Giữa một xã hội đầy rẫy bon chen và toan tính như hiện nay, câu chuyện về người thầy giáo đẽo thang, vượt núi lên tít đỉnh trời toàn đá tai mèo xám ngoét, tự dựng trường dạy học như một cổ tích khiến bao người ngưỡng mộ và cảm phục.

Người thầy lặng lẽ “tỏa bóng” bao dung…

Năm 2000, thầy giáo Mông Văn Nguyễn tạm biệt mẹ già và vợ con lên vùng núi đá cao chất ngất giữa đỉnh trời ở bản Lũng Mần (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) quyết tâm mang cái chữ đến cho những đứa trẻ người Mông chưa từng một lần được đến trường đi học mà chỉ quanh năm cặm cụi trên các nương ngô, nương lúa.

Thầy giáo Nguyễn tạm biệt mẹ già và vợ con lên vùng núi đá cao chất ngất giữa đỉnh trời bản Lũng Mần quyết tâm mang cái chữ đến cho những đứa trẻ người Mông chưa từng một lần được đến trường

Đường vào Lũng Mần cheo leo, vách núi hai bên cao vòi vọi, hoang liêu đến kỳ lạ, dù là người dũng cảm đến mấy thì lần đầu đến cũng phải giật mình thảng thốt. Con đường dốc gần như thẳng đứng, không cách nào đi ô tô vào, mà nếu chở hai người bằng xe máy thì cũng không được, thành thử, một là đi bộ, hai là “một mình một ngựa” trong trạng thái “sẩy chân là sẩy mạng”.

Đường vào Lũng Mần cheo leo, vách núi hai bên vòi vọi, hoang liêu đến kỳ lạ

Vất vả lắm thầy mới tới nơi được, ấy vậy học trò cứ thấy thầy giáo là bỏ chạy. Bảo đi học nhé, bố mẹ nó còn hỏi: “Học có ra ngô, có ra nước uống được không?”. Cả bản có 74 hộ và chừng 500 nhân khẩu, 100% đều thuộc diện đói nghèo, lo cái ăn cho no bụng đã khó, huống hồ là chuyện đi học, nghe là thấy xa vời, không với tới được.

Tấm lòng chân thành của thầy cũng đã “cảm hóa” được bà con trong bản, lớp học đầu tiên đã có 29 em.

Thế là thầy giáo Mông Văn Nguyễn lợp một túp lều làm lớp học, lấy một ống tre chế làm trống rồi đến từng nhà vận động trẻ đến trường. Dần dà, tấm lòng chân thành của thầy cũng đã “cảm hóa” được bà con trong bản. Lớp học đầu tiên mở ra có 29 em học sinh đủ mọi lứa tuổi, đứa lớn thì đã 3 con, đứa nhỏ thì còn thò lò mũi xanh lèo, tất cả đều là lớp 1. Tuy ngô nghê, lố nhố nhưng đám học trò buộc quần bằng dây thừng, đi đứng cứ lụi cụi này sống tình cảm lắm, ngày nào đến lớp cũng biếu thầy một chai nước sông Nho Quế hoặc nước mưa. Thầy cũng chẳng dám dùng nhiều nước, cả tuần mới dám tắm một lần. Nước rửa mặt xong thì lấy rửa rau, rồi để dành tối rửa chân, rửa xong không dùng được nữa thì đem tưới cây hoặc cho lợn gà uống… Mỗi năm 8 tháng mùa khô, cả miền đá này quay quắt vì thiếu nước.

Thầy giáo Nguyễn quyết tâm tính kế giải “cơn khát nghìn đời” cho bà con
Nghe theo thầy Nguyễn, người dân phá đá mở đường, xây bể nước cho con đi học

Thấy bà con quá khổ, đứng ngồi không yên, thầy giáo Nguyễn quyết tâm tính kế giải “cơn khát nghìn đời”. Anh gùi xi măng lên, dùng thuốc nổ phá đá làm một lòng chảo, xây những cái bể chứa nước mưa. Nước mùa mưa nhiều lắm, nhưng đá tai mèo lỗ chỗ lởm chởm hút hết nên 8 tháng mùa khô người dân mới khổ sở trăm bề đến thế. Thầy Nguyễn dùng xi măng chít những kẽ đá lại, lót thêm miếng vải địa kỹ thuật chống thấm lên, thế là bà con không sợ thiếu nước nữa. Ai ai cũng biết ơn thầy giáo lắm, họ truyền tai nhau và ca tụng “thầy giáo còn biết nhiều hơn cả ông thầy cúng”.

Đi tuyên truyền phát thuốc tránh thai cho dân bản

Thầy trở thành huyền thoại của vùng núi đá nơi địa đầu lúc nào không hay, chuyện gì không giải quyết được là bà con tìm ngay thầy giáo để trình bày và nhờ phân xử. Từ chuyện vợ chồng cãi nhau, đỡ đẻ, trộm trâu, trộm gỗ đến chuyện con cháu bị bắt bán sang bên kia biên giới… không việc gì là không đến tay thầy giải quyết.

Thầy Nguyễn và em Dí – người đã được thầy giải cứu khi bị đem bán sang Trung Quốc

Suốt 17 năm không mệt mỏi giúp đỡ người dân xây bể, hướng dẫn trồng trọt, giải thoát phụ nữ trẻ em bị bán sang Trung Quốc, nâng cao nhận thức văn hóa về mọi mặt… ở cái tuổi đã trên 50, cũng có lúc thầy mệt, muốn về dạy học gần nhà với gia đình, nhưng nghĩ đến cảnh vất vả khó khăn nơi đây, thầy không cầm lòng được, càng không nỡ phụ sự tin tưởng, yêu thương của bà con. Và thầy đã quyết định ở lại, “tỏa bóng” bao dung với những đỉnh trời đá xám hiểm trở bậc nhất nước Việt Nam kia. Như ai đó đã từng nói: Trước thiên nhiên vĩ đại, dường như những toan tính nhỏ nhen cũng bị chìm lấp đi, chỉ còn lại một trái tim bao la, rộng lớn.

Thầy trở thành huyền thoại của vùng núi đá nơi địa đầu lúc nào không hay…

Một sự ra đi khiến bao trái tim quặn thắt

Theo lời kể của Thượng tá Hoàng Anh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cốc Pàng, tỉnh Cao Bằng (nơi quản lý địa bàn thầy Nguyễn dạy học), một ngày nọ, có một cặp vợ chồng người Mông từ bên Mèo Vạc sang Đức Hạnh để lấy củi. Đúng lúc thủy điện Nho Quế xả nước dâng lên cao, từ 6h sáng đến 22 giờ đêm mà cặp vợ chồng kia không thể qua sông về nhà được. Họ đói, sợ và tuyệt vọng nên bèn cầu cứu đến thầy giáo Nguyễn.

Thầy đã cùng họ buộc dây thừng ngang hai bờ, rồi buộc các cái can nhựa 20 lít để kéo cặp vợ chồng này sang sông. Đây là phương pháp mà bà con trong khu vực vẫn thường dùng. Thế nhưng, hôm ấy, chẳng may dây thừng bị đứt, nước lớn cuốn đi, người chồng bơi được, trôi mấy trăm mét theo lũ, tuy bị bầm dập nhưng vẫn sống sót. Riêng người vợ không biết bơi, thấy chị chới với giữa dòng nước, thầy Nguyễn không màng nguy hiểm lao ngay đến cứu. Thế nhưng, nước quá lớn, cả thầy Nguyễn và người phụ nữ kia đã bị cuốn trôi đi. Người ta bảo rằng, hôm đó, nước sông Nho Quế dâng cao hơn thường lệ vì phía Việt Nam và phía Trung Quốc đều cùng xả nước thủy điện…

Thầy đã ra đi nhưng câu chuyện về thầy vẫn còn khắc ghi mãi trong trái tim tất cả những người ở lại mãi mãi, không bao giờ phai nhạt

Thi thể thầy Nguyễn đã được đưa về mai táng tại quê nhà ở xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng trong niềm tiếc thương vô hạn của bà con bản Lũng Mần và những con người bao năm qua luôn kính trọng người thầy tận tụy, bao dung. Họ hiểu rằng, thầy đã ra đi nhưng câu chuyện về thầy vẫn còn khắc ghi trong trái tim tất cả những người ở lại mãi mãi, không bao giờ phai nhạt. Câu chuyện cuộc đời thầy đã lan tỏa cho cả cộng đồng và nó đã trở thành nguồn cảm hứng để chúng ta học được cách sống bao dung hơn, nghĩ cho người khác nhiều hơn trước khi nghĩ đến bản thân mình.

Những đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ biết cách sống xứng đáng với những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại của thầy Nguyễn…

Có một điều chắc chắn rằng, hình ảnh về thầy giáo Nguyễn sẽ được lưu truyền cho nhiều thế hệ sau nơi đại ngàn heo hút ấy, mãi mãi; để khi những đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ biết rằng, đã từng có một tấm lòng cao cả, bác ái, dành cả cuộc đời để đem văn hóa đến cho bản làng xa xôi này, và chúng sẽ biết cách sống xứng đáng với những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại đó.

Linh An

Xem thêm: