Một người dân New Zealand, anh Samuel Forres cũng có cảm giác giống như bất cứ người cha nào khi nghe tiếng khóc chào đời của con trai mình. Anh thấy tràn ngập một niềm vui và hạnh phúc vô bờ mà chỉ những người làm cha mới hiểu được.

Samuel Forres đợi bên ngoài căn phòng bệnh viện ở Armenia, nơi vợ anh vừa mới sinh hạ một bé trai vào ngày 21/1. Sau đó, y tá bước ra với một đứa bé trên tay, nhưng tấm chăn lại che phủ lên mặt em.

“Khuôn mặt cháu bị che phủ và lãnh đạo bệnh viện không cho tôi được nhìn mặt cháu hay vợ mình. Khi bác sĩ bước ra, ông nói ‘có vấn đề thực sự với con trai của anh’.”

Samuel Forres theo sau bác sĩ và y tá vào một căn phòng, nơi anh nhận được thông báo rằng con trai anh mắc hội chứng Down. Forrest kể lại rằng anh cảm thấy sốc lúc ban đầu.

Sau khi cơn choáng váng qua đi, Forrest có thể bế con trai lần đầu tiên. Tình phụ tử trong anh ngay lập tức nảy nở. Bế con trai Leo trên tay, anh bước vào căn phòng bệnh viện, nơi người vợ Armenia của anh đang nằm.

Và ngay tại đó, anh bị yêu cầu phải từ bỏ đứa bé: “Cô ấy nói với tôi rằng, nếu tôi giữ đứa con, chúng tôi sẽ ly dị”.

Forrest đã chọn Leo, mặc dù bé mắc hội chứng Down. Dù buộc phải ly dị, anh vẫn không nuối tiếc về quyết định này (Ảnh đăng trên Facebook của Samuel Forrest)
Forrest đã chọn Leo, mặc dù bé mắc hội chứng Down. Dù buộc phải ly dị, anh vẫn không nuối tiếc về quyết định này (Ảnh đăng trên Facebook của Samuel Forrest)

Các nhân viên người Armenia hỏi Forrest rằng, liệu anh vẫn muốn giữ lại con trai hay không. Câu hỏi này có vẻ lạ kỳ đối với một người đàn ông đến từ thành phố Auckland trên đảo Bắc của New Zealand.

Forrest nói: “Điều gì xảy ra khi một đứa trẻ như vậy được sinh ra tại đây, họ sẽ nói rằng bạn không cần phải giữ chúng lại”.

“Vợ tôi đã quyết định rồi, vì vậy tất cả những điều này được thực hiện sau lưng tôi”.

Forrest không bao giờ lưỡng lự về việc giữ con trai mình, mặc cho những lời đe dọa của vợ anh.

Sau đó, cặp vợ chồng đã nộp đơn ly dị. Forrest dự định sẽ cùng với Leo quay trở về New Zealand.

Anh chia sẻ: “Sau những gì tôi đã trải qua với Leo, tôi sẽ không ngồi lại và nhìn những đứa trẻ [như vậy] bị gửi vào cô nhi viện. Một đứa bé mắc hội chứng Down, điều này đã trở thành một ‘nhãn hiệu’. Nếu có thể vượt qua ‘nhãn hiệu’ đó, chúng ta sẽ thấy rằng chúng [là những đứa trẻ] bình thường. Chúng có một chút khác biệt với chúng ta, nhưng chúng vẫn rất bình thường”.

Để bản thân và con trai ổn định cuộc sống ở New Zealand, Forrest đã thành lập một trang gây quỹ từ thiện trên GoFundMe với tiêu đề “Đưa Leo về nhà”.

 Hình ảnh cậu bé Leo trên trang GoFundMe của Samuel Forrest. Chỉ trong vòng 13 ngày, đã có 17.549 nhà hảo tâm quyên góp với số tiền 491.201 Đô-la (mục tiêu anh Forrest đề ra chỉ là 60.000 Đô-la) (Ảnh: GoFundMe)

Hình ảnh cậu bé Leo trên trang GoFundMe của Samuel Forrest. Chỉ trong vòng 13 ngày, đã có 17.549 nhà hảo tâm quyên góp với số tiền 491.201 Đô-la (mục tiêu anh Forrest đề ra chỉ là 60.000 Đô-la) (Ảnh: GoFundMe)

“Điều này đến với tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi không có nhiều tiền, mà thực tế tôi chỉ có rất ít. Mục tiêu là quyên góp đủ tiền cho một năm, nhờ đó tôi có thể tìm được việc làm bán thời gian, và Leo không phải đến nhà trẻ mà tôi có thể chăm sóc cho cháu. Cháu đã mất mát rất nhiều trong hai tuần. Mọi chuyện sẽ khác nếu cháu có mẹ [ở bên]”.

Hình ảnh cậu bé Leo trên trang GoFundMe của Samuel Forrest. Chỉ trong vòng 13 ngày, đã có 17.549 nhà hảo tâm quyên góp với số tiền 491.201 Đô-la (mục tiêu anh Forrest đề ra chỉ là 60.000 Đô-la)
Hình ảnh cậu bé Leo trên trang GoFundMe của Samuel Forrest. Chỉ trong vòng 13 ngày, đã có 17.549 nhà hảo tâm quyên góp với số tiền 491.201 Đô-la (mục tiêu anh Forrest đề ra chỉ là 60.000 Đô-la)

Cho đến nay, khoản tiền được hứa hẹn trên trang GoFundMe đã vượt quá mong đợi của Forrest. Anh có thể quyên đủ tiền để giúp giải quyết vấn đề trẻ sơ sinh khuyết tật bị bỏ rơi ở Armenia.

Trên trang web cũng có một “Ghi chú về Armenia” để giải thích quan điểm của người dân ở quốc gia nhỏ bé này.

“Trên đất nước bé nhỏ, nằm sâu trong lục địa, và nổi tiếng về lòng hiếu khách này, mỗi năm có rất nhiều trẻ nhỏ bị bỏ rơi, vì các lý do từ khuyết tật về thể chất hay trí tuệ, cho đến những khuyết điểm nhỏ. Đáng tiếc, việc bỏ rơi trẻ em do khiếm khuyết này lại diễn ra phổ biến trên khắp khu vực Đông Âu và Liên Xô cũ. Đây là kết quả của một nền văn hóa không chấp nhận khiếm khuyết của con người. Các chuyên gia y tế ước tính rằng 98% trẻ sơ sinh mắc hội chứng Down ở Armenia bị bỏ rơi mỗi năm. Những đứa trẻ bị này thường được đưa vào các trại trẻ mồ côi bẩn thỉu, nơi chúng sinh sống và chết đi, bị xã hội ruồng bỏ và lãng quên”.

Ben Maloney, VisionTimes
Biên dịch: Hồng Liên

——————————–

Ghi chú của người dịch:

http://www.gofundme.com/ là một trang web hỗ trợ gây quỹ từ cộng đồng, chủ yếu vì mục đích từ thiện. Người dùng có thể tạo lập một trang dự án cá nhân để kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng, và những nhà hảo tâm có thể trực tiếp quyên góp tiền thông qua trang web này.

Nếu bạn muốn giúp đỡ Leo, hãy ghé thăm trang “Bring Leo Home” (Đưa Leo về nhà) của Samuel Forrest tại đâyhttp://www.gofundme.com/bringleohome. Bạn có thể giúp đỡ bằng cách nào? Quyên góp tiền thông qua trang web, hoặc chia sẻ thông tin về trường hợp của Leo trên các trang mạng xã hội.