Để xây dựng hay thay đổi một thói quen là điều không dễ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi chỉ cần từng bước từng bước thay đổi các thói quen, kiên định và đảm bảo tất cả các thói quen này đi theo cùng một hướng, cùng một mục tiêu mà tôi muốn thay đổi.

25 thói quen nhỏ dưới đây có thể ứng dụng rất hiệu quả trong cuộc sống. Chỉ cần tập luyện chúng đều đặn mỗi ngày, bạn hoàn toàn có thể thay đổi rất nhiều thứ như năng lượng, hình thể, các mối quan hệ, công việc, cộng đồng và môi trường…

Xem thêm:

Những thói quen nhỏ cho các mối quan hệ tốt hơn

1. Hãy gọi điện, nhắn tin hay email đến một người bạn cũ hoặc người thân trong gia đình bạn. Chúng ta dễ dàng kết nối với đồng nghiệp ở nơi sở làm và bạn bè xa lạ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, nhưng lại ít liên lạc với một người bạn cũ và người thân nào đó. Chỉ mất vài phút để đầu tư vào những mối quan hệ này, bạn sẽ có nhiều sự kết nối với mọi người xung quanh, gần và xa.

(Ảnh: gettyimages.com)

2. Hãy viết lời “Cám ơn” vào mỗi tuần. Cám ơn những ai đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, những ai là một phần cuộc sống của bạn, nói cho họ biết những thứ mà bạn mong muốn đối với họ và gửi đến họ. Nuôi dưỡng lòng biết ơn làm cho cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa và hạnh phúc.

(Ảnh: istockphoto.com)

3. Trước khi đi ngủ, bạn hãy cho người quan trọng của bạn biết là bạn trân trọng họ như thế nào qua lời chúc ngủ ngon, cám ơn hay động viên mà bạn dành cho họ. Đồng thời hãy gửi lời cám ơn đến những ai quan tâm và chăm sóc bạn. Đây cũng là cách làm tăng mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.

(Ảnh: internet)

4. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi trả lời câu hỏi của một ai đó. Bạn nên tập lắng nghe và không chen ngang trong lúc người khác đang nói. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Luôn cân nhắc trong từng lời nói và cử chỉ. Nếu buổi nói chuyện trở nên căng thẳng, bạn hãy dừng lại 5 phút để giảm bớt lời nói, tông điệu xuống, để tránh mối quan hệ bị đổ vỡ.

(Ảnh: gettyimages.com)

5. Hãy dành cho mình một chút thời gian lắng đọng khi tâm trạng không ổn định như bị stress, chán nản, tức giận, hoặc mất kiên nhẫn với ai đó. Đừng để mọi thứ trở nên phức tạp, bạn hãy tạm nghỉ ngơi một chút bằng cách đi bộ 5 phút, lái xe dạo phố hay nghe nhạc, điều này sẽ giải tỏa được một phần nào tâm trạng bất ổn của bạn.

(Ảnh: internet)

Những thói quen nhỏ cho môi trường và cộng đồng tốt hơn

1. Bạn có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bỏ ra một chút thời gian mỗi ngày hoặc mỗi tuần nhặt rác trên đường phố? Có phải bạn nghĩ rằng “Quá xấu hổ khi làm công việc này”? Nhưng hành động nhỏ đó cho thấy rằng, bạn có nhận thức cao trong việc bảo vệ môi trường sạch sẽ và trong lành. Hơn thế nữa, nó còn có thể tác động đến những người khác. Bạn có thể không nhận ra tầm ảnh hưởng của việc này, song đây là điều tạo cho người khác quan tâm hơn những thứ chưa làm tốt quanh họ.

(Ảnh: internet)

2. Bạn hãy bắt đầu với việc chào người hàng xóm bằng cái gật đầu hay mỉm cười để tạo mối quan hệ gần gũi hơn. Chắc chắn, họ cũng sẽ có hành động tương tự. Nhờ vậy mà giờ đây những người hàng xóm của tôi rất nhiệt tình bắt chuyện với tôi, họ chủ động hỏi xem tôi cần giúp đỡ gì không và quan tâm đến tôi mỗi khi tôi ốm hay bệnh tật.

(Ảnh: internet)

3. Mượn trước khi mua thứ gì đó đắt giá. Bạn hãy thử tạo thói quen mượn trước, dùng thử để xem tính năng của món đồ liệu có thích hợp với cái bạn thật sự cần hay không. Hoặc nếu không mượn được thì bạn thử mua cái đã qua sử dụng, rồi hãy mua cái mới. Phương thức này không thể áp dụng cho tất cả, nhưng có nhiều món đồ có thể mượn được, nhằm tiết kiệm tiền và hạn chế rác thải, giữ môi trường luôn sạch đẹp.

4. Khi nhận lương hàng tháng, bạn hãy để dành một số tiền nhỏ để làm từ thiện. Hãy đặt trong tâm mình: “Chúng ta là một phần của đại gia đình nhân loại”. Giúp đỡ người hàng xóm khi thiếu thốn, gửi chị lao công một hộp cơm trưa, cho bà lão bán vé số 5000 đồng cũng có thể làm nên sự khác biệt lớn cho cuộc sống của họ. Bạn đã sẵn sàng bắt đầu làm ngay từ bây giờ chưa?

(Ảnh: lexisnexis.com)

5. Có lẽ mỗi người chúng ta đều biết đến “Mùa hè xanh” và chương trình “Cứu trợ” từ các tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ (NGO). Tại sao bạn không thử tham gia một lần? Tìm hiểu cuộc sống của cộng đồng, hoàn cảnh của những mảnh đời bất hạnh sẽ khơi dậy lòng nhân ái của bạn.

(Ảnh: nld.com.vn)

Hahna Nguyễn

Xem thêm: