Bạn đã từng bị những ký ức đeo bám khiến bản thân lầm tưởng rằng vấn đề nào đó là bế tắc, trong khi thực tế, chìa khóa nằm ngay trong tay bạn chưa? Quả thật, nhiều khi chúng ta đã giơ tay đầu hàng một cách bất lực trong những trường hợp hoàn toàn có cách giải quyết chỉ vì những sai lầm trong tư duy. Làm cách nào để thoát ra khỏi chiếc bẫy này đây?

Tình trạng được mô tả nói trên được gọi là “sự bất lực có điều kiện”, đã được nhà tâm lý học Martin Seligman nghiên cứu và phát hiện ra trong một thí nghiệm vào năm 1967.

Thí nghiệm rất đơn giản, với những chú chó được chia làm hai nhóm. Ở nhóm 1, mỗi khi có âm thanh vang lên, những chú chó phải chịu một cú sốc điện nhẹ, cứ lặp đi lặp lại như vậy. Chúng không thể làm gì để tránh những cú sốc đó. Với nhóm 2, những chú chó không trải qua sự huấn luyện này.

Sau đó, các nhà khoa học đặt từng chú chó của cả hai nhóm vào phía trái bên trong một cái thùng hình hộp có vách ngăn nhỏ ở giữa. Sàn thùng phía bên trái có hệ thống sốc điện nhẹ; còn sàn bên phải không có sốc điện và là chỗ an toàn để đứng.

Ảnh: Wikipedia.

Họ quan sát thấy, khi phát ra âm thanh và sốc điện, những chú chó nhóm 2 hét lên và nhảy ngay lập tức qua vách ngăn nhỏ sang phía bên phải thùng, vùng không bị sốc điện.

Những chú chó nhóm 1 không có phản ứng gì hết. Khi nghe âm thanh, vì đã được trải nghiệm trước đó, chúng biết sẽ sắp bị một cú sốc điện. Và khi bị sốc, chúng vẫn ở nguyên tại chỗ, thút thít tin rằng chúng không thể thoát khỏi nỗi đau.

Những chú chó nhóm 1 đã qua huấn luyện để phải chịu đựng một cách bất lực, vì vậy chúng đứng yên chấp nhận bị đau.

Điều tương tự cũng xảy ra với con người, nhưng hầu hết chúng ta đều không nhận ra. Những ước mơ bị rơi vào quên lãng. Những cánh cửa bị đóng lại. Con người quyết định không đứng dậy sau khi bị gục ngã, bởi họ đã mất đi hy vọng. Họ nghĩ rằng thế là hết. Họ cho rằng dù có cố gắng cũng sẽ không được gì.

Tuy nhiên, vô vọng chỉ là lời nói dối được sinh ra từ tâm trí của chúng ta.

Vô vọng chỉ là một cảm giác sai lầm (ảnh: Shutterstock).

Có ít nhất một ý nghĩ “bất lực có điều kiện” thoáng qua tâm trí của chúng ta mỗi ngày. Chúng ta bỏ qua mà không cố gắng thay đổi, vì cho rằng tình huống xảy ra cũng tương tự như trước đấy. Thực ra trong hầu hết các trường hợp, tình huống mới không hoàn toàn giống như cũ. Hầu như các tình huống là khác nhau, và cả chúng ta cũng vậy.

Chúng ta học những điều mới, chúng ta trưởng thành, chúng ta thay đổi. Nhưng chúng ta dại dột thuyết phục bản thân rằng tình hình vẫn như trước. Vậy bí quyết là gì? Chúng ta cần bắt đầu nhận thức rõ hơn về sai lầm này mỗi khi phải ra quyết định và từ bỏ những ám ảnh trong quá khứ.

Ví dụ phổ biến nhất là bạo lực gia đình từ người chồng. Trong các tình huống này, người phụ nữ bị ngược đãi và người chồng hăm dọa rằng cô không thể bỏ anh ta. Dần dần, người vợ tin rằng người chồng sẽ làm tổn thương cô nếu cô dám làm vậy. Kết quả là, ngay cả khi có cơ hội rời đi, cô vẫn ở lại.

Ảnh minh hoạ: Dân Trí.

Quá trình suy nghĩ của nạn nhân trong hoàn cảnh này như sau: “Nếu tôi rời đi, bằng cách nào đó anh ta sẽ tìm thấy tôi. Vả lại, trên nhiều phương diện, anh ta dù sao cũng đã chăm sóc tôi. Có lẽ tôi không bao giờ tìm thấy ai khác thay thế. Vì vậy, nếu tôi rời đi, tôi sẽ phải chịu sự cô đơn khủng khiếp. Tôi phải ở lại thôi. Đó là những gì tốt nhất cho tôi rồi”.

Người phụ nữ suy nghĩ không thỏa đáng. Cô đang tự lừa dối mình rằng không có lối thoát nào cho hoàn cảnh này.

Đừng lầm lẫn, bởi dường như luôn có lối thoát. Với những thử thách khác trong cuộc sống, luôn có nhiều cách để vượt qua chúng, không chỉ là một cách.

Bất lực có điều kiện không chỉ xuất hiện ở các tình trạng bạo lực nêu trên. Tất cả chúng ta đã từng đưa ra quyết định sai lầm hoặc từ bỏ các ước mơ hay kế hoạch chỉ vì một điều gì đó trong quá khứ ám ảnh, khiến chúng ta tin rằng không có hy vọng thành công, và rằng chúng ta bất lực trong việc thay đổi hoàn cảnh.

Ví dụ, một người đã trả tiền cho việc quảng cáo, nhưng lại không có thêm khách hàng mới nào. Thay vì thay đổi quảng cáo để thu hút hơn hoặc tìm giải pháp khác tốt hơn thì anh ta lại cho rằng việc quảng cáo là không bao giờ mang lại hiệu quả. Đó là một dạng bất lực có điều kiện.

Thay vì rút ra bài học từ sự thất bại để có cái nhìn sâu sắc và cải thiện tốt hơn, sự bất lực có điều kiện kìm hãm sự phát triển của chúng ta bằng cách ngăn chúng ta thử lại.

Nếu bạn không nỗ lực để nhận ra khi nào những tuyên bố hay hành động của bạn dựa trên sự bất lực có điều kiện, bạn sẽ mất đi các cơ hội trong cuộc sống, sự nghiệp và các mối quan hệ. Bạn cũng sẽ đưa ra những quyết định sai lầm.

Giải pháp là hãy làm tất cả những gì bạn có thể để đảm bảo các quyết định của bạn được đưa ra dựa trên thông tin chính xác và khách quan nhất. Dưới đây là một số lời khuyên để giúp bạn thực hiện điều đó.

1. Tự hỏi mình 5 câu hỏi

Hoàn cảnh gần đây đã thay đổi như thế nào? Tôi đã thay đổi như thế nào? Tình trạng cá nhân của tôi đã thay đổi như thế nào? Những người khác có liên quan đã thay đổi như thế nào? Thế giới đã thay đổi như thế nào?

Thông thường, chúng ta không thể nhìn thấy toàn bộ khu rừng xuyên qua các thân cây và chúng ta thậm chí còn không nhận ra cả những thay đổi lớn. Đã bao nhiêu lần bạn thấy mình trong hoàn cảnh có vẻ khó khăn, và rồi giống như có phép thuật, bạn nhớ một thứ gì đó đã thay đổi, rồi bỗng nhiên, tình hình tốt lên nhiều? Đó là một kịch bản hoàn hảo giải thích rằng sự bất lực có điều kiện có thể lừa chúng ta tin vào một tình huống khác với thực tế.

2. Lắng nghe người khác

Đây thường là vấn đề của người tự mãn hoặc quá khép mình. Có vẻ như người tự mãn, tự phụ ít khi chịu bất lực, nhưng thực sự thì cũng như bao người, họ vẫn gặp phải bế tắc. Trong tình huống như vậy, họ cần sự giúp đỡ và chỉ ra giải pháp từ người khác, nhưng họ lại cảm thấy khó chịu khi phải nhờ vả ai đó. Người quá khép mình cũng vậy, họ ngần ngại khi tìm sự giúp đỡ và cam chịu đầu hàng.

Hãy học cách lắng nghe ý kiến của người khác. Hãy khuyến khích các ý kiến phản hồi, thậm chí là phê phán để giúp bạn phát triển. Bạn là người trong cuộc, bạn bế tắc, nhưng họ ở ngoài, biết đâu lại có cái nhìn bao quát và có thể cho bạn những lời khuyên hợp lý, đúng không nào?

Tham khảo ý kiến người khác có thể giúp bạn sớm vượt qua tình trạng bế tắc (ảnh: Infonet).

3. Học cách đối thoại với bản thân

Khi bạn nghe trong nội tâm mình rên rỉ những suy nghĩ tiêu cực thì hãy phản hồi ngược lại. Khi nó nói: “Bỏ cuộc đi”, bạn hãy trả lời: “Tiếp tục nào!”. Khi nó nói, “Ngươi chỉ luôn thất bại, ngươi là kẻ tầm thường thôi”, bạn hãy đáp, “Thất bại là mẹ thành công!”. Lúc đang chán nản, buồn bã và đau khổ thì việc lắng nghe cái gã tiêu cực trong đầu (kẻ lúc nào cũng tự coi là mình biết hết mọi thứ) sẽ chẳng ích lợi gì. Hãy bảo hắn ta im ngay, và tự nhủ rằng bạn là một người tuyệt vời với tiềm năng sáng tạo và đổi mới đáng kinh ngạc.

Nhận ra và hiểu được về sự bất lực có điều kiện là điều rất tốt giúp bạn có thể cải thiện cuộc sống của chính mình và rồi từ đó có thể giúp bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của bạn làm điều tương tự.

Mọi người đều cố gắng chứng tỏ mình mạnh mẽ trong thế giới hỗn độn này, nhưng sự thật là tất cả chúng ta đều bị tổn thương. Đó là vì chúng ta nghe theo những lời công kích bất lực có điều kiện từ trong đầu chúng ta. Đừng nghe những lời giả dối. Bỏ qua những lời chỉ trích sai. Đừng tin rằng bạn bất lực hay hoàn cảnh của bạn là vô vọng. Bạn đầy sức mạnh và năng lực. Tình hình của bạn rất khả quan.

Thật khó để tự vực mình dậy khỏi những suy nghĩ tiêu cực hay cảm giác thất vọng, bế tắc, nhưng biết đó chỉ là một cái bẫy tư duy, một nhà ngục đang giam giữ tâm trí bạn, thì bạn hoàn toàn có thể thoát ra.

An Giang

Theo The Epoch Times

Video xem thêm: Có một loại ‘năng lực tinh thần’ quyết định tướng mạo của bạn

videoinfo__video3.dkn.tv||196e839db__