Từ 15 năm qua, mỗi ngày vị bác sĩ về hưu 77 tuổi ở Vĩnh Long vẫn kiên trì điều trị miễn phí cho trẻ bại não, trẻ khuyết tật vận động bẩm sinh. 

Cơ sở “Phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu” của bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu nằm ở phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Mỗi ngày, nơi đây đón khoảng 50 bé cả trong và ngoài tỉnh đến tập luyện. “Ngoại ơi” hay “con chào bà cố”, đó là cách các bệnh nhân nhí thể hiện sự yêu mến của mình với vị bác sĩ già. 

Nỗi trăn trở của vị bác sĩ già

Theo Dân Trí, trong gần 60 năm gắn bó với ngành Y, bác sĩ Điểu đã được phân công giữ nhiều chức vụ trong ngành y tế tỉnh Vĩnh Long. Năm 2002, bác sĩ Điểu được phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. 

Hơn 20 năm trước, khi còn là Phó Giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Vĩnh Long, bà từng gặp một bệnh nhân đặc biệt: Cậu bé Vẹn ở thành phố Vĩnh Long bị bại não, tuy 16 tuổi nhưng chỉ biết bò, không biết nói. Bình thường cha mẹ Vẹn đi làm, để em một mình ở góc bếp, tới bữa thì cho ăn. Bà đã đưa Vẹn về tập phục hồi chức năng tại bệnh viện. Sau 6 năm, em có thể nói được những từ đơn giản, chống nạng đi bán vé số, kiếm tiền nuôi bản thân, VnExpress đưa tin. 

Gần 80 tuổi nhưng bác sĩ Điểu vẫn ngày ngày chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn (ảnh: Dân Trí).

Đến năm 2004, sau khi về hưu, bà Điểu trăn trở vì nghĩ ngoài xã hội còn rất nhiều gia đình có trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, bại não, nhưng do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên không có điều kiện đưa con em mình đi điều trị.

Nghĩ vậy nên bà Điểu đem số tiền dành dụm của mình thành lập trung tâm “Phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu”, điều trị miễn phí cho trẻ bị dị tật. 

Bà trải lòng: “Vấn đề phục hồi chức năng cho trẻ bại não thời điểm đó chưa được xã hội quan tâm, tôi không chồng, không con thì lo gì, giúp được ai thì làm, không thể nhìn các em nằm một chỗ chờ chết”.

Hết mình vì người khác

Bà Điểu kể, lúc mới thành lập, cơ sở còn thiếu thốn, khó khăn về vật chất nên chỉ hỗ trợ được 5-10 người/ngày. Nhưng sau đó, nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm biết việc làm tốt của bà nên đã chung tay, đóng góp trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và kinh phí để hoạt động.

Ở trung tâm, các bài tập chủ yếu cho các bé là massage toàn thân, tập trung ở các bó cơ, đám rối dây thần kinh để kích thích phát triển. Bà cũng thuê 2 kỹ thuật viên vật lý trị liệu đã về hưu đến phụ. Massage cho lũ trẻ cũng không dễ, nhiều lúc mấy bé lớn đau quá, gồng lên khiến bà không giữ nổi, ngã bổ nhào.

Mặc dù chưa được học về kỹ thuật vật lý trị liệu nhưng từ khi gặp bé Vẹn, bà Điểu luôn tự tìm hiểu, đọc sách báo, nghiên cứu tìm cách để giúp trẻ bại não.

Bà Điểu xem gia đình những đứa trẻ khuyết tật là người thân của mình (ảnh: VnExpress).

Không chỉ giúp chữa trị bệnh cho các bệnh nhi, bà Điểu còn liên hệ với các doanh nghiệp để tặng sữa, vitamin và cơm miễn phí hằng ngày cho các bé tại cơ sở. Trước đây, có một số người khuyết tật lớn tuổi đến trung tâm của bà Điểu. Sau vài năm tập luyện, bà Điểu vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xe lăn, giới thiệu vào các trung tâm dạy nghề, giúp họ có công việc ổn định.

Tính đến nay, cơ sở của bác sĩ Điểu đã hỗ trợ miễn phí cho gần 7.000 người, trong đó có hơn 5.000 trẻ bại não, nhiễm chất độc da cam/dioxin và gần 1.000 người lớn.

Vị bác sĩ giản dị 

Tuy rất hào phóng với các bệnh nhân của mình nhưng đối với bản thân, bà Điểu lại rất tiết kiệm. Đi ngủ, bà trải chiếc chiếu con xuống nền, đắp chiếc chăn của một em bé khuyết tật may tặng. Số tiền lương hưu 10 triệu bà chủ yếu dùng để lo cho mấy đứa nhỏ, còn lại, bà tiêu xài cho bản thân chưa tới một triệu. “Tôi không cần nằm nệm, cũng chẳng cần áo quần đẹp”, bà kể. 

Phụ huynh cũng thường biếu tặng đồ ăn cho bà Điểu nên cả tháng bà chẳng cần đi chợ. Có lúc họ mang cho bà quả dưa leo nhà trồng, lúc là con cá bắt dưới ao, cũng có khi bà ăn cơm từ thiện cho qua bữa.

Năm 2019, bà Điểu được trao tặng giải thưởng KOVA của Tập đoàn KOVA ở hạng mục “Sống đẹp”, báo Vĩnh Long đưa tin.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu được trao Giải thưởng KOVA ở hạng mục Sống đẹp (ảnh: Phụ nữ Việt Nam).

Mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi bà bây giờ tuổi đã cao, sức khỏe không còn như trước, nhưng có lẽ chứng kiến trẻ em khuyết tật phục hồi, có được tương lai, có hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn đã khiến cho bà có động lực kiên trì giúp đỡ các em và gia đình. Với tấm lòng vị tha và bao dung, bác sĩ Điểu đã thật sự trở thành người “bà ngoại” đáng mến của hàng nghìn trẻ em. 

Video xem thêm: Bác sĩ thận học Việt Nam cảnh báo về du lịch ghép tạng ở Trung Quốc

videoinfo__video3.dkn.tv||0b4160ca0__