Hành lá là loại rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của gia đình Việt, có nhiều công dụng chữa bệnh hữu ích, lại dễ trồng. Hãy cùng tìm hiểu những cách trồng hành lá đơn giản tại nhà cùng Bếp Đại Kỷ Nguyên nhé!

1. Trồng hành lá trong chai nhựa

Chuẩn bị:

  • Chai nhựa
  • Kéo, dao
  • Đất, phân bón
  • Hành củ

Cách làm:

– Dùng dao cắt phần cổ chai nhựa, rồi lấy kéo khoét các lỗ xung quanh chiếc chai theo từng tầng, từng tầng thích hợp (có thể tham khảo trong hình).

Ảnh: Fabartdiy.

– Cho lần lượt một lớp đất đã trộn phân bón, một lớp củ hành có phần đầu hướng vào những chiếc lỗ mà bạn đã khoét (như trong hình dưới), làm tới khi đầy chiếc chai nhựa.

Ảnh: Fabartdiy.

-Sau đó bạn đặt ở nơi có nhiều ánh sáng, tưới nước đều đặn mỗi ngày để giữ độ ẩm và chờ thu hoạch nhé.

Ảnh: Fabartdiy.
Ảnh: Fabartdiy.

2. Trồng hành lá trong khay giấy đựng trứng

Cách trồng này vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị 5 khay giấy đựng trứng và những củ hành khô không bị hỏng hay mốc.

Ảnh: Khám Phá.

Trước tiên, xếp 5 khay đựng trứng khít lên nhau, ở mỗi ô nhỏ của khay đục một lỗ nhỏ để nước có thể ngấm đều các khay. Sau khi xếp xong, đặt vào mỗi ô một củ hành khô, phần gốc hành hướng xuống dưới, phần ngọn mầm hướng lên trên.

Ảnh: Khám Phá.

Đặt những khay trứng này ở nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Nhớ tưới nước giữ ẩm cho toàn bộ khay trứng đã đặt hành, nước ngấm vào các miếng giấy sẽ tạo môi trường ẩm giúp hành ra rễ và phát triển.

Ảnh: Khám Phá.

Sau một thời gian ngắn, bạn sẽ có cả khay hành tươi tốt. Lưu ý, nếu muốn sạch sẽ hơn, bạn có thể lót dưới các khay trứng tấm nhựa hoặc xốp để nước khi tưới không tràn ra ngoài.

3. Dùng lõi giấy vệ sinh

Chuẩn bị sẵn 8–10 lõi giấy vệ sinh rồi đổ đất mùn vào bên trong. Hành lá sau khi sử dụng phần ngọn, bạn giữ lại phần rễ khoảng 5cm để trồng cây mới.

Cắm ngập phần rễ hành lá đã chuẩn bị vào đất trong lõi giấy. Tưới một ít nước để giữ ẩm và đặt ở nơi có đủ ánh sáng như bệ cửa sổ, ban công…

Ảnh: Gia Đình.

Chỉ trong vài ngày, hành lá sẽ bắt đầu mọc mầm và phát triển thành cây mới. Khi thu hoạch, cắt phần ngọn và để lại phần gốc, cây sẽ tiếp tục phát triển, cứ như vậy bạn sẽ có hành lá tươi ăn trong nhiều ngày.

4. Dùng chai thủy tinh

Nếu nhà bạn có nhiều chai thủy tinh thì có thể tận dụng để trồng hành lá trực tiếp trong chai. Hành lá sau khi dùng giữ lại phần gốc, cho gốc hành vào chai. Sau đó đổ nước vào trong sao cho mực nước đủ ngập toàn bộ phần rễ.

Ảnh: Eva.

Để cây nhanh phát triển, bạn nên đặt ở nơi có nhiều ánh sáng. Chỉ vài ngày sau, nhánh hành đã bị cắt mất phần dọc hành sẽ bắt đầu mọc ra xanh tươi hơn.

Cứ thế, chỉ cần cắt phần ngọn cần dùng và để lại gốc hành trong ly nước. Một thời gian sau sẽ có lứa hành mới để ăn.

Còn ở quê, người ta có một cách rất đặc biệt đó là trồng hành lá trong… thân cây chuối:

Nghe có vẻ hài hước nhưng đây là kiểu trồng “tầm gửi” đã được nhiều chị em áp dụng thành công mà không cần bất cứ dụng cụ trồng nào, chỉ cần “gửi nhờ” vài củ hành vào thân cây chuối trong vườn.

Ảnh: Facebook T.V.X.

Chỉ sau 20–25 ngày bỏ củ hành vào phần thân chuối đã khoét lỗ (chú ý quay phần gốc của củ vào sát thân chuối, cắt nhẹ đầu củ hành) và không cần tưới, chăm sóc gì hành vẫn tự mọc lá.

Ảnh: Facebook T.V.X.

Theo Đông y: Hành có vị cay, tính nóng, tác dụng làm ra mồ hôi, thông khí, hoạt huyết, lợi tiểu, trợ tiêu hóa, sát trùng, an thai. Thường dùng chữa cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, ăn uống không tiêu, đầy bụng, bụng lạnh. Hành giã nát, đun sôi để rửa các vết thương, vết loét, chàm (eczema), viêm da.

Theo Y học hiện đại: Hành chứa rất nhiều thành phần hóa học có tác dụng phòng chữa bệnh như acid malic, phytin và alylsulfid, tinh dầu, đặc biệt là chất kháng sinh alicine hòa tan trong nước. Alicine giúp diệt khuẩn rất mạnh đối với một số bệnh như thương hàn, lỵ, vi trùng tả, trực khuẩn, bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, nó lại dễ mất tác dụng bởi nhiệt, kiềm. Vì vậy, trong khi nấu ăn, hành là gia vị cho vào cuối cùng để tránh mất chất alicine.

Bình thường, nhiều gia đình Việt vẫn nấu cháo hành để chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu, đau lưng, kiết lỵ.

Ảnh: Ngôi Sao.

Ngoài ra, hành còn có tác dụng hạ thấp mỡ máu, có hiệu quả trị liệu nhất định đối với bệnh tim mạch. Nước ép hành rất tốt cho việc điều trị bệnh thiếu máu. Hợp chất lưu huỳnh có trong gia vị này giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.

Hành không đơn giản là một loại rau chế biến món ăn thông thường, nó còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe gia đình bạn. Vì vậy, hãy áp dụng một trong những cách trồng hành tại nhà để khi cần thiết sẽ có sẵn hành tươi hái, không cần lấy ra từ tủ lạnh nữa.

Chúc các bạn thành công!

videoinfo__video3.dkn.tv||9f9626eeb__