Chuyên mục TIN TỐT ĐẸP ngày 25/9 xin gửi tới quý độc giả bản tin ‘Cảm động người đàn ông mù ở Tây Ninh suốt 20 năm làm đủ nghề nuôi con’
Tới ấp Tân Tiến (xã Tân Phú, Tân Châu, Tây Ninh) hỏi ông Bình “mù” ai cũng nghĩ đến hình ảnh người đàn ông hai mắt bị lòa nhưng vẫn siêng năng trèo cây hái dừa, kéo dưới, mót khoai… nuôi cả gia đình.
Chỉ bằng bàn tay, ông Bình có thể phân biệt từng loại cá và tự gỡ lưới nhanh nhẹn không kém người bình thường khiến nhiều người khâm phục.
Trong căn chòi dựng tạm bợ, anh Nguyễn Văn Bình (44 tuổi) kể với VnExpress, sinh ra khỏe mạnh, bình thường như chúng bạn nhưng lúc 5 tuổi ông bị sởi nặng. Lúc đó gia đình khó khăn nên việc điều trị không đầy đủ. Di chứng để lại khiến đôi mắt cậu bé Bình bị mù vĩnh viễn. Ngày qua ngày, Bình mon men khắp các ngả đường ra ruộng, ra sông Tha La gần nhà. Khi đã quen đường, anh lùa trâu đi chăn, đi nhổ khoai phụ mẹ kiếm tiền.
“Giờ làm được bao nhiêu tiền tôi càng phải cố dành dụm để lo cho hai đứa còn lại ăn học đầy đủ, nhất là thằng út. Mình nghèo không lẽ đời con cũng khổ mãi sao?”, anh Bình nói.
Vừa nghèo vừa bị mù nên những mối tình tuổi trẻ của anh chẳng đi tới đâu cho đến khi Bình được mai mối cho chị Nguyễn Thị Đẹp – vợ anh bây giờ. Nhà Đẹp nghèo, bản thân cũng không biết chữ, ngày ngày theo cha mẹ ra sông chài cá. Bình cũng hay ra sông cào hến nên họ có nhiều cơ hội gặp nhau. Cả nhà Đẹp đều thương Bình chăm chỉ, chất phác, làm giỏi “không thua người sáng mắt” nên cứ vun vào.
“Hồi đó ba má kêu lấy anh Bình, tôi khóc nhiều lắm. Nhưng giờ nghĩ lại, thấy nhiều người mắt sáng chưa chắc bằng. Anh ấy lo làm ăn, không nhậu nhẹt, không bỏ bê vợ con như mấy người tôi biết”, chị Đẹp tâm sự.
TheoBáo Pháp Luật TP. HCM, trong câu chuyện đời người đàn ông mù kể, chưa thấy anh có phút giây nào nghỉ ngơi. Để nuôi vợ con, anh không từ chối việc gì từ cào hến, chài lưới đến hái dừa…
Làm hết việc xong, anh Bình lại mò mẫm đi mót khoai mì. Ruộng mì nào trong ấp nhổ xong, người ta lại thấy anh lần mò ở đó. Anh cười nói: “Tui không dám chạy xe ra lộ chứ đường trong này tui thuộc nằm lòng”.
Như ông bà ta có câu “phúc bất trùng lai, họạ vô đơn chí”, từng đợt phong ba lại kéo đến, trút lên mái ấm của anh Bình. Năm ấy, Bình vay vốn ngân hàng nuôi ba ba, lúc bắt đầu xây bể, ba ba được giá.
Đến khi xuất bán, thương lái lại không mua, giá rớt thảm hại đẩy anh lâm cảnh nợ nần. Thế rồi con gái bị bỏng nặng, người vợ nhập viện cấp cứu liên miên, số tiền dành dụm được cũng đội nón ra đi. Anh Bình lại vác cào lưới ra sông, trèo dừa thuê gom tiền trả nợ.
Điều làm anh Bình day dứt nhất là việc hai con gái lớn đã nghỉ học. Đứa lớn thấy mẹ ở nhà trông em nên nhất quyết nghỉ học, chăn bò giúp cha mẹ. Đứa kế năm nay 10 tuổi nhưng chậm phát triển trí tuệ, học bốn năm lớp 1 vẫn không thể nhớ được mặt chữ. Giờ anh Bình quyết tâm cho con trai và con gái áp út được học hành tới nơi tới chốn.
Cho dù bản thân nghèo khó, lại mù lòa, cuộc sống đầy rẫy vất vả, nhưng chính bản thân ông Bình lại luôn cảm thấy mình rất may mắn, hạnh phúc và suy nghĩ lạc quan.
“Điều may mắn là tôi luôn có gia đình tương trợ. Mỗi khi đi làm đều có người đi cùng, lái xe máy để chở đến nơi ‘mần ăn’ hay dắt tôi trên đường. Anh em đều là dân lao động nghèo, cùng nhau san sẻ khó khăn, vui buồn trong cuộc sống”, ông Bình bộc bạch.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!
———–
Đại Kỷ Nguyên News