Bạn được truyền cảm hứng từ hàng nghìn trang sách viết về Bill Gates, Steve Jobs, Elon Musk… Bạn bắt đầu lên một kế hoạch hoàn hảo cho bản thân và áp dụng tất cả “bí quyết” đã học được từ những người thành công, để trở nên “lung linh” nhất có thể. Thế nhưng, ngay sau đó, khó khăn xuất hiện và bạn không biết kiểm soát chúng như thế nào?
Bạn có đang đặt mục tiêu dựa trên sự hoàn hảo?
Một năm trước, Mel Robbins quyết định viết cuốn sách The 5 Second Rule (Tạm dịch: Quy tắc 5 giây). Khi ấy, cô có niềm tin mạnh mẽ rằng, để thành công, cuốn sách cần là một ấn phẩm hoàn hảo không tì vết.
Robbins có rất nhiều ý tưởng thú vị cho cuốn sách này và tin chắc rằng mình sẽ thành công. Cô chuẩn bị một kế hoạch hoàn hảo cho mọi thứ, vẽ ra trong đầu cảnh tượng mình ngồi trước bàn làm việc và tạo ra những trang sách tuyệt vời.
Thế nhưng, ngay khi bắt đầu thực hiện, cô đã gặp rắc rối. Trong nhiều ngày liên tục, Robbins không đặt bút viết nổi dù chỉ là những ý nhỏ nhất. Bản thảo của cô vẫn là những trang giấy trắng và các ý tưởng đều biến mất.
Robbin bắt đầu rơi vào khủng hoảng tâm lý và bị rối loạn. Cuối cùng, cô nhận ra, mình đã quá mưu cầu sự hoàn hảo. Cô quyết định từ bỏ kế hoạch đã lập và giải quyết mọi việc theo cách thực tế hơn. Thật bất ngờ, những khúc mắc dần dần được tháo gỡ và các ý tưởng ý tưởng cũng xuất hiện trở lại.
Trên thực tế, dù muốn hay không, bạn phải chấp nhận rằng: Cuộc sống thực tế không hoàn hảo như những gì chúng ta vẫn tưởng tượng. Có quá nhiều vấn đề mà bạn hoàn toàn không thể kiểm soát được, dù cho bạn cảm thấy mình đã chuẩn bị sẵn sàng. Và, chỉ khi áp lực của sự hoàn hảo được gỡ bỏ, bạn mới có thể chạm đến được thiên tài bên trong mình.
Chúng ta thường nghe những câu chuyện phi thường của người nổi tiếng, đọc những tác phẩm kinh điển của các nhà văn tài năng; nhưng chúng ta lại không biết nhiều về những năm tháng thất bại, chán nản, thậm chí muốn bỏ cuộc của họ. Những sự hiểu biết “khiếm khuyết” đó vô tình đã tạo ra nhiều ảo tưởng về sự hoàn hảo, cuối cùng, khiến cho hầu hết chúng ta đều đặt mục tiêu và lên kế hoạch cho cuộc đời dựa vào chúng.
Chúng ta đã rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa hoàn hảo, là khao khát hoàn hảo đến mãnh liệt, mà không có hiểu biết đầy đủ hay chín chắn về những điều kiện cần thiết để đạt được điều đó.
Bạn có đang rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa hoàn hảo?
Có 2 tuýp người điển hình dễ rơi vào “cái bẫy “của chủ nghĩa hoàn hảo.
Thứ nhất: Tuýp người cầu toàn hướng nội. Đối với những người này, họ luôn cho rằng cố gắng của mình không bao giờ là đủ. Thậm chí, khi đã hoàn thành xong việc, họ vẫn lo lắng rằng mình làm không đủ tốt. Mặc dù, theo một phương diện nào đó, tính cách này có thể hỗ trợ cho công việc và có động lực để cố gắng hơn, nhưng phần nhiều nó khiến những người này dễ tổn thương và mệt mỏi.
Thực tế, những người cầu toàn hướng nội thường quá nghiêm khắc và không tha thứ cho bản thân về những sai lầm đã mắc phải. Họ thường xuyên có cảm giác căng thẳng, bối rối, thậm chí mất ngủ hoặc trầm cảm. Họ luôn tâm niệm rằng: Người khác có thể làm sai, phạm lỗi lầm nhưng mình thì không bao giờ được phép như vậy.
Nếu bạn thuộc tuýp người này, hãy tỉnh táo nhận ra rằng: Cuộc sống không có ai đủ hoàn hảo và cũng chẳng có ai đủ thời gian để chú ý hay phán xét đến những khiếm khuyết nhỏ của người khác đâu. Vậy nên, hãy tha thứ cho bản thân mỗi khi mắc sai lầm, bạn còn nhiều cơ hội để sửa chữa mà.
Thứ hai: Tuýp người cầu toàn hướng ngoại. Hoàn toàn trái ngược với tuýp người cầu toàn hướng nội, những người này hoàn toàn cảm thấy ổn về bản thân nhưng thường xuyên thất vọng và tức giận với những người khác. Họ thường đòi hỏi thái quá về “chất lượng” và luôn cảm thấy bực mình khi người khác không đáp ứng được.
Dường như tất cả mọi thứ diễn ra trong ngày đều khiến họ phải phàn nàn: Con cái không nghe lời, vợ/chồng không quan tâm, công việc không thuận lợi, sếp quá khó tính… Thậm chí, ngay cả khi người khác cảm thấy ngưỡng mộ cuộc sống của họ thì họ vẫn luôn thấy chưa đủ hoàn hảo.
Đặc biệt, những người người cầu toàn hướng ngoại mắc phải rất nhiều vấn đề trong mối quan hệ với người khác. Khi không được đáp ứng kỳ vọng, họ thường bực bội, khó chịu, thậm chí là cãi nhau với những người xung quanh.
Thực tế, hành trình theo đuổi sự hoàn hảo rất vất vả và khó nhọc cả về thể chất lẫn tinh thần. Có hai động lực mâu thuẫn nhau, tồn tại đồng thời đối với những người cầu toàn và theo đuổi sự hoàn hảo là (1) đam mê thực hiện công việc tốt và (2) nỗi sợ khi phải đối mặt với thất bại.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là, chủ nghĩa hoàn hảo khiến cảm xúc con người bị bào mòn và cản trở chúng ta vươn tới thành công hay tìm kiếm hạnh phúc. Khi theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, hệ quả dễ thấy là nỗi sợ mắc sai lầm, căng thẳng khi đối mặt với áp lực trong công việc và hoài nghi bản thân.
Bạn có muốn vượt qua chủ nghĩa hoàn hảo?
Nếu bạn đã cảm thấy quá mệt mỏi vì theo đuổi sự hoàn hảo, quy tắc 4P sau đây có thể là 1 ý tưởng thú vị và hiệu quả.
Pay attention: Chú ý đến những vấn đề khi theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo.
Trước tiên, để loại bỏ chủ nghĩa hoàn hảo ra khỏi tâm trí, bạn cần nhìn nhận một cách thực tế rằng bạn đang gặp vấn đề khi cố gắng theo đuổi nó. Một khi chấp nhận được điều đó, bạn sẽ có ý thức tránh xa cái bẫy của nó.
Put down: Viết ra giấy tất cả các ưu, nhược điểm của việc cố gắng trở thành người hoàn hảo.
Khi viết rõ ràng những điều đó, bạn sẽ nhận ra rằng hoàn hảo là điều rất khó, hoặc không thể đạt được. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải loại bỏ tất cả những mục tiêu nằm ngoài khả năng hiện tại của mình. Điều bạn cần làm là ý thức được những giới hạn của những điểm mạnh và hoàn cảnh của bạn.
Trên thực tế, cố gắng hết sức và cầu toàn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, và bạn chỉ cần cố gắng hết sức để hoàn thành tốt công việc là đủ rồi.
Permit: Cho phép bản thân mắc sai lầm.
Một trong những tiêu cực của chủ nghĩa hoàn hảo là chúng ta không cho phép bản thân mắc sai lầm. Thế nhưng, bạn hãy nghĩ xem, ngay cả những con người vĩ đại nhất còn mắc sai lầm cơ mà. Albert Einstein, Isaac Newton, Steve Jobs, Bill Gates… bạn đã từng thấy ai chưa từng mắc sai lầm chưa?
Vậy nên, chẳng có vấn đề gì nếu bạn mắc sai lầm cả. Một khi cho phép bản thân mắc sai lầm, bạn sẽ không quá lo lắng về việc cố gắng trở nên hoàn hảo nữa.
Pat: Tự vỗ ngực khen ngợi bản thân vì những thành quả, dù là nhỏ nhất mà mình đạt được.
Nếu bạn đạt được thành quả nào đó, dù lớn hay nhỏ, hãy tự khen ngợi mình “Làm tốt lắm!”. Bằng cách nhìn nhận những thành tích đạt được mỗi ngày, bạn đã truyền động lực cho bản thân. Bạn cũng sẽ nhận ra rằng: Không nhất thiết phải hoàn hảo thì mới gặt hái được thành công. Điều bạn cần làm chỉ là cố gắng hết mình.
Hiểu Minh
Xem thêm:
- Bài test kỳ lạ của Steve Jobs và đức tính mà mọi nhà tuyển dụng đều muốn có ở bạn
- Bật lửa đốt một lúc 6000 que diêm xếp thành hình vuông, cảnh tượng ngoạn mục gì sẽ xảy ra?
- Cựu thứ trưởng công an Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công bị miễn nhiệm và điều tra