Câu chuyện xảy ra 16 năm trước đây khi ông Shivakumar nhìn thấy một lượng lớn cơm Pulao bị đổ đi trong một chiếc xe tải trên đường West of Chord gần Rajajinagar, thành phố Bengaluru, Ấn Độ.

Cơm Pulao là món chay nổi tiếng tượng trưng cho ẩm thực Ấn Độ và là một trong những món ăn đắt nhất trong thực đơn tại các nhà hàng ở đất nước này. Trên thực tế, lượng thức ăn thừa đó là từ một đám cưới đang trên đường đến bãi rác. Nhìn thấy cảnh tượng đó, ông Shivakumar đã nảy ra một sáng kiến đặc biệt.

“Tôi phải mất một thời gian để suy nghĩ nghiêm túc trước khi quyết định bắt đầu đi thu lại thức ăn thừa”, Shivakumar, 41 tuổi, người điều hành một cửa hàng nhỏ của gia đình ở Rajajinagar, cho biết.

Hiện nay, ông Shivakumar nhận các cuộc gọi từ khắp nơi trong thành phố – từ các hội nghị, các bữa tiệc và các khách sạn – để đến nhận thức ăn thừa. Ông đảm bảo rằng không một miếng nhỏ bị lãng phí và sẽ phân phối nó cho những người nghèo.

“Ban đầu, mọi người cảnh báo tôi là các thực phẩm có thể bị ôi thiu và nhiễm bệnh. Nhưng tôi không thể chịu nổi khi nhìn thấy những món ăn đắt tiền bị đưa đến chuồng heo”, Shivakumar nói thêm.

giup nguoi ngheo bang thuc an thua
(Ảnh: Daily Mail)

Một báo cáo năm 2011 của trường Đại học Khoa học Nông nghiệp đã chỉ ra rằng thực phẩm thừa bị đổ đi trong các bữa tiệc và tiệc cưới lên đến 400 triệu Rupees (khoảng 120 triệu đô) mỗi năm ở Bengaluru. Theo ước tính của riêng Shivakumar, số thực phẩm thừa tại mỗi bữa tiệc đủ để 150 người no bụng.

“Tại sao lại nhồi nhét tới hơn 2kg thức ăn trong khẩu phần ăn của một người trong khi anh ta chỉ cần có 500 gram?” Người đàn ông bỏ học từ năm lớp 10 này cũng thử đồ ăn trước khi đồng ý lấy chúng. Shivakumar đang lên kế hoạch xây dựng một cơ sở trữ lạnh có thể lưu giữ thức ăn cho 10.000 người, theo báo cáo của The Economic Times.

Shivakumar thường bận rộn từ tháng Giêng đến tháng Sáu và từ tháng Tám đến tháng Mười Hai. “Trong đêm lễ Akshaya Tritiya, tôi đã nhận được 120 cuộc gọi điện thoại đề nghị tôi đến lấy thức ăn còn thừa. Tôi đã đi thu thức ăn thừa từ 40 hội trường và phân phát nó cho khoảng 28.000 người ở khu ổ chuột”.

“Tôi cũng phân phối thức ăn thừa cho viện dưỡng lão và trại trẻ mồ côi. Tôi thu thập thức ăn thừa từ ít nhất 10 hội trường đám cưới một ngày trong suốt mùa cưới”, ông nói.

Bây giờ, Shivakumar muốn mở rộng dịch vụ này đến các nơi khác của Bangalore, và trên khắp tiểu bang. “Thật không công bằng khi để lãng phí thực phẩm trong khi nhiều người còn đang đói. Tôi sẽ giúp những ai muốn bắt đầu cung cấp dịch vụ tương tự trong khu vực của họ”, ông nói.

Ngoài ra, ông còn đang cung cấp đồ uống tại 80 điểm dừng xe buýt và đã xây dựng 20 nhà chờ xe buýt. “Tôi đã yêu cầu nhân viên của mình trồng hai cây một ngày và tưới nước mỗi ngày. Bộ Lâm nghiệp đã bảo đảm với tôi rằng họ sẽ cung cấp 1.000 cây giống”, ông nói trong một báo cáo trên tờ The New Indian Express.

Ở Việt Nam, nhóm tình nguyện Hanoi Food Rescue cũng đang làm công việc tương tự, mang tặng thực phẩm cho hơn 2.000 người đang thiếu thức ăn như người nhà bệnh nhân, người nghèo, trẻ em mồ côi…

Dưới đây là phim ngắn đoạt giải nhất với chủ đề “Thức ăn, hương vị và cơn đói” tại liên hoan phim Berlin 2006

Theo Social.yourstory
Thu Phương biên dịch

Xem thêm: