Cửa chùa vốn là nơi những tâm hồn đau khổ nhất tìm về, những mong được ánh sáng từ bi của Phật chở che. Trong ngôi chùa nhỏ nằm khuất nẻo cuối cánh đồng thôn Bùi Xá, huyện Thanh Oai ấy, một người học trò của Phật cũng đang từng ngày học theo tấm lòng rộng lớn của Ngài mà cưu mang, nâng đỡ cho sáu sinh linh bé nhỏ, thiếu may mắn.

Ngôi chùa nằm khuất nẻo nơi cuối cánh đồng. Nhưng trong ấy không hề có sư lạnh lẽo, mà tràn đầy hơi ấm của tình thương

Trong ngôi chùa nhỏ đã bị thời gian lấy đi rất nhiều sự vững chãi ấy, người ta vẫn cảm nhận được rõ ràng sự tĩnh lặng, trang nghiêm vào mỗi buổi sớm mai, khi tiếng mõ, tiếng tụng kinh đều đều ngân lên. Nhưng không khí trong chùa sẽ có phần đổi khác, khi những đứa trẻ của chùa tỉnh giấc. Ngôi chùa nhỏ với bức tường của gian Tam Bảo đã từng sập và được xây cất lại một cách tạm thời này là mái ấm của sáu đứa trẻ, đứa lớn nhất mới 7 tuổi, đứa nhỏ nhất vẫn còn ẵm ngửa.

Tường có thể sụp, nhưng một khi tấm lòng từ bi của Phật vẫn ngự trị trong chùa, những người học trò của Ngài vẫn sẽ vững tâm mà đi trên con đường Ngài để lại.

Sư cô Thích Đàm Thảo là vị sư duy nhất ở đây. Ngày ngày, sư cô vừa chuyên tâm phụng sự Tam Bảo, vừa làm công việc mà ít ai có thể hình dung – chăm nom cái ăn cái ngủ của sáu đứa trẻ. Câu chuyện nhân duyên của Sư cô với các con bắt đầu từ năm 2009, ba năm sau khi Sư cô về chùa Thái Ân để tu hành. Theo chia sẻ, Sư cô Thích Đàm Thảo đã có nguyện ước xuất gia từ khi còn rất nhỏ, tới năm 16 tuổi, khi nhân duyên đã tròn đầy, sư cô quy y, chính thức để lại sau lưng cuộc sống của một người bình thường, bước lên con đường tu hành để đi tìm ý nghĩa thật sự của đời người.

Những tưởng vào chốn cửa chùa, Sư cô có thể chuyên tâm tụng kinh, niệm Phật, dành thời gian ngồi đả tọa để thực tu tâm tính của mình. Nhưng đến năm 2009, vào một buổi sớm mai, người đi lễ bỗng phát hiện ra tiếng oe oe vang lên trong không gian tĩnh mịch. Một bé gái còn nguyên cuống rốn đã bị để lại trước cổng chùa. Nhìn hình hài đỏ hỏn còn quá non nớt ấy, có lẽ ai cũng cảm thấy xót xa. Vì thương thân phận côi cút từ khi vừa lọt lòng của cô bé, sư cô Đàm Thảo đã nhận trách nhiệm nuôi nấng em. Nơi cửa chùa, điều kiện vật chất không đủ đầy, nhưng hơi ấm và sự chở che thì có lẽ không bao giờ thiếu. Sư cô đặt cho cô bé cái tên rất đẹp Thanh Tâm – một tâm hồn trong trẻo. Sư cô Đàm Thảo từ đó bước vào một vai trò mới: Làm mẹ.

Sư cô Thích Đàm Thảo và những em bé đã bị bỏ lại nơi cổng chùa Thái Ân.

Nhà chùa vốn nằm ở nơi hẻo lánh, người tới lễ, công đức giúp chùa cũng không nhiều. Tiền mua bỉm, mua sữa cho con lúc đầu, sư cô phải nhờ cậy đến gia đình. Trong khi ấy, Sư cô tự cày ruộng, trồng rau để có thêm thu nhập lo cho Thanh Tâm. Hai năm sau, khi cô bé con mới cứng cáp hơn đôi chút, lại một bé gái nữa được để lại trước cổng chùa trong một chiếc thùng, bên cạnh là một bình sữa không đầy. Lại thêm một người mẹ nữa phải đau đớn mà gửi lại đứa con do chính mình sinh ra. Thấu hiểu rõ được hoàn cảnh của họ, sư cô tiếp tục cưu mang bé gái thứ hai, và em cũng được sư cô tặng cho một cái tên thật đẹp Tuệ Tâm.

Các con tuy không có gia đình, nhưng các con vẫn có sư cô, người đã làm tất cả để mang đến cho các con một mái nhà và cả những nụ cười.

Trong năm 2013, có lẽ nhiều người đã biết đến tấm lòng nhân từ của sư cô Thích Đàm Thảo nên chỉ trong một năm, bốn em bé lần lượt được gửi lại nơi cổng chùa. Một trường hợp đặc biệt nhất là của Phúc Tâm, khi được Sư cô phát hiện, em đang ở trong trạng thái nguy cấp, thân thể tím tái. Những người chứng kiến đều cho rằng em không thể sống sót. Nhưng sư cô Đàm Thảo không nghĩ vậy. Tất tả, sư cô đưa em tới bệnh viện, rồi hàng ngày kiên nhẫn đi hơn 30 cây số để tới chăm em. Một tháng sau đó, điều kì diệu đã thực sự xuất hiện. Tình trạng của Phúc Tâm đã ổn định, niềm tin và sự tận tâm của một người không sinh ra em đã giữ em lại với cuộc đời.

Giờ đây, những cô bé, cậu bé nhỏ xíu ngày nào đã lớn lên, khỏe mạnh, xinh xắn và thật hạnh phúc trong vòng tay của sư cô, trong sự từ bi của Phật.

Con đường tu hành của Sư cô Thích Đàm Thảo có lẽ khác biệt rất nhiều với những người bạn đồng tu. Sư cô Đàm Thảo giờ đây không chỉ đi con đường tu hành của mình nhờ vào những kinh sách, những giờ tọa thiền, những buổi tụng kinh. Cuộc đời đã an bài cho sư cô một hoàn cảnh tu luyện cũng thật lạ lùng. Trong nhiệm vụ mới mẻ này, Sư cô dường như đang có thêm cơ hội để tu luyện sự Nhẫn nại và Thiện tâm của mình.

Không chỉ phải lo tiền mua những đồ sinh hoạt hàng ngày cho các bé, sư cô còn phải lo tiền thuốc, tiền đi viện của Phúc Tâm. Bé tuy vẫn lớn lên, nhưng sức khỏe không ổn định, ốm đau liên miên. Cái khó này chồng thêm cái khó kia, nhưng đôi vai bé nhỏ của Sư cô dường như không bao giờ xuôi xuống, trong thâm tâm không bao giờ nghĩ tới hai chữ “từ bỏ”. Dù có thế nào, sư cô cũng vẫn sẽ nuôi nấng các con, vẫn sẽ dành tình thương cho chúng. Khó khăn cũng không thể ngăn trở được Thiện niệm mà người tu luyện như sư cô đang hàng ngày nuôi dưỡng.

Ánh mắt, nụ cười của các con cho mọi người hiểu cuộc sống vui vẻ, an bình, nhiều thương yêu mà sư cô và những tấm lòng thiện tâm đã mang tới cho các con.

Nhìn những bức ảnh ghi lại giây phút sư cô cưng nựng các bé, chơi với các con, nhìn những đứa trẻ xinh xắn, sạch sẽ và đáng yêu cũng đủ để chúng ta hình dung ra các con tuy bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng vẫn còn rất nhiều may mắn. Bởi vẫn còn một người sẵn sàng ở bên, làm tất cả để có thế chăm lo cho các con, cho các con một mái nhà, những bữa cơm, lo cho các con được tới trường. Nhưng hơn hết thảy, điều quý giá nhất là các con vẫn có thể hiểu được sự ấm áp của tình thương, sự quan tâm và vòng tay che chở.

Theo nhà Phật, mỗi người đến trong cuộc đời chúng ta đều không phải ngẫu nhiên, đều là đến cùng một mối nhân duyên. Thấm nhuần lời dạy đó, sư cô Thích Đàm Thảo luôn trân trọng mỗi từng đứa trẻ và cả những người mẹ bất hạnh của các con. Dù có rất nhiều người biết tới câu chuyện của sư cô và cũng vì thế mong muốn được nhận nuôi các bé. Nhưng sư cô đã từ chối, mặc dù rất cảm động trước tấm lòng thương trẻ của mọi người. Trong tất cả các bé được nhận nuôi, chỉ duy nhất có một bé không có lời nhắn gửi nào để lại. Còn những trường hợp khác, theo cách này hay các khác, mẹ của các con đều mong ước có ngày tới đón các bé trở về.

Đây chính là nguyên nhân, Sư cô không muốn để người khác nhận nuôi các con. Sư cô mong, một ngày những người mẹ trẻ này sẽ quay lại, đón các con trở về, cho các con một gia đình thật sự.

Đó chính là lý do, Sư cô muốn giữ các con ở lại chùa, để trong tương lai, các con được gặp lại mẹ đẻ của mình và để chính những người mẹ ấy được nhận lại con, được chuộc lại những lỗi lầm thời non dại. Sư cô có lẽ mong muốn được dùng sự Nhẫn nại của mình để gieo thêm nhân Chân thật – dám làm, dám chịu cho những người phụ nữ ít nhiều bồng bột ấy.


Đã có rất nhiều các bạn sinh viên trẻ lên giúp sư cô, tiếp sức cho tấm lòng thiện lành, cùng sư cô chăm sóc các con, và chăm sóc lòng từ bi trong chính tâm hồn mình.

Tấm lòng của sư cô, hình ảnh của một người tu hành chăm sóc sáu đứa trẻ, trong vất vả khó nhọc nhưng không lúc nào thiếu đi sự dịu dàng, sự chu đáo, đã khiến rất nhiều những người muốn chung tay giúp sức. Đã có rất nhiều các bạn sinh viên trẻ lên chùa, phụ giúp sư cô chơi với các con, chỉ cho các con bài vở. Các nhà hảo tâm cũng theo đó gửi thêm kinh phí để sư cô có thể nuôi nấng các con.

Tấm lòng thiện lành, sự nhẫn nại đáng khâm phục của  sư cô như một cơn mưa xuân, đánh thức hạt giống Thiện đang ngủ sâu trong trái tim khác. Và cơn mưa ấy cũng như thấm vào tâm hồn của những người phụ nữ, để họ thấu hiểu con trẻ cần tình thương, bàn tay và trái tim của người sinh thành ra chúng như thế nào. 

Ly Ly tổng hợp 
Nguồn ảnh: Báo Mới

Xem thêm: