Người chồng giúp vợ bị bệnh thay tã, luôn đồng hành bầu bạn cùng vợ, cho dù cực khổ thế nào tình cảm của họ vẫn ngọt ngào như mía lùi.

Câu chuyện được đăng tải trên tờ Toutiao khiến nhiều người xúc động.

***

Chào mọi người, tôi tên là Chúc Tự Mẫn, năm nay 45 tuổi, đến từ Bảng Phụ An Huy, Trung Quốc. 11 năm trước, người tôi yêu nhất trên đời, Lưu Doanh bị chẩn đoán mắc phải căn bệnh hiếm gặp trên thế giới, motor neuron diseases, dần dần trở thành người tàn tật. Năm 2009, cô ấy mất hoàn toàn khả năng tự chăm sóc bản thân, từ đó gia đình 3 người chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình nghèo khổ và tự chăm sóc lẫn nhau.

Chúng tôi không có bất kỳ nguồn kinh tế nào, chỉ có thể dựa vào thu nhập của năm hoặc sáu mẫu đất. Chi phí y tế chữa bệnh cho vợ hàng năm lên tới hàng chục ngàn nhân dân tệ là nhờ sự trợ giúp của xã hội, người thân và bạn bè. Nhưng giữa những khó khăn đó, tôi lại tận hưởng niềm hạnh phúc không giống như bình thường.

Tôi và Lưu Doanh cùng tuổi, đều sinh năm 1975, trong suy nghĩ của tôi, Lưu Doanh luôn là một người phụ nữ mạnh mẽ, dũng cảm, thông minh và xinh đẹp. Cô ấy cũng như tôi đều xuất thân từ gia đình nghèo khổ, nhưng lực học của tôi không tốt, còn cô ấy học rất giỏi luôn đứng trong top 3 của lớp. Sau đó, cô ấy thi đỗ vào cấp 3, nhưng vì không đủ khả năng đến trường, Lưu Doanh đã đến Hạ Môn để làm việc năm 16 tuổi và mở nhà máy của riêng mình khi 23 tuổi. Còn tôi vẫn ở lại nông thôn làm thuê.

Sau đó tôi kết hôn nhưng không hạnh phúc, vợ cũ và tôi gặp nhau do người quen giới thiệu. Qua một thời gian chung sống, chúng tôi thường xuyên cãi nhau vì những bất đồng nhỏ nhặt, cuối cùng quyết định ly hôn.

Năm 2000, tôi và Lưu Doanh gặp lại nhau trong buổi họp lớp. Lúc đó, cô ấy thất bại trong kinh doanh, đang nợ rất nhiều tiền. Hai kẻ bi thương gặp nhau và có nhiều sự đồng cảm, sau một thời gian qua lại chúng tôi quyết định kết hôn, về chung một nhà. Vợ chồng đã làm việc chăm chỉ, trả hết khoản nợ trong vòng 5 năm.

Năm 2005, con trai tôi chào đời, cả gia đình chuyển về quê dựa vào việc làm nông kiếm sống, rồi lại 2, 3 năm qua đi. Khi đó, chúng tôi đã lên kế hoạch đợi con trai đi học mẫu giáo thì trở lại Hạ Môn. Cho đến một ngày năm 2008, Lưu Doanh bắt đầu có những biểu hiện như thường xuyên ngất xỉu, chân tay bủn rủn, ngã quỵ khi bước đi, cơ thể xanh xao, yếu ớt. Tôi đã đưa vợ đi nhiều nơi khám bệnh mà không tìm ra được nguyên nhân.

Cho đến tận năm 2009, vợ tôi mới được chẩn đoán chính xác, nhưng lúc đó, cô ấy đã không thể ra khỏi giường. Bác sĩ nói rằng tình trạng đã xấu đi quá nhanh và cô ấy chỉ có thể sống tối đa khoảng 1 năm và nói tôi đưa cô ấy về nhà, ăn ngủ tốt, đừng tìm kiếm các liệu pháp y tế nữa.

Nghe tin tôi như sụp đổ, người tốt sao lại có kết cục như thế, khi mà cuộc sống tốt đẹp của chúng tôi vừa mới bắt đầu. Vì thế, tôi quyết định bán hết tài sản, cố tìm một con đường sống cho vợ.

Đến mùa thu năm 2009, Lưu Doanh đã mất hoàn toàn khả năng tự chăm sóc bản thân, không thể tự chủ và phải thay khoảng 10 chiếc tã mỗi ngày. Để cứu cô ấy, tôi bắt đầu mua các loại thuốc nhập khẩu đắt tiền, tình trạng phát bệnh của Lưu Doanh dần dần chậm lại, nhưng vẫn hết sức tồi tệ.

Mùa hè năm 2010, tôi bắt đầu phải đi vay nhiều tiền để chữa bệnh cho vợ, các chi của Lưu Doanh bị tê cứng, mất dần khả năng nhận thức.

Từ khi cô ấy bị bệnh, tôi chưa từng có một giấc ngủ ngon. Mỗi ngày đều massage cho vợ 2-3 giờ, cứ 2 tiếng lại giúp cô ấy lật người một lần, cho uống thuốc. Vì cô ấy thường xuyên bị nghẹn thở nên thỉnh thoảng tôi phải kiểm tra. 

Trong hai năm đầu, tâm trạng của cô ấy rất tồi tệ, từ người phụ nữ mạnh mẽ trở thành một người tàn phế, tất nhiên sẽ rất chán nản.

Để làm cho cô ấy hạnh phúc, ấm áp và bình an, tôi chưa bao giờ rời xa vợ hơn hai giờ trong mười năm qua, ngoại trừ đi đến những nơi khác để lấy thuốc. Khi đi ra ngoài lấy thuốc tôi cũng nhờ người thân chăm sóc hộ. Bình thường cho dù việc làm nông có bận rộn đến đâu thì cũng khoảng 2 giờ tôi lại về nhà một lần. Cô ấy nói rằng, mỗi ngày mở mắt ra nhìn thấy tôi và con trai cùng ánh mặt trời là biết một ngày đã trôi qua.

Con trai chúng tôi từ nhỏ đã rất nghe lời, khi biết mẹ bị bệnh, ngày nào cũng ở bên giường bệnh bầu bạn với mẹ, không khóc hay làm ồn, kể chuyện cho mẹ nghe. Mỗi ngày đi học về nhà việc đầu tiên làm là thăm mẹ rồi kể cho mẹ nghe những chuyện ở trường.

Con trai học hành cũng rất giỏi, thường nằm trong nhóm đứng đầu lớp. Tôi nhớ khi con trai tôi học tiểu học đã viết cho tôi một đoạn văn vào Ngày của Cha, tôi đã khóc ngay khi đọc được bài văn.

Thằng bé viết: “Bố, bố là người có trách nhiệm, còn mẹ là người phụ nữ dũng cảm và mạnh mẽ nhất trên đời. Bố mẹ trong trái tim con đều rất tuyệt vời, có hai người con cảm thấy bản thân rất hạnh phúc, mặc dù từ nhỏ con chưa từng được mặc quần áo mới, cũng chưa từng được mua đồ chơi, tất cả những đồ dùng của con đều là do người khác vứt đi, nhưng con cảm thấy những gì mình có được đáng để trân trọng. Con luôn có bố và mẹ, cũng cảm thấy rằng thế giới này thật ấm áp, bạn bè, thầy cô và cả những người tốt giúp đỡ gia đình chúng ta, đều khiến con rất hạnh phúc. Bố ơi, chúc bố ngày của cha vui vẻ, Minh Sướng yêu bố”. 

Lưu Doanh bị bệnh nhiều năm, cuộc sống cực khổ cũng chưa từng khiến tôi bật khóc, nhưng lá thư của con lại khiến tôi không cầm được nước mắt. Con người trong hoàn cảnh khó khăn có thể cảm nhận được hạnh phúc, đây mới là hạnh phúc thật sự.

Tôi cảm thấy cuộc sống cực khổ nhất là thuộc về mấy năm trước, nhà bán rồi, chúng tôi dựng một ngôi nhà tạm bợ có hai gian sống qua ngày trong thôn. Trời mưa thì đột nước, cũng chẳng có tiền sửa. Mỗi năm Lưu Doanh khám bệnh đều cần vài chục nghìn Tệ, mùa vụ thu hoạch cũng chỉ khiến chúng tôi không chết đói. Tất cả bạn bè người thân đều vay tiền cả lượt, thường hay đi đến đường cùng.

Nhưng cũng chẳng sao cả, chỉ cần tôi còn sống một ngày, tôi sẽ không để cho người thân bên cạnh rời bỏ tôi mà đi. Tiếp tục vay tiền, tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ. Đây là ngôi nhà chúng tôi thuê 2 năm trước, trong đó có một cái điều hòa chỉ được bật khi chúng tôi nóng đến mức không chịu được, cả sớm tôi đều phải dùng quạt tay quạt cho vợ.

May mắn thay, chúng tôi cứ thế từng bước, từng bước bước đi, tất cả cay đắng ngọt bùi đều trải qua nhưng chỉ cần nhìn thấy vợ tôi vẫn còn sống, con trai khỏe mạnh trưởng thành, tôi đã cảm thấy mình là một người đàn ông thành công rồi. 

Từ khi Lưu Doanh bị bệnh, tôi cảm thấy bản thân đã học được rất nhiều kỹ năng, may vá, làm cơm, sắc thuốc, cắt tóc, tôi đều biết hết. Gia đình ba người chúng tôi, 10 năm nay chưa từng đến tiệm cắt tóc, tất cả đều là do tôi tự cắt. Suốt cả một chặng đường gian nan như thế tôi chưa từng than vãn, từ nhỏ gia đình đã nghèo khó, sau này lại trải qua nhiều chuyện như vậy, than vãn thì có tác dụng gì? Chỉ có sự kiên trì và lạc quan mới có thể tiếp tục sống tiếp.

Trước cửa nhà, tôi trồng rất nhiều loại rau mà Lưu Doanh thích ăn. Mỗi ngày nấu 3 bữa cơm là việc làm yêu thích của tôi, bởi vì khi nhìn thấy vợ ăn cơm, cảm giác gì đó rất mãn nguyện. Nhưng tôi vẫn có cảm giác có lỗi, đó là với con trai tôi, thằng bé bây giờ đã 14 tuổi, đang trong giai đoạn phát triển nhưng không đủ dinh dưỡng để trưởng thành. Những đứa trẻ khác đều có rất nhiều loại đồ ăn vặt và sữa, còn thằng bé chỉ có cơm với rau xanh.

Tôi vô cùng biết ơn những người đã giúp đỡ chúng tôi giống như bác sỹ Miêu này. Vài năm trước chúng tôi luôn dựa vào thuốc tây và thuốc trung để trị bệnh, ngôi nhà chúng tôi đang thuê cũng là nhờ những người có lòng tốt giúp chúng tôi chi trả.

10 năm qua, những gì tôi bỏ ra vì Lưu Doanh cảm thấy rất đáng. Ngày tháng trôi qua khô khan nhưng nhìn thấy cô ấy sống là “niềm tự hào” có giá trị nhất. Ông trời đã giao cô ấy cho tôi, vậy thì tôi phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc cho cô ấy đến cùng. Cô ấy thường nói tôi ngốc, nói có thể bỏ rơi cô ấy, nếu thực sự làm vậy, tôi còn là một người đàn ông sao? Có cô ấy chúng tôi mới là một gia đình hoàn chỉnh.

Nguyện vọng lớn nhất của tôi bây giờ là Lưu Doanh sớm khỏe lại, tôi không mong cô ấy chữa khỏi hẳn, miễn là cô ấy có thể tự chăm sóc bản thân mình để tôi ra ngoài kiếm sống. Tôi không thể sống dựa mãi vào sự giúp đỡ của người khác, phải học cách nuối sống bản thân, chỉ khi bản thân tự cường mới có thể thay đổi được vận mệnh. Con trai có thành tích rất xuất sắc, tương lai còn phải đi học đại học, những chuyện cần tiêu đến tiền vẫn còn rất nhiều. Tôi tin chỉ cần có động lực, thì mọi cực khổ sẽ qua đi.

***

Trên đây là câu chuyện của Chúc Tử Mẫn, nếu tính toán kỹ thì trong 10 năm qua, anh ấy đã giúp vợ thay hơn 30 nghìn cái tã và lật người 50 nghìn lần, đút cả vạn bữa ăn và vài nghìn lần cho uống thuốc. Những điều này từng chút từng chút một đã trở thành toàn bộ cuộc sống của họ trong những năm tháng qua.

Ngọc Linh

Theo Nocancers/ Ảnh: Toutiao

Video xem thêm: Hãy làm chồng tốt, sẽ có vợ hiền

videoinfo__video3.dkn.tv||981574329__