Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.
Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành cho riêng mình!
***
Từ xa xưa, trà vốn đã là thức uống quen thuộc trong đời sống của mỗi chúng ta. Thưởng trà là thú vui, là nét tao nhã trong văn hoá truyền thốn. Nhưng hơn cả vị ngon của trà, của chiếc ấm quý pha trà là người bạn tri âm cùng thưởng chén trà đó.
Ngày xưa có một phú ông rất thích thưởng trà. Phàm là người đến nhà dùng trà, dù là người nghèo hay giàu thì ông ta đều sẽ phân cho hạ nhân chiêu đãi.
Một hôm nọ, có một gã ăn mày rách rưới đứng trước cửa nhà phú ông, không xin cơm, chỉ nói đến xin bát nước trà. Hạ nhân cho ông ta vào nhà, rồi đun trà cho uống.
Gã ăn mày nhìn nhìn rồi nói: “Trà này không ngon”.
Hạ nhân nhìn ông ta lấy làm lạ rồi đổi một bát trà ngon khác.
Gã ăn mày ngửi ngửi, nói: “Trà này ngon, nhưng nước vẫn chưa được, phải dùng nước suối trong”.
Hạ nhân nhìn ra ông ta cũng có chút hiểu biết, liền đi lấy nước suối cất trữ từ sáng sớm ra để pha trà.
Gã ăn mày nhấp thử một ngụm, nói: “Nước rất tốt, nhưng củi sao trà không được, củi phải dùng củi sau núi. Bởi vì củi phía trước núi đón nắng nên chất củi xốp, còn sau núi chất củi chắc cứng”.
Hạ nhân cuối cùng nhận định người này tinh thông trà đạo, liền dùng loại củi tốt pha lại trà, rồi mời lão gia ra tiếp. Sau khi trà được mang lên, phú ông và gã ăn mày đối ẩm một bát.
Gã ăn mày nói: “Ừm, bát trà lần này, nước, củi, lửa đều tốt, chỉ có ấm pha trà không ổn”.
Phú ông nói: “Đây là ấm pha tốt nhất của ta”.
Gã ăn mày lắc đầu, từ trong áo cẩn thận lấy ra một ấm trà bằng đất sét tử sa, yêu cầu hạ nhân dùng chiếc bình này để pha lại trà. Phú ông vừa nhấp thử mùi vị quả nhiên không tầm thường, lập tức chắp tay thi lễ với gã ăn mày: “Ta xin mua lại chiếc ấm tử sa này, bao nhiêu cũng được”.
Nhưng, gã ăn mày cũng rất thích chiếc ấm tử sa, nhất định không muốn bán, liền dứt khoát trả lời: “Không được, chiếc ấm này là cuộc sống của ta, ta không thể bán”. Gã ăn mày vội vàng rót trà ra rồi cất lại chiếc ấm.
Phú ông vội vã ngăn lại, nói: “Ta sẽ đổi một nửa gia sản để lấy chiếc ấm của ngươi, được không?”.
Gã ăn mày không tin, vẫn bước tiếp. Phú ông nôn nóng, nói: “Ta đổi toàn bộ tài sản để lấy chiếc ấm của ngươi”.
Tên ăn mày nghe vậy không tự chủ mỉm cười, nói: “Nếu không phải tôi tiếc chiếc ấm này thì cũng không lâm vào bước đường như hôm nay”. Nói xong gã ăn mày quay người bỏ đi.
Phú ông sốt ruột nói: “Thế này đi, ấm là của ngươi, ngươi hãy ở lại nhà ta, ta ăn gì ngươi ăn đó, nhưng có một điều kiện, chính là ngày nào cũng phải cho ta nhìn chiếc ấm, thế nào?”. Phú ông vì quá thích chiếc ấm nên trong lúc cấp bách chỉ nghĩ ra cách đó.
Gã ăn mày cũng vì miếng ăn qua ngày mà túng quẫn, chuyện tốt như vậy sao lại không đồng ý nhỉ? Vậy là ông ta vui vẻ đồng ý yêu cầu của phú ông.
Cứ như vậy, gã ăn mày ở lại nhà phú ông, ăn cùng ở cùng phú ông, hai người ngày ngày nâng niu chiếc ấm trà, chia sẻ với nhau, thưởng trà đối ẩm vô cùng ăn ý. Cứ thế hơn mười năm qua đi, hai người trở thành hai lão già tri kỷ thấu hiểu nhau.
Thời gian trôi đi, phú ông và gã ăn mày cũng dần già đi, lúc này người ta nhận ra người bạn ăn mày lớn tuổi hơn phú ông.
Một hôm, phú ông mới nói với người bạn ăn mày của mình: “Ông không có con cháu nối dõi, không có ai kế thừa chiếc ấm trà, không bằng sau khi ông đi, để tôi giúp ông bảo quản, ông thấy thế nào?”.
Lão ăn mày rưng rưng đồng ý. Không lâu sau, lão ăn mày thật sự ra đi, phú ông cũng được như mong muốn có được chiếc ấm tử sa.
Vừa mới đầu, phú ông chìm trong cảm giác vui sướng có được chiếc ấm trà quý, cho đến một ngày, lúc phú ông đang ngắm nghía chiếc ấm đột nhiên cảm thấy như thiếu thứ gì đó, lúc này trước mắt ông hiện lên hình ảnh ngày trước cùng lão ăn mày vui vẻ thưởng trà. Hiểu rõ tất cả rồi, lão phú ông lạnh lùng ném mạnh chiếc ấm trà xuống đất…
Theo thời gian, tình nghĩa giữa phú ông và lão ăn mày đã vượt qua giá trị ban đầu của chiếc ấm trà, để rồi phú ông nhận ra ấm trà dù có tốt đến đâu nếu không có ai cùng thưởng thức thì cũng mất đi ý nghĩa của nó.
Nhìn lại cuộc sống xung quanh chúng ta, vật chất tuy đủ đầy hơn nhưng dường như tình cảm lại nghèo nàn đi đến lạ. Câu chuyện khiến tôi tự hỏi điều gì mới là thứ quan trọng trong cuộc đời?
Chiếc ấm tử sa cũng giống như tiền tài, địa vị, danh vọng mà chúng ta mải miết theo đuổi, để rồi quay đầu nhìn lại chặng đường đã qua, ta mới nhận ra điều thực sự trân quý cũng chỉ là người bạn tâm giao, tri kỷ luôn bên cạnh ta suốt những năm tháng cuộc đời.
Người xưa nói: “Quen biết khắp thiên hạ, tri âm hỏi mấy người?”, hay: “Rượu quý chỉ uống cùng tri kỷ, thơ hay để tặng bạn thơ ngâm”, thì có thể thấy xưa nay tri kỷ khó tìm.
Tri kỷ không cần che đậy, cũng không cần giải thích, tự nó đã hiểu, tự nó cảm nhận. Không cần dốc hết sức, cũng không cần chuẩn bị, tự nó sẽ đem đến niềm vui, tự nó sẽ như ý thơ. Cuộc sống có một loại tình cảm không tác động vào thế giới mỗi người, mà chỉ đồng hành trong tâm hồn; không trở ngại cuộc sống mỗi người, mà chỉ mang cùng tiếng nói từ con tim…
Tri kỷ là sự thấu hiểu, sự hoà hợp, đồng điệu trong tâm hồn. Nó như một sợi dây vô hình nhưng bền chặt, lặng thầm mà ấm áp. Vậy nên, không ít người từng trải hiểu được rằng cuộc sống chỉ cần có được một người bạn tri kỷ là quá đủ rồi, bởi tình bạn tri kỷ là vô giá.
Tâm Liên