Trong căn nhà nhỏ thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, khi mẹ bệnh nặng, một người đàn ông họ Vương đã lấy tấm chăn lớn đặt bà trên lưng để đưa bà tới phòng khám cách nhà 5 cây số.  

“Mẹ đã nuôi dưỡng tôi từ bé, bây giờ tôi chăm sóc lại cho bà. Như thế mới hợp đạo lý”,  ông Vương nói.

Khi câu chuyện của ông Vương được đăng tải lên mạng xã hội, ông nhanh chóng trở thành tấm gương của lòng hiếu thảo và tấm lòng của ông thật sự khiến mọi người cảm phục. Mẹ của Vương năm nay 89 tuổi, bà bị cao huyết áp và viêm dạ dày mãn tính. Mỗi tháng ông phải đưa mẹ đến phòng khám một lần để điều trị.

(Ảnh: Pear video)

Ông cũng có ba người anh em nhưng sau lần chia tài sản 20 năm trước, họ giao trách nhiệm chăm sóc mẹ già cho ông Vương.

Trước năm 2010, ông không phải cõng mẹ đi như thế vì tại địa phương có tận hai phòng khám, bác sĩ có thể đến nhà ông Vương để chữa trị cho bà cụ. Nhưng sau đó hai phòng khám đã sát nhập làm một, vì tình trạng thiếu bác sĩ nên họ không thể đến được nữa. Từ đó, ông phải cõng mẹ trên lưng, vượt 5km đến phòng khám mỗi lần chữa trị cho bà.

(Ảnh: Pear video)

Một người qua đường đã xúc động khi vô tình chứng kiến cảnh này. Anh ta chụp ảnh và được ông Vương kể lại toàn bộ câu chuyện của mình.

“Nếu tôi chở bà bằng xe máy, bà có thể bị rơi ra sau vì tay rất yếu. Cách an toàn nhất mà tôi có thể nghĩ ra là cõng bà trên lưng như thế này. Sau khi chữa trị, tôi lại cõng mẹ về nhà”, ông Vương chia sẻ.

Mẹ ông cũng rất cảm động về tình cảm con trai dành cho mình: “Tôi nuôi nó từ lúc còn bé tí, bây giờ nó chăm sóc lại cho tôi. Vương là đứa con duy nhất mà tôi có thể tin cậy”.

Vương là đứa con duy nhất mà tôi có thể tin cậy. (Ảnh: news.ifeng.com)

Cư dân vùng này vẫn thường sử dụng dây để mang trẻ nhỏ trên lưng. Ông Vương có kinh nghiệm hơn 30 năm về chuyện này, ông cũng đã sử dụng chúng để cõng 3 đứa con nhỏ, bây giờ đến lượt mẹ của mình.

Lúc được hỏi anh cảm thấy thế nào khi trở thành tấm gương của lòng hiếu thảo, ông Vương khiêm tốn trả lời rằng: “Đó là nghĩa vụ của tôi. Cha mẹ chăm sóc ta khi còn bé, ta chăm sóc lại bố mẹ khi về già. Đó là đạo lý”.

Chúng ta rồi cũng sẽ già, cũng cần sự quan tâm chăm sóc từ con cháu. Cha mẹ già được chăm sóc sẽ cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc. Vậy nên phận làm con nên để tâm đến bố mẹ nhiều hơn để làm gương, để sau này mình có thể nhận được sự chăm sóc như vậy từ con cháu.

Tuấn Vũ