Tôi sinh ra trong nhà thổ giữa một khu ổ chuột ở Ấn Độ. Và tôi không hề khóc…
Tôi kiếm sống qua ngày bằng công việc nhặt và phân loại rác. Tôi cũng không hề khóc…
Chứng kiến mẹ hàng ngày phải làm gái bán hoa. Nhưng tôi không hề khóc…
Rồi một ngày thấy em trai mình nằm trên phố. Bất động. Máu. Và cái chết thương tâm. Tôi không hề khóc…
Tôi cũng không hề khóc khi còn chưa đủ thành niên, tôi bị ép gả cho một người đàn ông già hơn mình nhiều chục tuổi…
Và như thế, dẫu trải qua biết bao bi kịch trong cuộc đời, thì tôi vẫn không-bao-giờ-khóc.
Trên đây là những lời thuật lại từ câu chuyện về một cô gái Ấn Độ trong bộ phim của WATERisLIFE, công bố vào tháng 5/2014. Mặc dù đây chỉ là đoạn video quảng cáo, nhưng tất cả mọi tình tiết trong phim đều là bi kịch có thật của những trẻ em nghèo trong các khu dân cư tồi tàn tại Ấn Độ: phải ngủ trên hè phố, phải nhặt rác trong các bãi chứa bẩn thỉu, bị lạm dụng hay cưỡng bức, và không thể làm chủ cuộc đời mình.
Nhưng hơn tất cả, bi kịch lớn nhất của cô gái ấy lại là không thể khóc cho nỗi đau của chính mình. Đó là hậu quả của tình trạng khan hiếm nước. Khi thiếu đi nguồn nước sạch cho sinh hoạt, cơ thể người sẽ mất khả năng hình thành nước mắt.
Bạn có biết, hàng năm có đến 3,4 triệu người chết vì không có nước sạch, và phần lớn trong số đó là người dân ở các quốc gia đang phát triển? Đó chính là một thực tế đau lòng, bởi vì mặc dù 70% diện tích bề mặt Trái Đất là sông ngòi và các đại dương rộng lớn, nhưng chỉ có 2,5% trong tổng lượng nước là nước ngọt dành cho con người.
Nhưng chúng ta lại không có may mắn được sử dụng 2,5% vốn đã rất eo hẹp ấy, bởi vì cùng với nước đóng băng ở hai đầu cực, nước ngầm trong đất, nước trong các sông, hồ, đầm lầy, hơi nước trong không khí, và nước bị thất thoát khác, thì những gì còn lại là hết sức, hết sức ít ỏi. Thế nhưng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đất đai, và ô nhiễm nguồn nước, cộng thêm việc sử dụng lãng phí và tùy tiện của con người, thì tài nguyên nước vốn đã khan hiếm lại càng ngày càng trở nên cạn kiệt hơn.
Và bạn có biết, nước là tài nguyên quý giá nhưng lại không được chúng ta coi trọng. Khi chúng ta vô tư đổ đi một cốc nước sạch thì ở đâu đó trên thế giới, vẫn đang có những người ngày ngày phải đi bộ hàng nhiều dặm chỉ để mang về một can nước đục cho gia đình. Ở châu Phi xa xôi, nhiều bộ lạc thuộc thung lũng Omo của Ethiopia lại cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm, bởi cứ mỗi 20 giây, họ sẽ mất đi một người thân trong gia đình do thiếu nước sạch. Trẻ em cần được vui chơi. Nhưng cậu bé 4 tuổi Nkaitole ở Kenya lại phải cố gắng thực hiện tất cả mọi ước mơ của mình trước ngày sinh nhật sắp tới, bởi em có thể ra đi bất cứ lúc nào: Mỗi ngày trôi qua lại có 4.100 trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chết vì không đủ nước.
Và như thế, khi tất cả chưa phải là quá muộn, hãy nâng niu, trân trọng, và bảo vệ nguồn tài nguyên lớn nhất mà chúng ta đang có. Cũng giống như thông điệp truyền tải trong bộ phim nêu trên: Nước chính là sự sống!
Cảm ơn bạn đã lắng nghe, và đừng quên chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của riêng bạn trong phần bình luận bên dưới.
Hồng Liên
Xem thêm: