Duy trì bữa ăn gia đình thường xuyên không chỉ tạo cho con cái thói quen ăn uống lành mạnh, mà còn giảm tỷ lệ trầm cảm và lo lắng, tăng lòng tự trọng, giúp vốn từ vựng và điểm số của con ở trường tốt hơn.

Với nhiều gia đình, bữa cơm tối là khoảng thời gian duy nhất trong ngày cả gia đình có cơ hội cùng đoàn tụ. Các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên giúp tăng tình cảm gia đình thông qua những bữa ăn.

Trò chuyện đúng cách

Sau một ngày dài học tập và làm việc căng thẳng, các thành viên trong gia đình có thể mệt mỏi và không muốn chia sẻ về những điều họ đã làm trong ngày.

Để cuộc nói chuyện trong giờ cơm kết nối con cái với cha mẹ tốt hơn, Brad Kennington, giảng viên kiêm giám đốc của Viện Gia đình Austin ở Texas (Mỹ) khuyên các gia đình nên tránh những chủ đề dễ gây xung đột và để lúc khác nói. Đó có thể là việc con bị điểm kém, con bày bừa phòng hay đi chơi về trễ…

“Trời đánh còn tránh miếng ăn”, để bữa cơm gia đình ngon miệng, hãy chỉ nói những điều tốt đẹp. Tận dụng thời gian này để hỏi con về những thú vui, sở thích không chỉ giúp hiểu con hơn mà còn thể hiện sự quan tâm của cha mẹ.

Matt Lundquist, một nhà tâm lý trị liệu và giám đốc của Tribeca Therapy ở New York nói rằng, ngay cả khi con cái vẫn chưa sẵn sàng để chia sẻ, tâm sự, những lời hỏi han từ cha mẹ vẫn rất cần thiết để trẻ cảm nhận được không khí gia đình và sự gắn kết giữa các thành viên.

Cha mẹ cũng có thể chủ động kể những câu chuyện mình gặp trong ngày để con cái hiểu hơn công việc và cảm xúc của cha mẹ.

Chú ý đến các chi tiết

Không chỉ là lời nói, cha mẹ còn cần để ý đến các biểu hiện khác của con như ngôn ngữ cơ thể, cách biểu hiện cảm xúc, thái độ. Sẽ không có nhiều thời gian trong ngày cả nhà ngồi cùng nhau ở cự li gần như thế, và đó là thời điểm tốt để theo dõi từng cử chỉ, nét mặt của các thành viên trong gia đình. Với trẻ em, những điều chúng thể hiện qua hành động luôn là thứ ngôn ngữ thật thà nhất.

bua com gia dinh thoi diem vang de ket noi cung con
Thông qua bữa ăn, cha mẹ có thể kết hợp chỉ bảo con về nếp ăn uống đúng mực, lịch sự để trẻ biết áp dụng hành xử đúng mực khi ở nơi công cộng. (Ảnh: Patyca)

Để các thiết bị công nghệ tránh xa bữa ăn

Điện thoại đang trở thành vật bất li thân với cọn người. Nhiều người có thói quen thường xuyên kiểm tra mail, lướt Facebook, nhắn tin ngay trên bàn ăn. Bên cạnh đó, rất nhiều gia đình còn áp dụng cách cho con chơi game và xem hoạt hình để đốc thúc ăn uống.

Thói quen này không chỉ gây hại cho quá trình tiêu hóa thức ăn mà còn khiến các thành viên trong gia đình xa rời nhau hơn. Cha mẹ cần làm gương, chủ động để điện thoại cách xa bàn ăn để làm mẫu cho con cái. Không một đứa trẻ nào muốn chia sẻ câu chuyện của mình nếu như các thành viên khác trong nhà đều cắm cúi làm việc riêng trên điện thoại cá nhân.

Thay vì sử dụng thiết bị công nghệ riêng lẻ, cả gia đình có thể bật chung một chương trình tivi yêu thích để cùng xem và thảo luận.

Dạy con về thực phẩm

Hiện nhiều trẻ gặp các vấn đề rối loạn về ăn uống dẫn tới không kiểm soát được cân nặng. Việc cha mẹ dạy cho con hiểu về dinh dưỡng ngay từ khi còn nhỏ không chỉ giúp con biết trân trọng đồ ăn, thức uống, mà còn để con biết cách lựa chọn những thực phẩm tốt, có lợi ích cho sức khỏe.

Bữa ăn nhỏ nhưng giá trị không nhỏ

Các gia đình thời hiện đại ngày càng bận rộn và rất khó có thời gian cùng nhau dùng bữa. Tuy nhiên, bất luận là gia đình 2-3 thế hệ hay nhiều hơn, đều sẽ có cách để sắp xếp thời gian phù hợp. Dù bận rộn đến thế nào con người cũng cần ăn uống, và bữa ăn khoảng 1 giờ/ngày chắc chắn không phải “nhiệm vụ bất khả thi”.

bua com gia dinh thoi diem vang de ket noi cung con
Các gia đình có thể linh động thời gian bữa tối, hoặc sáng, trưa tùy theo điều kiện sinh hoạt của các thành viên. (Ảnh: Baohaiduong)

Vào lúc nào không quan trọng, điều quan trọng nhất là gia đình có thời gian cùng ngồi xuống thưởng thức bữa cơm nhà đầm ấm và chia sẻ với nhau buồn vui mỗi ngày.

Những bữa cơm nhà thể hiện cho tình cảm đầm ấm, duy trì nếp sống này, chính là cách cha mẹ dạy cho con cái bài học về trân trọng gia đình.

Minh Lan (Tổng hợp)