng với chữ tâm thì thương hiệu sẽ luôn giữ được uy tín dù cho xu thế có biến đổi chăng nữa. Sự thuận tiện sẽ thu hút được thêm nhiều khách hàng mới nhưng chữ tâm kia mới chính là chìa khóa giữ chân những khách hàng trung thành nhất.
Video xem thêm: Hành trình 20 năm dũng khí niềm tin (Phần 2)