Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.

Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!

***

Có lần tôi dặn cậu em mới quen cách treo quần áo trên giàn phơi sao cho lịch sự. Tôi dặn cậu ấy rằng đồ lót nên được treo khuất vào bên trong để tránh bị phản cảm, nhưng cậu gạt phắt đi lý do là vì giàn treo ở tầng hai, mà chả mấy người qua lại, làm như thế mất thời gian lắm.

Ô hay, chỉ vì mất thêm chút thời gian mà sẵn sàng xuề xòa với chính mình ư. Giàn phơi ở tầng hai nhưng trong khu nhà trọ có phụ nữ thì cũng không cần tôn trọng ư? Người ta thường nói với tôi rằng: “Anh cẩn thận quá, chẳng mấy ai để ý đâu. Thời buổi này cái gì cũng nên phiên phiến để còn tập trung vào những việc quan trọng khác”. Tôi thì không cho đó là sự cẩn thận thái quá, tôi gọi đó là sự tinh tế, tinh tế trong quan sát, tinh tế trong việc đánh giá và cả trong từng ý nghĩ, hành động. Đó là điều nên lưu tâm thực hành hàng ngày chứ không nên thứ xa xỉ chỉ được bày trang trọng trong những trang sách.

(Ảnh: Pixabay)

Tinh tế là cụm từ chỉ sự tỉ mỉ, cặn kẽ, tinh vi, người tinh tế là người nhạy cảm có khả năng đào sâu vào những tình tiết nhỏ, nắm bắt và thấu hiểu cảm giác của những người xung quanh.

Nhiều người thường nghĩ rằng, chỉ có phụ nữ mới nên sở hữu tính cách tinh tế. Cũng có nhiều lần trong cuộc sống chúng ta gặp những lời phàn nàn về người phụ nữ không khéo léo trong cuộc sống gia đình, ám chỉ rằng cô ta không tinh tế. Nhưng thực ra sự tinh tế là đức tính cần được giáo dưỡng mà ai cũng phải có. Bởi vì nó là vẻ đẹp của quá trình học hỏi, trải nghiệm, và ẩn chứa trong đó là tình yêu thương cũng như sự quan tâm đến người khác.

Có một định nghĩa rất khác về sự tinh tế

Trong tập san số 4 – Đại Kỷ Nguyên Tiếng Việt có một câu chuyện của một người cháu kể về ông bà mình. Có lần trong cuộc họp gia đình, bà đưa ra một ý kiến không thỏa đáng, nhưng ông vẫn lên tiếng giáo huấn cả nhà để bảo vệ bà. Sau đó ông vào phòng của con trai và nói nhẹ nhàng rằng: “Lẽ nào cha không biết mẹ con sai, đương nhiên cha biết, nhưng nếu ngay cả cha cũng không bảo vệ mẹ con thì mẹ con sẽ sống ra sao?” 

(Ảnh: Pxhere)

Câu chuyện đó chỉ là một phần nhỏ trong hàng loạt những hành động vô cùng tinh tế mà hai ông bà dành cho nhau. Nhưng nó đã làm tôi cảm động sâu sắc. Trong cuộc sống hằng ngày liệu còn cặp vợ chồng nào đối xử với nhau bằng sự tinh tế và tôn trọng đối phương đến như vậy hay không.

Một bạn đồng nghiệp cũ của tôi là người sống rất cá tính. Cô sẵn sàng quát nạt cả sếp khi họ làm việc gì đó không vừa lòng cô. Tất nhiên năng lực của cô cũng rất khá và làm việc chuyên tâm, nhưng khi có người góp ý về cách nói chuyện thì cô lại từ chối tiếp thu. Cô cho rằng đó là sự thẳng tính, nghĩ sao nói vậy là cách sống của những người phụ nữ mạnh mẽ. Vì là người nhà của Giám đốc nên không ai tỏ ý khó chịu nhưng dần dà những đồng nghiệp chúng tôi không còn ai ở bên cô, người thì chuyển bộ phận khác, người thì như tôi… quyết định nghỉ việc.

Đôi khi chúng ta chỉ  quan tâm tới sự việc mà quên đi cảm xúc của người đối diện. Có muôn vàn cách để bày tỏ sự không đồng tình, nhưng chỉ cần một câu nói tế nhị thôi thì chẳng phải mọi chuyện đều êm thấm hay sao? Quan trọng không phải là ta có đầu óc tinh tế hay không, cái đó ta có thể rèn luyện dần dần, cốt yếu chính là ta có thể vứt bỏ những quan niệm cố chấp để sống vì người khác hơn một chút không.

Những người mà tôi từng quen trong số họ cũng có những người thực sự là tấm gương về cách sống. Thầy tôi luôn ăn mặc chỉnh tề khi xuất hiện trước đám đông, khi được hỏi, Thầy trả lời rằng đó là cách để thể hiện sự tôn trọng với người khác. Ông ngoại tôi khi quét sân vẫn luôn cố gắng quét thêm cả phần sân nhà hàng xóm và đôi khi còn quét luôn cả con ngõ chung dẫn vào khu tập thể. Một bạn đồng nghiệp của tôi sẵn sàng dành thêm chút thời gian cuối ngày làm việc thứ 6 để dọn dẹp lại bàn ghế và đồ đạc trên bàn của anh em trong phòng, lau chùi và để chúng đúng vị trí. Anh làm việc ấy tuần này qua tuần khác mà không nói lấy một lời oán thán.

Tất cả những hành động đó là biểu hiện của sự tinh tế. Vậy thì sự tinh tế đâu còn là một cụm từ xa vời nữa, chỉ cần ta rèn rũa hàng ngày thì trước hết chính bản thân ta có một tâm hồn cởi mở hơn, khoáng đạt hơn. Kế đến chính là ta nhận được sự yêu thương và tôn trọng từ những người xung quanh.

Câu hỏi đặt ra: Làm sao để rèn được sự tinh tế?

(Ảnh: linyi.focus)

Ông cha ta có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thưở bơ vơ mới về”. Nền tảng giáo dục của gia đình chính là yếu tố quan trọng để hình thành tính cách của con người. Một người thô lỗ hời hợt thì phần nhiều trách nhiệm đến từ cách dạy dỗ và làm gương của cha mẹ.

Tôi may mắn khi được sống cùng ông ngoại, một người được hưởng nền giáo dục của Pháp từ khi còn nhỏ. Nhưng phảng phất trong cách giáo dục đó, là niềm tin vào cái thiện, tin vào truyền thống và gia phong.

Khi còn bé, bên nhà hàng xóm có người bị tật ở chân, tôi thấy thú vị liền bắt trước đi lại như thế, được một tuần thì hóa thành quen, bình thường đi lại cũng lặc lặc. Ông chính là người đã nói rằng nếu không sửa được dáng đi thì cho nghỉ một năm học để ở nhà tập đi đứng cho đàng hoàng. Huống hồ bắt trước người tật nguyền cũng là một hành vi xấu, là chế giễu những mảnh đời bất hạnh. Từ đó tôi cũng không còn dám tái phạm và cố gắng sửa lại dáng đi của mình.

Một đứa trẻ nếu ghi nhớ lời dạy rằng nói năng phải nhỏ nhẹ, tôn trọng không gian chung thì khi chúng lớn sẽ không bao giờ dám hát karaoke to tiếng vào đêm 30 tết. Nếu được dạy rằng ăn cơm không được chống đũa, ngồi ăn phải ngay ngắn khoanh chân và phải hiểu được sự vất vả của người làm ra hạt gạo thì khi lớn lên sẽ không dám lãng phí thức ăn.

Một đứa trẻ được dạy rằng khi người khác cho thứ gì thì trước hết phải lễ phép từ chối và xin phép cha mẹ mới được nhận. Sau khi nhận phải nói lời cám ơn, thì sao có thể sinh ra thói tự ý dùng đồ của người khác, thậm chí là trộm cắp lừa đảo.

(Ảnh: maxpixel.net)

Nếu như trẻ con được dạy phải biết nhường lại một phần thức ăn cho người đến sau, giúp đỡ cha mẹ việc nhà, và hiểu về khó nhọc của cha mẹ, thì sao lớn lên có thể nhẫn tâm để cha mẹ mang tội nợ cho máu đỏ đen của mình. Nếu chúng biết đi thưa về gửi, đến nhà người lạ phải lễ phép, đối với bạn bè phải chan hòa thì lớn lên cũng sẽ là người lễ độ và lịch thiệp.

Nếu người lớn trong nhà không xuề xòa cho những lỗi nhỏ nhặt của con thì khi chúng lớn lên cũng rèn được thói quen không bỏ qua cho mình những sai lầm dù là nhỏ nhặt nhất. Nếu người lớn có thể ân cần và vị tha với người khác thì trẻ con cũng sẽ làm giống y như vậy với những người mà chúng gặp.

Hành động thời ấu thơ, đúng như cái tên của nó, tinh tế, bé nhỏ, nhưng thực ra lại là bước đệm quan trọng nhất của đời người. Sự tế nhị và nhạy cảm không phải là một tính cách độc lập, nó bắt nguồn từ tình yêu thương, cái đẹp, đặc biệt là một lối sống đẹp, tôn trọng phẩm giá và biết nghĩ cho người khác. Nó phảng phất trong từng hành động nhỏ và cần được bồi đắp ngày qua ngày.

Thế nhưng có người nói rằng: “Gia đình tôi vốn lao động chân tay, học hành ít thì lấy đâu ra tinh mới chả tế”. Không phải vậy đâu bạn ạ, không phải gia đình giàu có mới là gia giáo và ngược lại không phải gia đình nông dân thì con cái đều không đàng hoàng. Ngoài kia vẫn còn rất nhiều người tuy thân phận thấp bé nhưng nhân cách của họ thật đáng nể trọng. Vậy tại sao ta cứ phải vin vào hoàn cảnh để biện minh cho cách sống của mình. Tinh tế ở nhân cách đâu có phụ thuộc vào điều kiện gia đình đâu.

Trọng Đạt