Mới đây, loạt ảnh về những giấc ngủ “vội vã” của sinh viên trường Y được đăng tải trên mạng đã khiến cộng đồng “dậy sóng”. Những hình ảnh ấy có thể lạ lẫm với mọi người nhưng với sinh viên Y thì đã quá đỗi quen thuộc.

Tranh thủ được phút nào hay phút đấy vì công việc có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Đối với những người trong ngành y, câu nói: “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” dường như đã trở thành phương châm để sống. Đối với họ, dù chợp mắt chỉ 1 phút thôi cũng đáng quý lắm rồi…

Các trường Y nên có thêm kỳ thi mang tên “kĩ năng ngủ ngon” ở mọi nơi dành cho sinh viên của mình!

Học Y vốn đã vất vả, khổ cực hơn rất nhiều những những ngành học khác, đến khi đi thực tập hay đi làm chính thức thì công việc còn bộn bề hơn gấp bội. Những giấc ngủ thoải mái cũng vì thế mà trở nên xa xỉ vô cùng. Ngủ ở hành lang, ngủ trên ghế… bất cứ nơi nào có thể ngả lưng đều trở thành chỗ ngủ êm ái của các bác sĩ, y tá và sinh viên ngành y.

Hành lang từ khi nào đã trở thành chiếc giường ngủ tập thể
Ghế chờ của bệnh nhân cũng trở thành giường tập thể của bác sĩ.
Kho thuốc chắc là “căn cứ” yên tĩnh để có giấc ngủ ngon.

Một sinh viên năm cuối chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, trường đại học Y Hà Nội chia sẻ: khó khăn lớn nhất đối với sinh viên Y là khối lượng kiến thức quá nhiều, số trình học nặng. Mỗi kỳ các bạn phải trải qua 6-7 chuyên khoa lẻ. Giáo trình của mỗi khoa này dày 200-300 trang, sinh viên phải học thuộc lòng và hiểu cặn kẽ từng vấn đề nhỏ nhất. Ngoài ra, sách tham khảo, tài liệu tiếng nước ngoài…, các sinh viên Y cũng phải đọc liên tục.

Với sinh viên Y, tài liệu cần đọc không thể tính bằng quyển mà tính bằng kg. Các sinh viên phải học thuộc lòng, hiểu cặn kẽ từng câu chữ, từng vấn đề nhỏ nhất.

Rất đông sinh viên cũng chia sẻ từng khủng hoảng khi vừa bước vào trường đại học, bởi kiến thức của một học kỳ ở trường bằng kiến thức 3 năm cấp ba cộng lại. Đó là lý do các bạn vẫn thường truyền tai nhau rằng, ở trường Y, chỉ có hai mùa: học và thi.

Ở trường Y, chỉ có hai mùa: học và thi.

Lớp của Đặng Đức Trung (20 tuổi, Ninh Bình) khi ấy trượt 1/3. Em tâm sự, đã học liên tục, cứ rảnh là lên giảng đường hoặc thư viện ngồi đến 23h chuông báo nghỉ lại về phòng đọc bài. Thế nhưng, “núi” kiến thức cần ghi nhớ vẫn không ôn được hết.

“Mùa thi, giảng đường 200 chỗ thì phải 250 sinh viên ngồi tự học. Những bạn không có chỗ sẽ ngồi cả ở hành lang hoặc cứ nơi nào sáng thì ngồi”, Trung kể.

Phải đứng phẫu thuật 8 tiếng đồng hồ thì mới biết khát khao được chợp mắt, dù chỉ 5 phút thôi nó lớn thế nào. Chẳng cần về phòng trực nữa, sàn nhà đã đủ êm ái lắm rồi.

Đối với những sinh viên đã chọn ngành y, mạng sống của bệnh nhân là điều quan trọng hàng đầu. Họ có thể bỏ quên những giấc ngủ ngọt ngào êm ái, dành trọn cả tuổi thanh xuân trau dồi kiến thức trên giảng đường để đổi lấy những giờ phút hết mình cứu chữa bệnh nhân. Đằng sau chiếc áo blouse trắng luôn là sự hy sinh to lớn của những người được trao sứ mệnh của thiên thần.

Ngủ tạm bợ nhưng cũng phải khoa học: xếp ghế ngay ngắn thoải mái, “nấp” kín để khỏi chói sáng và đỡ bị làm phiền.

Than chì và kim cương đều được cấu tạo từ Các-bon, nhưng kim cương cứng rắn hơn, lấp lánh hơn, quý giá hơn rất nhiều, đó là bởi vì chúng được tạo ra dưới áp lực vô cùng lớn. Những khó khăn về điều kiện vật chất, những áp lực về tinh thần mà các bạn sinh viên phải trải qua bây giờ đang dần tạo nên những viên kim cương sáng lấp lánh, những bác sĩ tương lai vững tay nghề, tâm trong sáng trong tương lai.

Ảnh dẫn theo trithuctre

Hiểu Minh