Ái nữ của Tổng thống Harry Truman, cũng là một cây bút sáng giá của Mỹ từng viết: “Chỉ khi bạn lớn lên và bước khỏi cha – hay rời cha để đến với gia đình của riêng mình – chỉ tới lúc đó bạn mới hiểu được sự vĩ đại của cha và thực tâm biết ơn điều đó”.
Người ta thường nói “Con gái là con người ta”, những ai làm cha mẹ có con gái đến tuổi gả chồng mới thấm thía hết được câu nói đơn giản ấy. Bao tháng năm nuôi con vất vả, dạy con nếp ăn nếp sống, cho con đi học mong sao con khôn lớn trưởng thành, có được tương lai hạnh phúc bên người chồng có thể thương yêu con mình mới tạm chút yên tâm.
Tuy nhiên, phải đến khi gả chồng cho con gái người ta mới hiểu được cái cảm giác đau đáu thương con là thế nào. “Chẳng ai hiểu con bằng mẹ, chẳng ai thương con bằng cha”. Con gái lớn đến tuổi thì phải gả chồng, những ông bố bà mẹ không phải là không muốn gả con gái mình đi xa, nhưng gả rồi thì lại lo sợ, chẳng biết về bên nhà chồng rồi con mình sẽ sống ra sao…
Và những cô con gái, sự vô tư hồn nhiên từ khi bé đến lúc mải miết đắm say trong tình yêu dường như đã không có quá nhiều thời gian để nghĩ về bố mẹ. Cũng như Dung, 23 tuổi quê ở Hưng Yên đến lúc có con rồi mới hiểu được tình yêu thương của bố mẹ dành cho mình. Những tâm sự chân thành cũng phần nào nói lên điều đó:
“Em kết hôn cũng được gần 1 năm rồi, giờ đang ở cữ bên ngoại. Mẹ chồng đi làm trên Hà Nội không nghỉ được nhiều, nên về nhà được 20 hôm thì mẹ con em về ngoại cho ông bà tiện chăm nom.
Em sinh mổ nên bố mẹ thương em lắm, không cho làm gì cả. Sáng nào bố cũng dậy từ 4h đun nước để con gái uống, nấu cả đồ ăn chờ em dậy, rồi làm hết tất cả mọi việc trong nhà thay cho mẹ em, vì cả đêm bà thức trông cháu. Tới bữa ông còn để ý kiêng khem từng ly từng tí, hơn cả bà.
Cứ nghe tiếng cháu o e khóc thì ngày hay đêm ông đều chạy vào bế cháu luôn. Trước bố em hút thuốc lào nhiều lắm, nhưng từ khi có cháu ngoại là ông bỏ luôn vì sợ ảnh hưởng đến cháu”.
Mặc dù luôn nhận được sự yêu thương của chồng và gia đình nhà chồng nhưng Dung lúc nào cũng nhớ bố mẹ. Gia đình Dung không giàu có về vật chất, nhưng tình yêu thương của bố thì thật không gì sánh nổi. Bố Dung làm bên ngành dầu khí, có lần bị điều chuyển vào công tác ở trong nam, nhưng vì lo nghĩ cho vợ con ở nhà nên quyết định nghỉ việc về nhà làm nông cùng vợ nuôi đám con thơ.
Trong gia đình, Dung là cô con gái út nên luôn được bố mẹ cưng chiều, trên Dung còn hai người anh trai nữa đều đã lấy vợ và ở cùng bố mẹ. Gia đình cũng đã gần 10 người, thêm Dung với con nhỏ về nữa, lại càng đông càng vui. Con các anh chị đã lớn hơn và mọi người đều nhường bố mẹ cho em út, hàng ngày nhìn bố mẹ chăm sóc cho cháu, chăm lo từng bữa ăn cho mình Dung thật sự ứa nước mắt nói:
“Em thương bố mẹ lắm. Lúc mới cưới xong, 1 tháng trời em vẫn khóc suốt vì nhớ nhà, chồng an ủi mãi cũng không nguôi được, chỉ về gặp bố mẹ mới thấy vui. Từ ngày xưa bố đã thương em nhất nhà, lúc em đi nhập học ở xa, bố đưa em ra chỗ trọ rồi về luôn, em trông thấy ông quay mặt đi cố nén khóc.
Hôm sau gọi điện về thì mẹ em bảo bố về nhà khóc nhiều lắm, vừa ăn cơm vừa rơi nước mắt, thương con gái phải xa bố mẹ, làm em cũng khóc theo.
Ngày em đi lấy chồng, chắc bố khóc nhiều nhất, ngồi 1 mình trong phòng cứ sụt sịt mãi. 59 tuổi rồi mà ông vẫn tình cảm như thế, không hề khó tính hay thay đổi điều gì”.
Người xưa thường nói: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, khi xưa người cũng vất vả nuôi ta thế này”. Câu nói đó thật sự với Dung giờ mới thấm thía làm sao, tự nhủ lòng mình sẽ sống tốt để báo đền công đức mẹ cha, biết sống có trách nhiệm, luôn yêu thương và trân quý hạnh phúc gia đình.
Tình cha không dịu ngọt như lời ru của mẹ những trưa hè, nhưng lại đủ ấm áp che chở cho con vào những ngày đông giá. Tình cha không dịu dàng man mác như những cơn gió thu nhẹ nhưng lại lặng lẽ như những chồi xuân hé nở buổi sớm mai. Thương con là trách nhiệm của người làm cha làm mẹ? Câu nói này phải chăng đã quá vô tình. Đó không phải là trách nhiệm, đó là tình cảm rất đỗi chân thành nên tình yêu ấy mới tự nhiên và nhẹ nhàng đến vậy. Một loại tình cảm ngọt ngào đến mức chỉ cần thoảng qua cũng có thể khiến người ta rơi lệ.
Gia Viên – Hồng Tâm