Mặc dù bị khiếm thị từ khi còn nhỏ nhưng anh Firdaus ở Malaysia đã nỗ lực vượt qua những thử thách trong cuộc sống và trở thành một công dân có ích cho xã hội, một người chồng, người cha tuyệt vời. Trải nghiệm của anh cùng những bài học sâu sắc anh nhận ra khi sống trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy đã mang đến sự khích lệ cho rất nhiều người.

Mỗi ngày, anh Firdaus bắt tàu đưa con trai nhỏ 8 tháng của mình tới tới nhà trẻ. Anh chia sẻ thực lòng: “Vợ tôi và tôi làm việc tại những địa điểm khác nhau. Nơi tôi làm việc gần nhà trẻ hơn, vì thế tôi đưa cháu đi học mỗi ngày.”

Cả Muhamad Firdaus bin Hairi, 29 tuổi và vợ anh, cô Noor Hidayah binti Ibrahim đều bị mù.

Anh Firdaus dù bị khiếm thị nhưng mỗi ngày đều đưa con trai tới nhà trẻ, anh có một cuộc sống năng động và hạnh phúc

Không bị mù bẩm sinh

Firdaus đã kể với chúng tôi câu chuyện buồn của cuộc đời mình: “Tôi sinh ra là một đứa trẻ bình thường và hoàn toàn không bị mù. Trong khi chuẩn bị kỷ niệm ngày sinh của tôi ở bệnh viện, người ta đặt quá nhiều đèn gần chiếc cũi tôi đang nằm. Đôi mắt tôi không được che chắn cẩn thận và dây thần kinh thị giác đã bị phá huỷ.”

Firdaus sinh ra ở Selangor, Malaysia và học phổ thông ở Port Klang. Sau đó anh tiếp tục học ở trường đặc biệt dành cho người khiếm thị. Anh theo đuổi việc học và nghiên cứu chuyên sâu kinh Cô-ran và giảng Đạo tại khoa phát triển kinh Cô-ran Darul của Đạo Hồi ở Selangor. Từ 2014, anh làm thư ký cho Quỹ Alfitrah. Công việc của anh là đọc và sửa bản in thử kinh Cô-ran bằng chữ nổi cho người khiếm thị, đồng thời sản xuất những tài liệu khác bằng chữ Braille.

Tình yêu của cuộc đời

Gương mặt của Firdaus ánh lên sự hạnh phúc và một chút thẹn thùng khi anh được hỏi về tình yêu và cuộc hôn nhân của mình, rằng anh đã gặp vợ trong hoàn cảnh như thế nào. Anh vừa mỉm cười vừa chia sẻ: “Tôi biết vợ tôi từ thời học trung học. Chúng tôi cùng là vận động viên. Cô ấy đại diện cho trường thi các cự li 100 mét và 200 mét, còn tôi thi ở cự li 400 mét, 800 mét và 1500 mét. Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi mất liên lạc với nhau khoảng 10 năm, vì tôi học kinh Cô-ran còn vợ tôi làm biên tập sách Braille cho một công ty ở Kuala Lumpur.”

Nhưng số phận luôn dành cho mỗi người một con đường riêng và chúng ta sẽ từng bước khám phá con đường ấy trong sự bất ngờ. “Chúng tôi gặp lại nhau tại một sự kiện nơi tôi giảng kinh Cô-ran”, anh Firdaus chia sẻ. “Tình yêu bắt đầu từ đó và một thời gian sau, chúng tôi kết hôn”. Hiện tại họ rất tự hào làm cha mẹ của bé trai 8 tháng tuổi và bé có thị lực bình thường.

Cuộc sống thường ngày

Mặc dù bị khiếm thị nhưng mọi việc trong cuộc sống của Firdaus vẫn diễn ra một cách bình thường. Anh thậm chí còn sử dụng chức năng tin nhắn của điện thoại và gửi được thư điện tử! Anh kể với chúng tôi: “Tôi làm mọi việc như một người bình thường, khác biệt duy nhất là tôi sử dụng phần mềm đọc màn hình. Điều này có nghĩa là những gì ở trên màn hình có thể được một phần mềm đọc to lên và tôi nghe qua đó. Tên của phần mềm này là JAWS dùng cho các máy tính, và Talkback cho điện thoại hệ Android. Vì thế tôi không khó khăn trong việc hồi đáp.”

“Vì sao tôi lại đi tàu, vì với chúng tôi việc đi bằng tàu rất dễ dàng. Hơn nữa, nhà tôi và chỗ làm việc đều gần bến tàu. Còn đi xe buýt lại khá khó với chúng tôi vì chúng tôi không nhìn thấy số xe và các bến đỗ.”

Lời khuyên từ trải nghiệm

Anh Firdaus đã chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc của mình về cuộc đời và số phận: “Những người “bình thường” nên phải tạ ơn Chúa, và dùng những tri giác của họ một cách thông minh vì lợi ích của tất cả mọi người.”

“Mọi người không nên xem thường những người “không hoàn hảo” vì họ có thể hoàn hảo và đặc biệt ở những phương diện khác. Tôi muốn nói với tất cả những người khuyết tật rằng đừng mặc cảm về những khiếm khuyết của chúng ta. Chúa đã tạo ra chúng ta theo những cách khác nhau, vì một lý do nào đó. Chúng ta phải cố gắng trở nên thành đạt. Không có người cao quý hay bình dân, tất cả chúng ta đều cùng một nguồn gốc, cùng là những tạo vật của Chúa.”

Quả thực, chúng ta được ban tặng quá nhiều phúc lành trong cuộc sống, nhưng lại để bản thân bị giam cầm bởi những điều nhỏ nhặt, những được mất hơn thua khi so sánh với người khác. Những người như Firdaus giúp chúng ta nhận ra việc vượt qua những thách thức có nghĩa như thế nào. Anh nhắc chúng ta về thái độ biết ơn với những gì mình đang có, để sống, để yêu thương và để làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Anh đánh thức trong chúng ta niềm tin vào Chúa, vào những Đấng Tối Cao đã an bài cuộc đời cho con người và vẫn luôn luôn dõi theo con người mặc dù thế nhân không nhìn thấy sự tồn tại của họ. Cuộc sống và niềm tin của Firdaus cho chúng ta thấy rằng chỉ cần trong lòng người có Chúa, họ đã có thiện lương, họ sẽ không sợ hãi và lo lắng, họ có thể vững bước trên con đường mà Đấng Tối Cao đã sắp đặt cho họ, trong đó có cả thử thách, khó khăn. Kỳ thực, với những ai có nền tảng cuộc sống dựa trên đức tin vào Thần, Phật, cuộc sống của họ chưa bao giờ là bất công hay ngẫu nhiên, cũng chưa bao giờ là cùng đường tuyệt vọng.

Còn bạn, bạn đã lựa chọn cho mình nền tảng vững chắc và giá trị đúng đắn như vậy chưa?

Xuân Dung – Tịnh Thủy

Xem thêm: